Đến cuối tháng 8-2014, TPHCM có 8.487 điểm bán hàng bình ổn thị trường

11/09/2014 9:50 AM

(HCM CityWeb) – Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì cuộc họp về thực hiện Chương trình bình ổn thị trường (BOTT) 7 tháng đầu năm và hướng chuẩn bị hàng phục vụ Tết Ất Mùi 2015.

 

Theo báo cáo của Sở Công Thương, TP đang tiển khai sâu rộng 4 chương trình BOTT gồm: Chương trình lương thực, thực phẩm; Chương trình mùa khai giảng; Chương trình sữa và Chương trình dược phẩm. Tham gia chương trình có 76 DN, tăng 12 DN so với năm 2013. Trong đó có 68 DN sản xuất kinh doanh và 8 tổ chức tín dụng (gồm các ngân hàng: Sacombank, Eximbank, MBbank, DongAbank, HDbank, Agribank - chi nhánh Lý Thường Kiệt, BIDV chi nhánh Bến Thành, VietinBank chi nhánh 7). Năm 2014 cũng là năm đầu tiên TP đưa vào sử dụng biểu trưng (logo) Chương trình BOTT.
Điểm nổi bật để triển khai chương trình năm nay, đó là vốn cung ứng cho Chương trình BOTT năm 2014 rất dồi dào, với tổng nguồn vốn là 8.300 tỷ đồng, tăng 6.340 tỷ đồng so với năm 2013.
Chương trình BOTT mặt hàng lương thực, thực phẩm, doanh thu tháng 7-2014 đạt 996.4 tỷ đồng, lũy kế từ đầu chương trình đến nay đạt 3.487,1 tỷ đồng, tăng 9,24% so với cùng kỳ. Có 2 nhóm hàng vượt kế hoạch là thịt gia cầm (110,6%) và thực phẩm chế biến (114,4%); 2 nhóm hàng đạt thấp so với kế hoạch do sức mua chậm là thủy hải sản (29,5%) và lương thực (30,4%); các mặt hàng còn lại đạt xấp xỉ so với chỉ tiêu kế hoạch.
Để đáp ứng nhu cầu học sinh mùa khai giảng năm nay, các DN trong Chương trình BOTT đã đưa ra thị trường nhiều mẫu mã sản phẩm mới. Chương trình có 4 nhóm hàng, tăng 1 nhóm hàng (giày) với 437 mẫu sản phẩm (tăng 98 mẫu so với năm 2013), trong đó tập học sinh có 40 mẫu, 186 mẫu cặp - ba lô - túi xách, 207 mẫu đồng phục học sinh và 4 mẫu giày. Doanh thu tháng 7-2014 đạt 99,72 tỷ đồng, lũy kế từ đầu chương trình đạt 261,63 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ.
Đối với Chương trình BOTT mặt hàng sữa, có 5 nhóm hàng sữa bột, 1 nhóm hàng sữa nước với 70 mẫu sản phẩm được bình ổn. Doanh thu tháng 7-2014 đạt 68,6 tỷ đồng, lũy kế từ đầu chương trình đạt 286,9 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ.
Chương trình BOTT, các mặt hàng dược phẩm đã thực hiện bình ổn ở 21 nhóm thuốc với 150 hoạt chất. Doanh thu tháng 6-2014 đạt 9,06 tỷ đồng, lũy kế từ đầu chương trình đạt 24,88 tỷ đồng.
Song song với công tác phát triển và cung ứng nguồn hàng, các DN trong chương trình cũng đẩy mạnh việc phát triển các điểm bán để đưa hàng bình ổn đến tay người tiêu dùng TP. Tính đến cuối tháng 8-2014, tổng số điểm bán của 4 Chương trình BOTT trên địa bàn TP là 8.487 điểm bán, tăng 284 điểm bán so với đầu chương trình. Trong đó, Chương trình BOTT lương thực, thực phẩm dẫn đầu với 3.542 điểm bán, siêu thị - trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và 2.177 điểm bán trong khu dân cư.
