Để những mối hợp tác “bà đỡ” - startups “chặt” thêm

17/02/2019 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - Có lẽ đã tới lúc không thể kêu gọi sự hình thành những quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp bằng “trách nhiệm xã hội” được nữa, tức chuyện doanh nghiệp lớn đỡ đầu cho startups cần được nhìn nhận trước hết là những mối hợp tác “có qua có lại”.

Mặc dù việc phát triển cộng đồng startup, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng các cơ quan của Nhà nước, đặc biệt Chính phủ bắt đầu rất quan tâm và thực sự mong muốn thúc đẩy cộng đồng này phát triển.

DN lớn - DN nhỏ: Quan hệ tương hỗ hơn là trách nhiệm xã hội

Chưa bao giờ mối quan hệ giữa các doanh nghiệp (DN) lớn và DN khởi nghiệp (startups) lại được chú ý nhiều như lúc này - khi mà tinh thần khởi nghiệp đang được “thắp” lên ở khắp nơi bất chấp một tỷ lệ rất lớn các startups sẽ “một đi không trở lại” chỉ sau vài năm ra đời.

Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng đã khẳng định “khuyến khích các DN lớn đầu tư, thực hiện vai trò bà đỡ cho các DN khởi nghiệp sáng tạo phát triển”.

Ở khắp các diễn đàn hội nghị, vai trò của những cánh chim đầu đàn đối với startups được nhắc đến ngày một nhiều hơn. “Quốc gia khởi nghiệp có thành công hay không, ngoài cố gắng của Chính phủ thì chính đội ngũ DN phải có trách nhiệm góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, để xây dựng được lớp doanh nhân mới, lớn hơn thế hệ doanh nhân hiện nay”, ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam từng khẳng định tại một Diễn đàn Kinh tế hồi cuối năm 2018.

Vậy nếu viện dẫn đến “trách nhiệm xã hội” thì mối quan hệ DN lớn - startups liệu có trở nên “mặn mà” hơn không, có giúp cho các hệ sinh thái khởi nghiệp thu hút sự tham gia nhiệt thành hơn của những ông chủ lớn không? “Tôi nghĩ hệ sinh thái khởi nghiệp cũng chưa hoạt động được nhiều. Các lãnh đạo DN lớn đang làm việc này chủ yếu vì tính cộng đồng nhưng lại quá bận rộn nên chưa thể làm tốt như kỳ vọng…”, lãnh đạo một DN lớn nhận xét.

Có lẽ đã tới lúc không thể kêu gọi sự hình thành những quan hệ kinh doanh giữa các DN bằng “trách nhiệm xã hội” được nữa, tức chuyện DN lớn đỡ đầu cho startups cần được nhìn nhận trước hết là những mối hợp tác “có qua có lại”.

Ngày nay, DN lớn muốn tồn tại và phát triển phải luôn có đổi mới sáng tạo. DN lớn có thể tự nghiên cứu nhưng sẽ phải mất nhiều thời gian. Vì thế, hợp tác với startups trong tư cách là đối tác, nhà tư vấn hoặc nhà đầu tư sẽ là giải pháp hiệu quả hơn. Dẫu biết vậy nhưng mối quan hệ DN lớn - startups hiện vẫn đang vướng trong một mớ bùng nhùng tâm lý. Doanh nghiệp lớn thì sợ startups không làm nổi sản phẩm, dịch vụ như mong muốn. Startups thì lo nhận tiền đầu tư rồi sẽ bị thâu tóm, trở thành người làm thuê cho chính những “đứa con” tinh thần của mình.  “Những suy nghĩ này theo tôi là sai lầm. Doanh nghiệp lớn cần sự sáng tạo ở nhà khởi nghiệp. Khi đã thâu tóm startup thì tính sáng tạo và đội ngũ nhân sự ‘máu lửa’ có thể sẽ ‘chảy’ đi mất. Lúc ấy chỉ nhận về một cái ‘xác’ công ty thì đâu giải quyết được gì”, ông Trần Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu giải thích.

Tất nhiên, trên thực tế, có những “ông lớn” khi hợp tác với startups thường hay o ép “thế này, thế khác” nhưng “nếu startups chỉ giữ riêng cho mình những điểm nổi bật vì lo sợ người khác sẽ bắt chước hay lấy cắp ý tưởng thì cũng đồng nghĩa đang tự đánh mất cơ hội phát triển”, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (thuộc Thành đoàn TPHCM) Nguyễn Thị Diệu Hằng nêu nhận định.

Cần lắm những “bàn tay hữu hình”

Thử nhìn vào mô hình quan hệ tương hỗ DN lớn - DN nhỏ và startups như tại các “đế chế” Huyndai hay Samsung của Hàn Quốc, có thể thấy vai trò không nhỏ của “bàn tay hữu hình” - sự điều tiết của nhà nước. Tất nhiên, ai đó có thể nói “lúc này là kinh tế thị trường rồi, đừng đòi hỏi nhà nước làm nhiều thứ quá” nhưng rõ ràng sau những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn trên toàn cầu mấy thập niên qua, thực tế đã cho thấy khi quy luật thị trường có thêm sự điều tiết hợp lý của “bàn tay hữu hình” trong những trường hợp nhất định thì các cỗ máy kinh tế đã hạn chế được không ít rủi ro và thiệt hại.

Vì vậy, để ủng hộ mối quan hệ “bà đỡ” - startups, một số DN cho rằng nếu tại các cuộc đấu thầu mua sắm công có “điểm cộng” cho DN dự thầu đáp ứng được hàm lượng đổi mới sáng tạo theo yêu cầu hoặc ngành thuế có quy định sẽ miễn, giảm nghĩa vụ ngân sách cho những sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng đổi mới sáng tạo nhất định thì mối quan hệ DN lớn - startups sẽ được thúc đẩy thêm một bước dài.

Tại TPHCM, một giải pháp khác nhằm lôi kéo sự chú ý của các ông chủ lớn đến những nhà khởi nghiệp cũng đã được khởi động. Đó là Chương trình SpeedUp hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016 - 2020 do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì. Tuy vậy, với nguồn lực ngân sách giới hạn, lượng startups tiếp cận được dòng “vốn mồi” này so với tổng số DN được “khai sinh” hằng năm tại đây có lẽ vẫn còn quá nhỏ bé.

Ở tầm quốc gia, hai Nghị định 38, 39 ban hành vào tháng 3/2018 cũng đã mở đường cho sự hình thành của các quỹ đầu tư mạo hiểm - nơi được đánh giá sẽ là những trụ cột quan trọng cho cộng đồng startups.

“Đặc biệt, đề án 844/QĐ-TTg về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được nhà nước hỗ trợ. Khoảng 1.000 DN tham gia đề án gọi được vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng”, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH & ĐT) nêu kỳ vọng.

Rõ ràng, kinh nghiệm cho thấy các quốc gia công nghiệp hóa thành công đều có sự dẫn dắt của những DN lớn, với vai trò trung tâm trong triển khai chính sách, tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ. Từ đó, tạo ra dòng xoáy cuốn theo các SMEs và startups cùng tham gia.

Phương Hiền

Top