Dệt may: Khi nội địa hóa góp sức cho giá trị gia tăng

19/06/2018 3:56 PM

(Chinhphu.vn) - Trong thành quả chung của ngành dệt may hiện nay, không thể không tính đến sự đóng góp quan trọng của chuỗi giá trị sản phẩm denim - nơi mà tỷ lệ nội địa hóa đã lên tới 60%.

Xuất khẩu dệt may hiện là ngành được đặt nhiều kỳ vọng và tự tin tận dụng cơ hội trong các hiệp định FTA và CPTPP.

Denim - “ngôi sao đang lên” của dệt may

Ước 5 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt 13,26 tỷ USD. Trong đó nhập khẩu nguyên phụ liệu là 8,829 tỷ USD. Nếu trừ phần nguyên phụ liệu sản xuất cho hàng tiêu thụ trong nước thì giá trị gia tăng của hàng dệt may xuất khẩu hiện đã đạt 45,4%.

Trong thành quả chung của ngành dệt may hiện nay, không thể không tính đến sự đóng góp quan trọng của chuỗi giá trị sản phẩm denim - nơi mà tỷ lệ nội địa hóa đã lên tới 60% - theo như tuyên bố của Hiệp hội Dệt may Việt Nam vào chiều ngày 18/6 nhân buổi công bố triển lãm quốc tế Denimandjeans sắp tổ chức tại TPHCM (27-28/6/2018).

Được biết đến như loại vải cotton chuyên dụng cho các sản phẩm jeans, chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm may mặc từ vải denim thực sự đã là “ngôi sao đang lên” của ngành dệt may Việt Nam khi không chỉ dẫn đầu tỷ lệ nội địa hóa toàn ngành mà quan trọng hơn, chuỗi giá trị này vẫn còn đang trên đà phát triển mạnh mẽ khi các DN tại Việt Nam hiện đã có thể đảm trách hầu hết các khâu sản xuất nguyên phụ liệu.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), denim và jeans là một trong những chuỗi giá trị khá hoàn chỉnh tại Việt Nam từ khâu dệt sợi, nhuộm, may mặc, “vải và phụ liệu bao lâu nay vẫn là điểm ‘thắt cổ chai’ của ngành may mặc Việt Nam, trừ các dòng denim”, người đại diện Vitas nhận định.

Vì vậy cuộc triển lãm quốc tế Denimandjeans tới đây không chỉ đơn thuần là nơi mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu các xu hướng mới nhất, thành tựu hiện đại nhất và công nghệ tiên tiến nhất mà còn là nơi diễn ra hàng loạt hội thảo chung quanh câu chuyện về phát triển chuỗi cung ứng denim bền vững tại Việt Nam.

Khác với các cuộc triển lãm thông thường khác dành cho công chúng, cuộc triển lãm đặc thù từ một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được kỳ vọng sẽ là nơi tập hợp những nhà mua hàng lớn từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo ông Sandeep Agarwall, Tổng Giám đốc Công ty Balaji - nhà tổ chức triển lãm từng có 20 năm làm công tác thị trường ở Việt Nam - bốn nước xuất khẩu hàng denim lớn nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc, Bangladesh, Mexico và Việt Nam. Trong đó ngành denim tại Việt Nam có bước phát triển rất ấn tượng, “tôi nghĩ là trong vòng 3-4 năm tới Việt Nam sẽ vào top 3 các nhà xuất khẩu hàng denim lớn nhất thế giới”.

Cũng theo nhà nghiên cứu thị trường này, 16 hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã và đang đàm phán chính là “nam châm” thu hút ngày càng nhiều mối quan tâm của những người làm thương mại trên toàn cầu. Trong đó, đặc biệt quan trọng là 2 hiệp định tự do thế hệ mới gồm: FTA Việt Nam - EU và CPTPP.

Dệt may: Nơi FDI “đón đầu” FTAs

Trong 5 năm gần nhất, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy vào ngành dệt may bình quân hơn 1,5 tỷ USD/mỗi năm. Cụ thể, giai đoạn từ 2013-2017, số vốn FDI vào dệt may đã chiếm xấp xỉ một nửa tổng lượng FDI mà toàn ngành có được trong gần 30 năm qua.

Có thể thấy FDI ào ạt đổ vào dệt may mạnh nhất là từ thời điểm năm 2013 trở lại đây - khi mà các cuộc thương thuyết về những hiệp định thương mại tự do “nặng ký” mà Việt Nam là thành viên - bắt đầu bước vào thời kỳ sôi động. Đó là các FTA thế hệ mới như Việt Nam - EU, hay TPP (nay là CPTPP với 11 thành viên) mà Việt Nam được nhận định sẽ là đối tượng hưởng lợi lớn.

Hiện hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang EU với thuế suất từ 10-12%. Khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực thì mức thuế trên có thể về 0% - một cơ hội rất lớn cho những ai muốn “đón đầu” ngay từ bây giờ. Trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc - “đương kim vô địch” FDI rót vào ngành dệt may Việt Nam.

Xứ sở kim chi còn có thêm lợi thế là vừa có FTA với Việt Nam, vừa có FTA với EU. Điều đó có nghĩa khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực thì doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng nguyên phụ liệu nhập từ Hàn Quốc để sản xuất hàng bán sang EU và vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi đến 0%.

Thời gian gần đây, ngành dệt may Việt Nam đã có bước tăng trưởng rõ rệt. Giai đoạn 2010 - 2015, xuất khẩu sản phẩm dệt may đều tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Dù giảm tốc trong năm 2016 do nhiều biến động của thế giới, nhưng sang năm 2017, đà tăng trưởng nhanh đã quay lại, chạm mức 10%. Kim ngạch xuất khẩu lên đến 31,1 tỷ USD. Dự kiến năm 2018 này, giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sẽ cán mốc 34 tỷ USD.

Phương Hiền

Top