Chương trình mùa khai trường có 784 điểm bán tăng 15 điểm so với đầu chương trình, gồm 168 siêu thị, nhà sách, 312 cửa hàng tiện lợi, 304 điểm bán trong khu dân cư. Chương trình sữa có 1.405 điểm bán, tăng 212 điểm so với đầu chương trình gồm 87 siêu thị - trung tâm thương mại, 132 cửa hàng tiện lợi, 19 sạp chợ, 390 điểm bán khu dân cư, 713 trường học bán trú, 64 bệnh viện. Chương trình dược phẩm có 2.756 điểm bán gồm 108 nhà thuốc bệnh viện, 594 nhà thuốc DN, 2.054 nhà thuốc tư nhân.
Bên cạnh đó, công tác phát triển điểm bán tại các quận vùng ven cũng được chú trọng. Hiện đã có 16 điểm bán phục vụ công nhân gồm 11 điểm bán BOTT tại 9 KCX-KCN (1 siêu thị Citimart, 7 cửa hàng tiện lợi, 3 điểm bán), 3 cửa hàng tiện lợi tại xí nghiệp đông công nhân (Công ty May Bình Minh, May Nhà Bè, KCN Bình Chiểu), 2 cửa hàng thanh niên phục vụ khu lưu trú công nhân.
Theo đó, các DN cũng phối hợp chặt chẽ với hội phụ nữ, đoàn thanh niên tiếp tục phát triển mạnh các điểm bán trong khu dân cư, trong đó các hội phụ nữ đã phát triển được 765 điểm bán. Mặt khác, công tác bán hàng lưu động, đưa hàng vào bếp ăn tập thể tiếp tục thực hiện chặt chẽ. Từ đầu chương trình đến nay, các nhóm đã thực hiện được 310 chuyến bán hàng lưu động tập trung, doanh thu đạt 4,92 tỷ đồng. Các DN bình ổn đã cung ứng hàng hóa vào 23 bếp ăn tập thể, phục vụ gần 43.549 suất ăn cho công nhân mỗi ngày…
Theo Sở Công Thương, TP đã có kế hoạch phục vụ Tết Ất Múi 2015. Theo đó, chủ trương tăng các chuyến hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa.
Chương trình bán hàng lưu động năm nay tiếp tục được tổ chức thành 3 nhóm, do 3 đơn vị chủ lực làm đầu mối là: Liên hiệp HTX Thương mại thành phố (Saigon Co.op), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Công ty TNHH Ba Huân. Riêng tại huyện Cần Giờ, các DN ưu tiên hỗ trợ Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Cần Giờ làm đầu mối tổ chức thực hiện. Các mặt hàng bán lưu động chủ yếu là hàng nhu yếu phẩm như gạo, đường, bột ngọt, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình… Giá bán các mặt hàng này thấp hơn bình quân từ 5% - 30% so với giá bán cùng chủng loại hàng hóa trên thị trường và trong các siêu thị.
Ngoài ra, các đơn vị cũng tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi khác để phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân ngoại thành. Dự kiến từ nay đến cuối chương trình bình ổn năm 2014, các DN sẽ thực hiện ít nhất 940 chuyến bán hàng lưu động. Riêng trong tháng 9-2014, DN bình ổn sẽ tổ chức 111 chuyến bán hàng lưu động để hưởng ứng Tháng khuyến mãi 2014 do Sở Công thương tổ chức.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng đã chỉ đạo Sở Công Thương và các doanh nghiệp tham gia chương trình phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng, giá cả BOTT từ nay đến Tết Ất Mùi 2015. Chương trình phải đi vào chiều sâu, phải hoàn tất việc in logo BOTT lên nhãn mác hàng hóa, bao bì sản phẩm; tăng cường tuyên truyền chương trình “thuốc Việt cho người Việt”; lực lượng quản lý thị trường phải tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, loại trừ hàng gian, hàng giả trà trộn trên thị trường.
 
NS.
Top