DN thần tốc xây bệnh viện dã chiến để cùng TPHCM chống dịch

02/08/2021 1:00 PM

(Chinhphu.vn) - Tận dụng quỹ nhà đang sở hữu, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chung tay cùng TPHCM để nhanh chóng thu dung để thành lập bệnh viện dã chiến, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Bộ Y tế đang tiếp tục điều lãnh đạo các cục, bệnh viện hạng đặc biệt vào TPHCM để tăng cường lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: VGP/Minh Thi.

Cả nước cùng hướng về TPHCM

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, trưa 1/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết: Tính hết ngày 31/7, có 93.037 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố (đã tính số ca nhiễm đã công bố sáng ngày 01/8); trong đó: 92.733 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 304 trường hợp nhập cảnh.

Các bệnh viện hiện đang điều trị 35.218 bệnh nhân dương tính. Trong ngày 31/7 có thêm 3.493 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 34.639. Dù vậy, TPHCM vẫn đang phải đối mặt với áp lực về giường bệnh điều trị COVID-19 cũng như trung tâm hồi sức, thiết bị y tế điều trị bệnh nhân nặng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định TPHCM đang nỗ lực và gồng mình hết sức cho cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19. “Theo đánh giá của chúng tôi, TPHCM đang đi đúng hướng trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, đợt dịch chưa từng có trong tiền lệ”, ông Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết hiện cả nước đều quan tâm và góp sức cho TPHCM chống dịch. Vấn đề cần quan tâm nhất lúc này là cứu chữa kịp thời các bệnh nhân nặng, giảm nguy cơ tử vong.

Do đó, Bộ Y tế đang tiếp tục điều lãnh đạo các cục, bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương và Bệnh viện E vào TPHCM để cùng chung sức thiết lập hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19.

Nhiều DN cũng đã sẵn sàng tận dụng quỹ nhà để cùng chính quyền TPHCM nhanh chóng lập bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: VGP/Minh Thi.

Thần tốc lập bệnh viện dã chiến

Không chỉ có sự chung tay hỗ trợ của các bệnh viện tuyến Trung ương, nhiều DN cũng đã sẵn sàng tận dụng quỹ nhà để cùng chính quyền TPHCM nhanh chóng lập bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh viện dã chiến để đáp ứng nhu cầu về giường bệnh tăng nhanh mỗi ngày.

Ngày 30/7, Bộ Y tế ban hành quyết định thành lập Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế, tại TPHCM (gọi tắt là Trung tâm hồi sức COVID-19 Trung ương Huế) và bệnh viện thu dung phòng chống dịch bệnh đặt tại số 2 đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú.

Bệnh viện Dã chiến số 2 (Khu chung cư tái định cư đường B, phường Tân Thời Nhất, Quận 12, TPHCM) cũng được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu tháng 7/2021. Bệnh viện có số giường thực kê 2.467 giường để thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Và ngày 1/8, với sự đồng hành kinh phí để hoàn thiện từ Tập đoàn Novaland, Sở Y tế TPHCM đã chính thức bàn giao và đưa vào vận hành khu hồi sức tại bệnh viện dã chiến này.

Trung tuần tháng 7/2021, khu căn hộ tái định cư Phường An Khánh, Quận 2, TPHCM (công trình do Tập đoàn Novaland quản lý) đã hoàn tất bàn giao để sử dụng thành Bệnh viện dã chiến số 10 nhằm tăng cường nguồn lực, cơ sở vật chất cho ngành Y tế phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh. Bệnh viện dã chiến số 10 có sức chứa khoảng 3.000 giường bệnh, được Tập đoàn Novaland đề xuất trưng dụng từ khu căn hộ của dự án để phục vụ chống dịch khẩn cấp cho TPHCM.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng đã bàn giao 170 căn hộ tái định cư trên địa bàn Quận 1, TPHCM để làm khu cách ly tập trung và sắp tới đây tiếp tục hoàn tất việc cải tạo và bàn giao khu nhà sắt tiền chế tại 134 - 136 Lý Chính Thắng, quận 3 để làm khu cách ly tập trung COVID-19.

Nhiều bệnh viện dã chiến khác tại thành phố như bệnh viện dã chiến số 5 tại trung tâm thương mại The Garden Mall, bệnh viện nằm trên đường Đào Trí (Quận 7) và bệnh viện dã chiến 9AB tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với tổng quy mô lên đến khoảng 8.000 giường cũng được các doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết, khi trao đổi với lãnh đạo các DN lớn của TPHCM, ông nhận thấy DN đều có nguyện vọng sẻ chia khó khăn trong việc xây dựng các khu điều trị Covid-19. DN muốn hiến mặt bằng để xây bệnh viện dã chiến, khu cách ly nhất là trong lúc các lực lượng y tế công lập đang đối diện với áp lực quá lớn.

Ông Trai kiến nghị cần có giải pháp đột phá hơn để DN cùng tham gia hỗ trợ lực lượng y tế, chia sẻ nguồn lực với TPHCM dựa trên những tiềm lực mà họ sẵn có. Việc cho các DN được tham gia sâu vào quá trình phòng chống dịch với thành phố không chỉ giảm áp lực cho Chính quyền thành phố cũng như lực lượng y tế mà việc chủ động sẽ tạo sự linh hoạt trong phòng chống dịch của các DN nhằm duy trì tốt chuỗi sản sản xuất, cung ứng hiệu quả hơn. 

Minh Thi

Top