Đề xuất thu phí nhà cao tầng để chống ngập
(Chinhphu.vn) - Chủ đầu tư muốn xây nhà cao tầng phải chịu phí để dự phòng giải quyết vấn đề ngập nước. Đây là một đề xuất của đại biểu tại phiên làm việc sáng 10/7 của HĐND TPHCM khóa IX. Thiếu nguồn lực khiến hàng loạt công trình giao thông ở TPHCM chậm tiến độ
Phiên họp sáng 10/7 của kỳ họp lần thứ 20 của HĐND TPHCM khóa IX . Ảnh: VGP/Băng Tâm |
Phần thảo luận tạo hội trường sáng 10/7 có 16 đại biểu nêu ý kiến liên quan đến nhiều sở, ngành.
Một trong những nội dung lớn của TPHCM mà đại biểu quan tâm là vấn đề chống ngập, đặc biệt là dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng.
Đại biểu Trần Quang Thắng đặt vấn đề, người dân thành phố rất quan tâm đến vấn đề chống ngập lụt. TP có dự án 10.000 tỷ đồng với mục đích giải quyết tình trạng ngập do mưa và triều cường với diện tích 570 km2, giải tỏa được sự lo lắng của 6,5 triệu dân trong một dự án thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.
Theo kết quả theo dõi, tiến trình xây dựng dự án cho đến nay các cống như Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, Bà Bướm, Cầu Kinh đều đạt 65% trở lên, kết quả tương đối tốt, đối với đoạn đê bờ kè đạt trên 55%.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Quang Thắng bày tỏ băn khoăn: “Cống Phú Xuân dù đã đạt trên 72% nhưng vẫn còn kẹt một hộ dân, đây không phải là vấn đề khó khăn lắm, không biết hộ dân này có được giải quyết chưa để chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng tháng 10 dự án này được hoàn thành. Đó là tín hiệu tích cực để giảm nhẹ tình trạng ngập lụt của thành phố”.
Đối với vấn đề xây tòa nhà cao tầng gây ngập, ông Thắng đề xuất những chủ đầu tư muốn xây nhà cao tầng phải chịu phí để dự phòng giải quyết vấn đề ngập nước. Bởi theo ông Thắng, xây nhà cao tầng làm cho bị dồn, nén nhiều quá như ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Khu này khi mưa lớn thường ngập và đã phải tăng cường máy bơm nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Một giải pháp khác để chống ngập là nâng đường lên nhưng ông Thắng cho rằng giải pháp này gây tốn kém.
Đề cập đến các giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch, đại biểu Võ Thị Kim Thúy, cho rằng doanh nghiệp đang khao khát vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh trở lại. Từ đó, bà đề nghị chính quyền TP báo cáo cụ thể hơn về những việc đã làm nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng cần quan tâm, theo dõi số lượng lao động bị mất việc, dãn việc do dịch COVID-19. Rất nhiều lao động đã về địa phương nơi cư trú, nhưng số còn lại cần được quan tâm giới thiệu việc làm hoặc đào tạo lại. Bà Nhung đề xuất TP tập trung nâng cao chỉ số cạnh tranh PCI để đón các dự án đầu tư nước ngoài trong những tháng còn lại của năm 2020, đây là một giải pháp giải quyết việc làm cho số lao động bị trên.
Các vấn đề mà đại biểu đặt ra sẽ được chính quyền TPHCM trả lời.
Băng Tâm