Đi hội chợ quốc tế, đừng mong ký được hợp đồng ngay!

23/05/2018 8:03 AM

(Chinhphu.vn) - Đi hội chợ quốc tế mà có được “mối” làm ăn ngay với đối tác là điều rất khó. C hỉ cần người tham quan có quan tâm, liên lạc lại sau đó, đề nghị mua hàng mẫu, đề nghị bán thử sản phẩm Việt Nam, đó đã là thành công vượt bậc...

Kỳ vọng vào sức mạnh của “bó đũa”

Chuyện “rồng rắn” nhau dự các hội chợ quốc tế có lẽ cũng không quá xa lạ với rất nhiều doanh nghiệp (DN) Việt ngày nay - đi theo đoàn của các Hội nghề nghiệp cũng có, mà DN tự đi lẻ tẻ cũng có… Dù dường như rất hiếm thấy những cải thiện hiệu quả kinh doanh thực sự được DN thừa nhận xuất phát từ tham dự các hội chợ với tư cách là nhà sản xuất, nhưng các DN dày dạn kinh nghiệm đều hiểu rằng những hội chợ chủ yếu dành cho người mua là các nhà phân phối đích thực là cơ hội lớn để đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng thế giới.

“Sự thành bại trong tham gia hội chợ không thể hiện ở chỗ ký được bao nhiêu hợp đồng tại chỗ; chỉ cần người tham quan có mối quan tâm, sau đó liên lạc lại, đề nghị mua hàng mẫu, đề nghị bán thử sản phẩm Việt Nam, đó đã là thành công vượt bậc. Kể cả gốm sứ Minh Long cũng phải đến năm thứ 5 đi dự hội chợ ở Frankfurt tại Đức mới có được hợp đồng bán hàng đầu tiên”, bà Vũ Kim Hạnh - chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho hay.

Trong một cuộc trao đổi cùng các DN thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam mới đây, TS Trần Văn Quyến, chuyên gia tư vấn từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Woolmark của Úc cũng khuyến nghị DN “đừng tiết kiệm chi phí quảng bá, xúc tiết thương mại thái quá. Phải đi tìm khách hàng, đừng thụ động chờ đợi; muốn mang hàng ra nước ngoài thì phải đi triển lãm, đi hội chợ. Nhiều DN tập hợp dưới một ‘ngọn cờ chung’ là thương hiệu quốc gia sẽ có thể gây tiếng vang và thu hút chú ý nhiều hơn”.

Thế nên, tại Hội chợ ThaiFex - hội chợ thương mại quốc tế về thực phẩm và đồ uống, công nghệ thực phẩm, bán lẻ và nhượng quyền thương mại - sắp diễn ra ở Băng Cốc (Thái Lan) vào cuối tháng 5 này, các DN Việt sẽ cùng tập hợp lại dưới sự tổ chức của Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan và Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao.

Tất nhiên, ThaiFex rõ ràng không phải là nơi để DN Việt cạnh tranh với DN bản địa Thái Lan bởi ngay tại “sân nhà” Việt Nam, các nhà sản xuất trong nước còn đang gặp không ít chật vật với hàng Thái. Tuy nhiên, đây lại là cửa ngõ để DN Việt có thể mang hàng đến các thị trường lớn khác trên thế giới như Mỹ, EU, Úc với mức chi phí “trong khả năng có thể”.

Sản phẩm hữu cơ “mang chuông đi đấm xứ người”

ThaiFex 2018 có lẽ là diễn đàn mà các nhà sản xuất nông sản sạch và thực phẩm hữu cơ Việt tập hợp đông đảo nhất, với 30 DN mà đa số trong đó đang là các “cánh chim đầu đàn” thuộc nhiều lĩnh vực chế biến thức uống, thực phẩm hoặc sản phẩm hữu cơ chủ lực của Việt Nam như Vinamilk, Trung Nguyên, Bibica, VinEco, Cỏ May, Vinamit, Betrimex; các DN sản xuất gạo hữu cơ như ST24, Trung An, Ecotiger…

Đây có lẽ là minh chứng cho nỗ lực xây dựng mối “hợp tác công tư” giữa các nhà tổ chức gồm cả cơ quan chức năng lẫn hội nghề nghiệp. Bởi Việt Nam hiện mới có 16 tỉnh thành sản xuất sản phẩm hữu cơ, với 70 DN đã đạt được chứng nhận hữu cơ của USDA (Mỹ) và EU.

