Đề xuất hơn 5.700 tỷ đồng xây cầu thay phà Cát Lái

08/07/2016 4:11 PM

(Chinhphu.vn) - Để lưu thông thuận lợi giữa quận 2, TPHCM với huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ, Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mới đây UBND TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung quy hoạch cầu Cát Lái trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

UBND TPHCM cũng đề xuất giao Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 tự thu xếp toàn bộ kinh phí để nghiên cứu bổ sung quy hoạch, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.

Theo đề xuất của Công ty CP Đầu tư xây dựng 194, điểm đầu dự án xây cầu thay thế phà Cát Lái là đường kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy, phường Cát Lái - Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 (TPHCM), điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2km, xã Phú Hữu, Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Dự được thiết kế với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4km, là loại cầu dây văng có tĩnh không 55m, mặt cắt ngang đảm bảo tối thiểu 4 làn xe. Tổng kinh phí đầu tư tạm tính 5.700,89 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay và lợi nhuận đầu tư), trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.225 tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai có công văn gửi UBND TPHCM ủng hộ chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái theo hình thức hợp đồng BOT. Liên danh nhà đầu tư Thái Sơn – Cienco 1 – Đức Bình – Cái Mép cũng xin được thực hiện dự án theo hình thức BOT kết hợp BT.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, huyện Nhơn Trạch có vị trí địa lý là tâm điểm tam giác TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu và được quy hoạch thành đô thị loại II. Do đó, việc xây cầu kết nối TPHCM với huyện Nhơn Trạch là hết sức cần thiết, góp phần phát triển kinh tế cũng như giao thông thuận lợi cho người dân.

Thay nhà thầu dự án môi trường hơn 11.000 tỷ đồng

Theo ông Vương Hải Long, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư (BQLĐT – chủ đầu tư) dự án vệ sinh môi trường TPHCM, giai đoạn 2, để đảm bảo tiến độ của dự án, trên cơ sở chủ trương chấp thuận của UBND thành phố, Ngân hàng thế giới, BQLDA đã không gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và tiến hành thanh lý hợp đồng gói thầu PP - 04 “Thiết kế chi tiết, lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu nhà máy xử lý nước thải” đối với Công ty Tư vấn công nghệ và quản lý môi trường (CEEM) vì tiến độ chậm trễ, chất lượng không đảm bảo, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Đồng thời, UBND thành phố và WB cũng thống nhất bổ sung gói thầu TV-10 “Hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu cho nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè” và  tiến hành đấu thầu lựa chọn tư vấn mới để thực hiện công việc còn lại của gói thầu PP - 04.

Theo đó, hợp đồng gói thầu PP - 04 do BQLĐT ký với CEEM vào ngày 25/1/2014, thời gian thực hiện 16 tháng với giá trị là 810.000 Euro.

Đây là gói thầu thuộc tiểu dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án vệ sinh môi trường TPHCM – giai đoạn 2. Cho đến thời điểm hết thời gian thực hiện hợp đồng, tư vấn CEEM mới thực hiện được 65% giá trị khối lượng nên được thanh toán hơn 525.600 Euro (bao gồm thuế), gồm các nội dung công việc như rà soát báo cáo nghiên cứu khả thi (chậm 2,5 tháng), khảo sát địa hình, khảo sát địa chất, xây dựng cơ sở dữ liệu (chậm 5,5 tháng), lập hồ sơ mời sơ tuyển (chậm 1,5 tháng), thiết kế tham khảo. Hệ quả là chất lượng hồ sơ mời thầu không đảm bảo.

Về tình hình thực hiện dự án, ông Vương Hải Long cho biết, hiện tại BQLĐT đã ký hợp đồng được 6/12 gói thầu tư vấn và 2/3 gói thầu mua sắm. Các gói thầu còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ và sẽ hoàn tất công tác đầu thầu, ký hợp đồng vào cuối năm 2016, đầu năm 2017. Cùng với đó công tác giải phóng mặt bằng đang được UBND quận 2 đẩy nhanh tiến độ theo đúng cam kết với nhà tài trợ, đảm bảo hoàn thành dự án trước thời điểm đóng các khoản vay.

Dự án Vệ sinh môi trường thành phố - giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó WB tài trợ hơn 9.560 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng thành phố.

Hiệp định tín dụng và Hiệp định vay của dự án có hiệu lực vào 10/7/2015, kết thúc vào ngày 30/6/2021.

Dự án được triển khai tại quận 2 nhằm hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè và quận 2; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn, hạ lưu sông Đồng Nai; cải thiện sức khỏe người dân cũng như chỉnh trang đô thị thành phố, trong đó 2 hạng mục lớn nhất và quan trọng nhất là xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (diện tích xây dựng 38,4755 ha, tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) có công suất thủy lực là 480.000 m3/ngày và 34.000 m3/h, công suất hữu cơ tương đương 620.000 PE và xây dựng tuyến cống thu gom từ giếng Bờ Đông (đã xây dựng ở giai đoạn 1) đến nhà máy xử lý nước thải.

Sau khi xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ dự án, nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 sẽ được xử lý đạt tiêu chuẩn loại A.

Nam Đàn

Top