Để hạn chế cháy nổ, HoREA kiến nghị gì với Thủ tướng Chính phủ?

22/09/2018 3:18 PM

(Chinhphu.vn) - Trong báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã nhận định vẫn còn nhiều hiện tượng mất an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn.

Thảm họa cháy chung cư Carina ở đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TPHCM khiến 13 người thiệt mạng vào ngày 23/3 là do một chiếc xe máy bị chập điện. Ảnh: VGP

Hàng trăm chung cư xây trước 1975 không có hệ thống PCCC

Theo HoREA, từ năm 2012 đến tháng 9 năm 2016, TPHCM đã xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng và 3/4 trong số này xảy đến với các chung cư. Nếu như năm 2017, hơn 1.000 vụ cháy trên địa bàn đã làm chết 26 người, bị thương 44 người thì sang quý 1 năm 2018, chỉ riêng một vụ cháy chung cư Carina đã làm chết 13 người và làm bị thương hơn 50 người.

Theo phân tích của HoREA, nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ cháy với thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản trước tiên do một số chủ đầu tư dự án đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm đảm bảo PCCC như: thi công, lắp đặt thiết bị, vật tư không đúng thiết kế, sử dụng hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả nên hệ thống PCCC không hoạt động kịp thời hoặc báo cháy không đúng, không đáng tin cậy. Thậm chí khi có hỏa hoạn, hệ thống chữa cháy không hoạt động, hoặc hoạt động không đúng công suất thiết kế.

Ngoài ra, còn do Ban Quản trị chung cư, đơn vị quản lý nhà chung cư không thực hiện đầy đủ trách nhiệm về PCCC. Cư dân trong chung cư thì thờ ơ với các hoạt động hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng PCCC hay thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, sự thiếu thốn trang thiết bị hiện đại cho chữa cháy nhà cao tầng của lực lượng PCCC chuyên nghiệp, sự bất cập trong xử lý hành vi vi phạm PCCC và sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong PCCC cũng là nguyên nhân khiến các vụ hỏa hoạn gây ra nhiều thiệt hại lớn.

Báo cáo của HoREA còn đưa ra một thông tin đáng chú ý khác về mất an toàn PCCC khi cho hay đa phần trong số 474 chung cư xây dựng trước năm 1975 không có hệ thống PCCC, trong khi nhiều căn hộ tại đây đã bị cơi nới, rào chắn, không còn lối thoát hiểm.

Chung cư cũ đã vậy, chung cư mới xây dựng cũng vẫn có hiện tượng “lem nhem” trong công tác PCCC. Nhiều khu nhà ở cao tầng đang “tọa” trong các hẻm nhỏ, không có lối vào cho xe cứu hỏa hoặc tải trọng đường vào không thể “chịu nổi” xe chữa cháy hạng nặng. Không ít chung cư đang “sở hữu” hệ thống PCCC đã xuống cấp, không được bảo hành, bảo trì hoặc kiểm tra thực tế. Thậm chí có những dự án chưa làm xong hệ thống PCCC đã đưa dân vào ở (Chung cư Bảy Hiền Tower - năm 2016).

Đề nghị công khai tên chung cư thiếu an toàn PCCC

Trong số hàng loạt kiến nghị mà HoREA đề đạt lên Chính phủ, có đề xuất phải công khai danh sách các chung cư không đảm bảo an toàn PCCC, hoặc không mua bảo hiểm bắt buộc để công luận giám sát.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu còn cho rằng khâu thực thi pháp luật, trong đó có trách nhiệm thi hành công vụ vẫn yếu và kém hiệu quả dù các quy định pháp luật về PCCC hiện đã tương đối đầy đủ.

Tất nhiên để “siết chặt” công tác bảo đảm an toàn PCCC, người đại diện HoREA đồng thời kiến nghị ra quy định buộc chủ đầu tư chung cư phải làm đường đạt chuẩn cho xe chữa cháy tiếp cận; buộc các thành viên ban quản trị chung cư phải được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản lý, vận hành chung cư, trong đó có kiến thức, kỹ năng về PCCC. Chủ đầu tư chung cư cũng phải được tham gia Ban Quản trị để cùng đảm bảo chất lượng hoạt động nếu đơn vị này còn sở hữu phần khối đế, văn phòng, căn hộ cho thuê.

Luật Kinh doanh Bất động sản cần có thêm quy định chủ đầu tư sau khi nghiệm thu chung cư phải thông báo cho Sở Xây dựng để có xác nhận đạt chuẩn cho phép đưa dân vào ở.

HoREA cũng đề xuất Bộ Xây dựng sớm sửa đổi các quy chuẩn về xây dựng, thiết kế, an toàn PCCC nhà cao tầng theo hướng nghiêm ngặt hơn. Ví dụ phải quy định khu vực để xe tách biệt với khu ở, cho phép miễn tiền sử dụng đất khu để xe để khuyến khích chủ đầu tư và hạn chế làm tăng giá nhà, ra quy định về kết nối tầng thoát nạn giữa các chung cư liền kề…

Bên cạnh đó, HoREA cho rằng còn cần có quy định để xã hội hóa công tác PCCC. Đây được hiểu là đề xuất để giải tỏa thực tế “éo le” khi một doanh nghiệp bất động sản có nguyện vọng tặng 23 tỷ đồng để lực lượng PCCC TPHCM đầu tư thêm trang thiết bị nhưng lại gặp khó vì chưa có văn bản pháp lý nào hướng dẫn!

Đáng chú ý, HoREA còn kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng xem xét quy định về niên hạn sử dụng xe máy, xe ô tô và có biện pháp xử lý đối với những xe đã hết hạn sử dụng để đảm bảo an toàn giao thông, cũng như an toàn PCCC.

Phương Hiền

Top