Bên cạnh các gian hàng riêng, tất cả hàng Việt còn “quây quần” dưới một không gian chung là “Làng sản phẩm hữu cơ và thiên nhiên”, có thiết kế mô phỏng những hình ảnh đặc trưng nhất của một Việt Nam thu nhỏ, đậm chất trữ tình của thuyền thúng, hồ sen, của những dụng cụ sản xuất và sinh hoạt vùng đồng bằng Nam Bộ.

Những sản phẩm Việt tham gia Thaifex 2018 cũng không phải là nông sản “thô” mà là sản phẩm chế biến từ các quy trình sản xuất đã được công nhận đạt chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, các nghệ nhân nổi tiếng từ Việt Nam sẽ liên tục trình diễn nấu nướng hơn 10 món ăn đặc sắc ở sự kiện “Cooking show” - Ẩm thực Việt ba miền - trong suốt 3 ngày đầu tiên, thời điểm Hội chợ chỉ dành cho các nhà phân phối và DN tham gia.

Dù vậy, các nhà tổ chức đều đồng loạt từ chối tiết lộ thông tin về số tiền đầu tư cho chuyến “mang chuông đi đấm xứ người” này, với quan điểm “chủ yếu là hiệu quả mang lại cho DN sau đó chứ công bố số tiền đầu tư vào triển lãm để làm gì?”, người đại diện cao nhất của Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao chốt lại.

“Ngôi nhà chung” của Việt Nam tại ThaiFex cũng là nơi sẽ diễn ra các cuộc họp báo quốc tế, hội thảo về kết nối hàng Việt với thế giới, các cuộc kết nối giao thương giữa DN Việt với DN các nước. “Ngôi nhà chung” đồng thời còn trưng bày bản đồ cỡ lớn giới thiệu đến công chúng tham quan 70 sản phẩm đã có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Trong đó, sẽ tập trung cho các mặt hàng đang được thương mại hóa tốt nhất và là thế mạnh như nước mắm Phú Quốc, tiêu Quảng Trị, điều Bình Phước hay dừa xiêm xanh và bưởi da xanh Bến Tre…

Những hoạt động song song khác được Thương vụ Việt Nam phối hợp tổ chức cũng sẽ đồng loạt diễn ra để cùng khuếch đại cho “tiếng chuông” chung. Trong đó, các nhà quản lý Việt Nam sẽ có chuyến tiếp xúc để tìm hiểu về kinh nghiệm Thái Lan trong quản lý an toàn thức ăn đường phố và thanh tra an toàn thực phẩm; DN Việt cũng được tổ chức đến thăm những nhà máy chế biến thực phẩm hữu cơ đặc biệt; Thanh niên, sinh viên, du học sinh Việt ở xứ sở chùa vàng cũng được vận động tham gia cổ vũ, giới thiệu cho sản phẩm hữu cơ Việt Nam ngay tại ThaiFex.

ThaiFex là Hội chợ thương mại quốc tế về thực phẩm và đồ uống, công nghệ thực phẩm, bán lẻ và nhượng quyền thương mại ở Châu Á, diễn ra từ ngày 29/5/2018 – 02/6/2018 tại Trung tâm hội nghị và triển lãm quốc tế lớn nhất Thái Lan (IMPACT) tại Bangkok.

Dự kiến Thaifex sẽ đón khoảng 60.000 lượt khách, tăng 10% so với năm 2017. Sự kiện ghi nhận số đơn đăng ký tham gia triển lãm hàng hóa hiện đã lên đến 2.500 DN từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phương Hiền

Top