Doanh nghiệp FDI tìm kiếm nhà cung ứng sau dịch COVID-19

02/07/2020 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Hơn 100 nhà cung ứng trong nước, mà chủ yếu là doanh nghiệp tại TPHCM đã tìm hiểu cơ hội tham gia vào chuỗi cung cứng của Tập đoàn Techtronic Industries (TTi) - một doanh nghiệp FDI vốn đầu tư lớn tại Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP).

Hội thảo chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển cho các nhà cung cấp trong nước 2020 được tổ chức sáng 2/7 tại SHTP là sự kiện kết nối tìm kiếm nhà cung ứng đầu tiên được tổ chức sau thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19.

TTi mong muốn nâng tỉ lệ cung ứng từ Việt Nam lên 85%. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý SHTP đánh giá sự kiện lần này là tín hiệu rất tốt, cho thấy doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao năng lực cung ứng của doanh nghiệp trong nước. Theo ông Thi, sau dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong SHTP có kế hoạch mở rộng sản xuất. Đây là điều rất đáng mừng vì hoạt động sản xuất trong chuỗi cung ứng của họ đang dịch chuyển về Việt Nam. Bước đầu tiên là tập đoàn mẹ đang đẩy đơn hàng về các nhà máy tại Việt Nam.

Do vậy hoạt động mở rộng của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Bên cạnh việc thu hút các doanh nghiệp mới thì phải tạo ra cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp hiện hữu mở rộng sản xuất kinh doanh một cách nhanh nhất

Theo ông Nate Easter, Phó chủ tịch Điều hành TTi Việt Nam, hiện doanh nghiệp này có nhà máy tại Bình Dương sản xuất dụng cụ điện, phụ kiện, dụng cụ cầm tay, thiết bị điện dùng ngoài trời và tự chăm sóc sàn xe (DIY). Có khoảng 38% nhà cung ứng nội địa tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm của TTi Việt Nam. Theo kế hoạch, tháng 10 năm nay, TTi sẽ triển khai dự án xây dựng một nhà máy và một trong tâm nghiên cứu tại SHTP.

Lần đầu tiên tổ chức kết nối, tìm kiếm nhà cung ứng tại Việt Nam, ông Nate Easter hy vọng trong 2 năm tới, sẽ thu hút khoảng 180 - 200 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho TTi, nâng tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm của TTi tại Việt Nam lên 60% trong năm 2020 và đạt 80% vào năm 2021 và giá trị xuất khẩu đạt 4,5 tỉ USD vào thị trường EU và Hoa Kỳ.

Với 4 mảng sản phẩm, gồm: Phun nhựa, Khuôn mẫu, Điện, Kim loại, TTi đã thu hút được hơn 100 nhà cung ứng trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp tại TPHCM tìm hiểu cơ hội hợp tác trong sáng 2/7.

Qua nhiều năm tổ chức các hoạt động xúc tiến, kết nối nhà đầu tư và các bên cung ứng trong nước, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TPHCM đánh giá, các doanh nghiệp cung ứng trong nước đã tự tin hơn về năng lực của mình. Do đó, vấn đề mà các bên cung ứng đưa ra tại hội thảo sáng nay không phải là khó khăn về năng lực sản xuất, trình độ chuyên môn mà là áp lực về dòng vốn quay vòng và yêu cầu tính công khai, minh bạch trong lựa chọn đối tác của nhà đầu tư.

Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban quản lý SHTP đánh giá, việc có nhiều doanh nghiệp cung ứng tìm hiểu thì TTi sẽ dễ dàng tìm kiếm được đối tác vừa đảm bảo chất lượng vừa cạnh tranh giá cả. Tuy nhiên, cần minh bạch trong quá trình lựa chọn hoặc từ chối các nhà cung ứng, họ còn yếu điểm nào, chưa đạt điểm nào…

Về nguồn vốn cho doanh nghiệp cung ứng, bên cạnh chương trình kích cầu đầu tư theo Nghị quyết 16 của HĐND TPHCM, ngay tại hội thảo, có hai ngân hàng đã ký biên bản ghi nhớ với SHTP, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố và TTi nhằm cung cấp giải pháp tài chính cho doanh nghiệp cung ứng.

Cụ thể, theo ông Lê Văn Tám, Giám đốc AgriBank chi nhánh 5, khi doanh nghiệp đạt được thỏa thuận đối tác cung ứng cho TTi nghĩa là có thêm một sự đảm bảo để vay vốn từ AgriBank.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Vũ, Trưởng Văn phòng đại diện VietinBank tại TPHCM chia sẻ, bên cạnh ưu tiên cấp vốn thì doanh nghiệp cung ứng cho TTi có thể tiếp cận sản phẩm bảo lãnh thanh toán của ngân hàng này để tránh áp lực dòng vốn. Vì theo thông lệ, nhà đầu tư sẽ trả tiền cho doanh nghiệp cung ứng sau thời gian giao hàng từ 90 đến 120 ngày. Đây là một vấn đề rất khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Băng Tâm

Top