Để không phải “giải cứu”, nông sản của TPHCM phải “xịn” lên, khác biệt đi

10/04/2019 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Để không rơi vào tình thế phải kêu gọi “giải cứu”, chỉ có cách làm cho nông sản của TPHCM “xịn” lên, khác biệt đi. Như vậy mới chinh phục được người tiêu dùng trong nước và hấp dẫn cả người mua quốc tế - Thông điệp đã được ngành công thương phát đi tại buổi Hội thảo tìm cách phát triển thị trường cho nông sản chủ lực của TPHCM tổ chức ngày 9/4 vừa qua.

Hiện tiêu chuẩn về chất lượng nông sản của Việt Nam nói chung và của TPHCM nói riêng vẫn chưa được “phủ sóng” đến toàn bộ người sản xuất và doanh nghiệp, khiến hầu hết sản phẩm không có thông số chất lượng. Đây là lý do chính làm cho nông sản của Việt Nam gặp khó trong tiêu thụ cả trong nước và thị trường nước ngoài. Ảnh minh họa

“Chênh vênh” người bán – bên mua

Dự kiến giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung trên địa bàn TPHCM sẽ tăng từ 450 triệu đồng/ha (năm 2017) lên 800 triệu đồng/ha vào năm 2020. Hiện Thành phố đã xác định 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm  rau, hoa cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh.

Thế nhưng, riêng chuyện phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực cũng đang đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ.

Điển hình như với rau, sản phẩm này đang gặp khó về diện tích gieo trồng, do quá trình đô thị hóa nhanh khiến đất đai, nhân công lao động trở nên đắt đỏ. Do đó, mặt hàng rau quả của TPHCM đang chịu áp lực lớn trước sản phẩm cùng chủng lại từ các địa phương khác.

Với con tôm, do sản xuất theo mùa vụ, có lúc toàn vùng thu hoạch rầm rộ hàng trăm tấn một lượt, nhưng cũng có khi “đứt hàng” giao cho siêu thị một vài tháng. Bò sữa thì khó khăn kiểu “quả trứng - con gà”, thức ăn, chuồng trại không đạt chuẩn, kỹ thuật kém nên chất lượng sữa thấp. Nhà máy thu mua vì vậy không thể trả giá cao. Không có tiền tái đầu tư cho công nghệ, chuồng trại và thức ăn, nông dân lại rơi vào vòng luẩn quẩn với sữa chất lượng thấp...

Mà ngay cả khi đủ điều kiện ứng dụng công nghệ ở một số mặt hàng rau quả khác thì vẫn có cảnh báo “sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không đúng cách - ví dụ như trồng rau quả thủy canh sai ‘liều lượng’ cũng dẫn tới rủi ro khiến nông sản ô nhiễm kim loại nặng nhiều hơn!”, ông Từ Minh Thiện - Phó Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM khuyến cáo.

Kênh phân phối thì “kêu” nông sản nội địa còn thiếu đồng bộ về quy cách, mẫu mã, bao gói kém bắt mắt, thiếu thông tin minh bạch trong khi người tiêu dùng đô thị có thu nhập cao ngày càng khắt khe hơn. Mua sắm cũng là để có thêm trải nghiệm thư giãn, giải trí khác chứ không chỉ xem nông sản là thực phẩm… Do đó, nông sản ngày càng gặp cạnh tranh lớn hơn từ hàng nhập khẩu.

Phía các nông hộ lại “than” người tiêu dùng ở các thị trường phát triển, kể cả nhà nhập khẩu EU khi mua nông sản nhiệt đới cũng chỉ yêu cầu phải là hàng sạch, không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm, không tồn dư hóa chất… Còn nhiều nhà phân phối và thương lái trong nước lại muốn sản phẩm phải tươi, đẹp, bóng bẩy. “Như vậy có đi ngược với tiêu chí sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch không khi phần lớn sản phẩm đi theo phương pháp này đều bị hạn chế về sản lượng và hình thức cũng không bắt mắt?”, một đại diện Hội Nông dân huyện Củ Chi tâm tư.

Đa số các phân tích đều cho rằng bên cạnh các yếu tố “cứng” về cơ sở vật chất, đất đai, kỹ thuật canh tác, thì những yếu tố “mềm” của chuỗi giá trị kết nối - sản xuất - phân phối ngành nông sản chưa thực sự “kín kẽ” khiến các bên mua - bán - thương lái cứ phải ở thế “chênh vênh”, mạnh ai nấy “thủ”, thị trường đầu ra cho nông sản vì vậy lúc thừa, lúc thiếu.

