Denim và kỳ vọng “xanh hóa” ngành dệt may

10/06/2019 10:02 AM

(Chinhphu.vn) - Được biết đến như chuỗi giá trị sản phẩm tương đối hoàn chỉnh của dệt may, ngành hàng Denim “made-in-Vietnam” ngay từ buổi sơ khai đã mạnh dạn gia nhập xu hướng “Xanh hóa ngành dệt may”.

Việt Nam đang nổi lên là nhà cung cấp denim lớn ra thế giới và do đó Triển lãm Denimsandjeans Việt Nam lần thứ 4 sẽ là sự kiện tốt để các các đơn vị trong ngành công nghiệp denim Việt Nam và các nhà cung cấp gặp gỡ, hợp tác cùng phát triển.

Mạnh dạn theo đuổi phát triển bền vững

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cuối tuần qua tại TPHCM, cuộc triển lãm mặt hàng denim (loại vải được dệt đôi, từ sợi cotton hai màu trắng-xanh/trắng-đen) năm 2019 sẽ tập trung nhiều hơn vào phát triển bền vững và sản xuất bền vững. Đây là xu hướng tất yếu khi những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, FTA VN-EU…) ngày càng đòi hỏi nhiều hơn các cam kết về sự phát triển bền vững liên quan tới con người, môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN)…

Trong khi đó, ngành dệt may Việt Nam trên nền tảng của một nền kinh tế hội nhập sâu rộng đã và đang trở thành nam châm thu hút cả nhà đầu tư lẫn người mua hàng toàn cầu tìm đến. Lợi thế vào đến top 2 thế giới về xuất khẩu mặt hàng dệt may (năm 2018) cũng đã và đang là lực đẩy tích cực cho một chuỗi giá trị tuy còn nhỏ nhưng đã khá hoàn chỉnh là mặt hàng denim (từ khâu dệt, nhuộm đến thiết kế, sản xuất...).

Cho tới thời điểm này, hàng denim Việt Nam tự tin đã thực sự đáp ứng đầy đủ quy tắc “từ sợi trở đi” khi xuất khẩu vào khu vực CPTPP.

Tuy số lượng DN sản xuất hàng denim mới chỉ khoàng 100 (so với tổng số 6.000 DN dệt may tại Việt Nam) nhưng cuộc vận động tham gia triển lãm Denimandjeans lần thứ 4 với định hướng phát triển bền vững cũng đã thu hút được hơn 40 DN từ nhiều nước trên thế giới cùng tham gia trưng bày sản phẩm. Và tất nhiên, một trong những yêu cầu bắt buộc của nhà tổ chức là DN phải có chứng nhận về phát triển bền vững.

Do đó, triển lãm Denim năm nay dành phần không gian đặc thù cho khu vực “My Mother Earth” - nơi trưng bày các sản phẩm với ý tưởng về việc phát triển một quy trình may mặc không ảnh hưởng xấu đến đất đai, không khí và nước. Đó là những sản phẩm từ mặt hàng cotton hữu cơ, sử dụng hóa chất thân thiện môi trường, sử dụng nước ở mức tối thiểu và tái chế được chất thải trong quá trình sản xuất…

Sự tăng tốc của ngành sản xuất denim Việt Nam cũng đã khiến lượng “người mua” DN tham gia triển lãm liên tục tăng mạnh qua từng năm. Nếu như năm 2016, mới chỉ có 850 DN đến tìm hiểu thông tin thì triển lãm denim Việt Nam năm nay dự kiến sẽ thu hút khoảng 1.500 người mua hàng trên khắp thế giới.

Hiện tại, trong số 500 triệu sản phẩm denim toàn cầu xuất khẩu vào Mỹ hàng năm, lượng hàng denim mang nhãn Việt Nam mới đóng góp 24 triệu. Con số nhỏ bé ấy với mặt hàng denim Việt Nam dù vậy cũng hàm ý về một thị trường cực lớn và tiềm năng còn đang ở phía trước.

