Doanh nghiệp Bình Dương ‘trông chờ’ cải thiện kết nối giao thông vùng

25/09/2019 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Tại cuộc đối thoại với UBND tỉnh Bình Dương, nhiều doanh nghiệp phản ánh về tình hình hạ tầng giao thông, nhất là đường giao thông liên tỉnh, liên vùng chưa thuận tiện, thường xuyên ách tắc.

Hình ảnh tại buổi gặp mặt doanh nghiệp của UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: VGP/Thu Lê

Ngày 24/9, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, nhờ tập trung nỗ lực triển khai những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh do Chính phủ phát động, tỉnh Bình Dương đã có những bước tiến trong thu hút đầu tư, góp phần giúp Bình Dương giữ vững tốc độ phát triển kinh tế thuộc nhóm cao của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, 9 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018, vượt 73% so với chỉ tiêu năm 2019. Trong đó, các khu công nghiệp thu hút được 1 tỷ 962 triệu USD, tăng 68%. Các dự án ngoài khu công nghiệp đạt 462 triệu USD, tăng 165%.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều nhất sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với 145 dự án đầu tư đăng ký mới, 104 lượt dự án điều chỉnh vốn, mua cổ phần với tổng vốn đầu tư 2 tỷ 274 triệu USD, chiếm 93,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Luỹ kế đến ngày 20/8, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 3.674 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 33,7 tỷ USD, tính cả vốn đầu tư theo hình thức góp vốn/mua cổ phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì tổng vốn nước ngoài lên đến 34,7 tỷ USD.

Theo ông Trúc, từ năm 2016, Bình Dương đã quyết định đổi mới trong thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng mới thông qua Đề án Thành phố thông minh. Bình Dương đã chính thức gia nhập Hiệp hội đô thị khoa học thế giới WTA và Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF, đồng thời tổ chức thành công 2 hội nghị quốc tế (Diễn đàn đổi mới sáng tạo toàn cầu kỷ niệm 20 năm thành lập WTA và Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á Horasis).

Đặc biệt, tháng 11/2018, vùng thông minh Bình Dương là khu vực đầu tiên của Việt Nam được Diễn đàn Cộng đồng thông minh ICF vinh danh là 1 trong 21 khu vực có chiến lược phát triển Thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới năm 2019.

Kết nối giao thông vùng chưa đồng bộ

Tại cuộc đối thoại, nhiều doanh nghiệp phản ánh về tình hình hạ tầng giao thông, nhất là đường giao thông liên tỉnh, liên vùng chưa thuận tiện, thường xuyên ách tắc.

Bà Dương Thị Ánh Tuyết, Giám đốc hành chính-nhân sự Công ty TNHH Rheem Việt Nam cho biết dù đã rất cố gắng nhưng nguồn nhân lực hiện tại của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu nhân sự của công ty về trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, vì vậy đa số nhân viên Công ty phải tuyển dụng từ TPHCM.

“Nhiều nhân viên một ngày phải mất từ 4-6 giờ để di chuyển từ TPHCM tới Bình Dương và ngược lại, cao điểm có những hôm trời mưa, kẹt xe phải mất tới 6-8 giờ. Đi lại mất quá nhiều thời gian, dẫn tới lâu nhất cũng chỉ 2-3 năm người lao động sẽ nghỉ việc, doanh nghiệp vừa tốn thêm chi phí tuyển dụng lại khó giữ chân người tài”, bà Tuyết chia sẻ.

Một số doanh nghiệp cho biết, so sánh với các quốc gia trong khu vực, một trong những bất lợi của Việt Nam là hạ tầng giao thông chưa thuận tiện; đường bộ, cảng biển, sân bay chưa đồng bộ. Từ đó, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tỉnh Bình Dương có những giải pháp thiết thực liên kết giao thông với các tỉnh, thành phố khác, nhất là TPHCM để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cho biết, vấn đề liên kết vùng đã được cụ thể hoá trong Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam diễn ra cách đây không lâu do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Đồng Nai. Trong đó, đặt ra nhiều vấn đề, giải pháp nói chung về phát triển kinh tế và giao thông nói riêng.

Hiện nay, UBND TPHCM đã quyết định thành lập Tổ công tác liên kết vùng về mặt giao thông vận tải do Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM là tổ trưởng và thành viên là giám đốc các sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tổ công tác đã có một số cuộc họp, đề ra những giải pháp liên kết vùng về giao thông. Theo đó, thống nhất những công trình giao thông thiết yếu cần sớm được đầu tư. Phân ra những công trình nào thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Trung ương như các tuyến đường vành đai, cao tốc, tuyến đường liên địa phương, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố có kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải, Trung ương xem xét sớm đầu tư công trình đó.

Đối với các tuyến đường thuộc thẩm quyền địa phương, các giám đốc sở cũng có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố sớm đầu tư các công trình này.

“Tại tỉnh Bình Dương, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu, đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn từ nay đến 2020, và dự kiến kế hoạch cho giai đoạn 2021-2015 các công trình trọng yếu. Trước mắt để giải quyết kết nối giao thông với TPHCM, tỉnh đã đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13; mở rộng ĐT 743 đoạn từ giao lộ Sóng Thần tới giao lộ ngã tư Miếu Ông Cù để kết nối về hướng Tân Uyên. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham mưu cho lãnh đạo về các giải pháp kết nối giao thông với các tỉnh khác như Đồng Nai, Tây Ninh”.

Về phía TPHCM, UBND Thành phố cũng đã được tham mưu về các công trình giao thông kết nối với các địa phương, tuy nhiên với vai trò là đầu mối giao thông quốc gia, trong thời gian ngắn TPHCM chưa thể giải quyết ngay mà cần có lộ trình thích hợp.

Về tình hình kẹt xe trên một số tuyến đường nội tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải bày tỏ chia sẻ, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp căn cứ theo tình hình giao thông vào các giờ cao điểm trong ngày để điều chỉnh lộ trình xe đưa đón nhân viên cho thích hợp, lựa chọn đường có khả năng thông hành tốt hơn để rút ngắn thời gian di chuyển.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho lãnh đạo tỉnh sớm triển khai các dự án giao thông trong tỉnh để đáp ứng nhu cầu giao thông. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đang phối hợp với các địa phương khác và các doanh nghiệp đầu tư các cảng sông Sài Gòn, Đồng Nai… để giảm áp lực giao thông đường bộ”, ông Trần Bá Luận cho biết.

Thu Lê

Top