“Vá lỗi” chuỗi giá trị nông sản

Theo người đại diện Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM, đặc thù đô thị hóa mạnh khiến TPHCM khó mà cạnh tranh với các tỉnh thành khác về những loại nông sản thông thường. Do đó, chỉ có cách đi vào thị trường ngách với sự tích hợp về công nghệ trong chế biến, liên tục đổi mới để cho ra những sản phẩm “phái sinh” - kiểu như không chỉ nuôi bò để bán sữa mà còn để sản xuất hàng loạt mặt hàng khác từ sữa; hoặc sản phẩm “bán chéo” - với những dịch vụ liên kết cùng ngành du lịch...; hay những sản phẩm sáng tạo kiểu cà chua được “nuôi” bằng sữa và trứng…

Thực vậy, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa cũng đã khẳng định để không rơi vào tình thế phải kêu gọi “giải cứu”, chỉ có cách làm cho nông sản của TPHCM “xịn” lên, khác biệt đi. Như vậy mới chinh phục được người tiêu dùng trong nước và hấp dẫn cả người mua quốc tế”. Nhất là những nhà nhập khẩu đang “đóng đô” ngay tại thị trường Việt Nam như MM Mega Market, Aeon, Big C, Lotte, Auchan… Chủ trương này đã được thống nhất sau ngót chục năm kinh nghiệm vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Và tạo ra sự khác biệt cho nông sản TPHCM chính là chặng đường cụ thể hóa định hướng ấy. Theo đó, cơ quan quản lý khâu thương mại đã “đặt hàng” ngành nông nghiệp cùng thực hiện 4 tiêu chí gồm: nông sản phải nuôi trồng theo chuẩn Vietgap, phải truy xuất được nguồn gốc, phải có thương hiệu và phải được đóng gói với bao bì, kiểu dáng “đẳng cấp” và minh bạch.

“Phải thay đổi kế hoạch sản xuất. Các hợp tác xã cần kết nối với nhau để bàn bạc lịch nuôi trồng, thu hoạch, cung ứng đến hệ thống phân phối sao cho luôn có sản lượng hàng hóa ổn định ra thị trường, tránh bị khan hàng hoặc thu hoạch quá nhiều trong cùng thời điểm”, ông Hòa nêu khuyến nghị.

Đại diện cho đơn vị quản lý Chợ đầu mối Bình Điền - Phó Tổng giám đốc Satra Nguyễn Phúc Khoa - vừa cho hay sẽ hỗ trợ kết nối nhà sản xuất nông sản với hệ thống tiêu thụ tại chợ, đồng thời vừa công bố kế hoạch nâng tầm cho nông sản đi qua thương hiệu Bình Điền bằng cách thực hiện dán nhãn “chỉ dấu địa lý” và yêu cầu sơ chế nông sản tại nguồn để giảm thiểu rác thải tại TPHCM.

Ngoài ra, các hợp tác xã, Hội Nông dân và ngành thương mại TPHCM cũng thống nhất rằng ngành nông nghiệp TPHCM rất cần một hệ thống thông tin với dự báo thời tiết - đủ chi tiết và chỉn chu liên quan tới sản xuất nông sản; với diễn biến giá cả, cung cầu nông sản trong và ngoài được cập nhật khoa học, đầy đủ và kịp thời.

Từ góc độ người tạo lập môi tường thương mại để nông sản đi ra thị trường, đại diện Sở Công Thương TPHCM cũng cho hay sau chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo, tới đây một sàn giao dịch thịt heo cũng sẽ được hình thành - với sự tư vấn kỹ thuật của Anh - để kết nối thương nhân, người chăn nuôi và đơn vị kiểm định chất lượng hàng hóa. Tương tự, một dự án giữa Khu Nông nghiệp Công nghệ cao liên kết cùng đối tác Hàn Quốc cũng đang được thí điểm ở Củ Chi nhằm thiết lập chuỗi giá trị khép kín cho khu vực chăn nuôi bò sữa. Theo đó, chuỗi giá trị này sẽ có cả mô hình sàn giao dịch để các bên mua bán nông sản, dịch vụ có liên quan.

Phương Hiền

Top