Từ nhận thức tới hành động: Quãng đường đầy chông gai

Hiện Việt Nam đã có 2 nhà máy dùng robot trong khâu washing (giặt giũ) - là khâu có thể ảnh hưởng tới sức khỏe công nhân. Có nhà máy còn được thiết kế để sử dụng được ánh sáng mặt trời tốt nhất nhằm giảm thiểu hoạt động của hệ thống máy sấy, giúp giảm phát thải khí nhà kính. Từ đó giúp sản phẩm thân thiện môi trường hơn, chi phí sản xuất cũng giảm đi…

Tuy nhiên, đây chỉ mới là câu chuyện ở một số ít các DN lớn và rất lớn, còn với phần đông các nhà sản xuất hàng denim còn lại, theo đuổi cuộc đua phát triển bền vững để tạo cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam đi sâu hơn vào các thị trường lớn, tiếp cận được các nhãn hàng cao cấp hơn, có được giá trị gia tăng cao hơn vẫn là con đường đầy chông gai.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Vitas - 80% DN dệt may tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ (SMEs). Và cũng như SMEs ở nhiều ngành sản xuất khác, những DN ấy còn đang bận mải với những nỗi lo thường trực về cải thiện năng suất, quản trị sản xuất… “DN cũng biết xanh hóa dệt may là rất quan trọng nhưng chưa thể dành mọi ưu tiên và kinh phí đầu tư cho mục tiêu ấy vào lúc này. Hơn nữa, với quy mô sản xuất nhỏ và công nghệ chưa thực sự tiên tiến như bây giờ, nếu các DN sử dụng hóa chất tốt, thân thiện môi trường thì thành phẩm sẽ rất đắt đỏ, khó mà giữ được sức cạnh tranh”, người đại diện Vitas nhận định.

Ngay cả khi DN đã được “đả thông tư tưởng” thì hành động thực sự sau đó theo hướng phát triển bền vững cũng không hề dễ dàng bởi các khó khăn về nguồn lực. Từng có một tổ chức từ Osaka (Nhật Bản) đến TPHCM với Dự án kiểm toán năng lượng các nhà máy dệt nhuộm. Dẫu được “mạnh thường quân” này vận động thay mới nồi hơi – khâu đặc biệt quan trọng của nhà máy - để tiết kiệm năng lượng, với mức hỗ trợ tới 50% chi phí, nhưng vẫn không nhiều DN có thể đảm đương nổi.

Dù vậy, trên phương diện là tổ chức dẫn dắt ngành, Vitas vẫn khẳng định phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược. Do đó, ngay đầu tháng 7 tới, Hiệp hội sẽ có hội thảo - với sự hỗ trợ của Ủy ban An toàn May mặc toàn cầu - nhằm vận động các nhà sản xuất tuân thủ hệ tiêu chuẩn và quy trình đánh giá tại HIGG INDEX - chứng nhận về phát triển bền vững cho DN dệt may.

Năm 2018 là năm ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng ấn tượng khi đạt được kim ngạch 36 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017. Năm nay, dự kiến tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng dệt may sẽ tiếp tục tiến tới mốc 40 tỷ USD.

Triển lãm quốc tế chuỗi cung ứng denim & trang phục thể thao tại Việt Nam -  Denimandjeans Việt Nam mùa thứ 4 diễn ra từ ngày 12-13/6/2019 tại TPHCM.

Triển lãm có sự tham dự của hơn 40 công ty từ khắp nơi trên thế giới với chủ đề MY EARTH MY DENIM (Trái Đất của tôi Denim của tôi) - một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng về tính bền vững.  

Dự kiến, tại Triển lãm DenimandJeans Việt Nam sẽ diễn ra các hội thảo: Làm sao thực thi các hành động nhằm phát triển bền vững; Sản xuất bền vững ngành Denim - So sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc; Các xu hướng hiện tại về bán lẻ và tầm quan trọng của sự phát triển bền vững đối với người tiêu dùng, nhà thiết kế, nhà sản xuất; Phát triển thông qua sản suất Denim bền vững.

Phương Hiền

Top