Doanh nghiệp ứng phó thế nào trước sự thay đổi

12/09/2020 4:19 PM

(Chinhphu.vn) - "Tất cả đã thay đổi? Thay đổi mô hình kinh doanh/chiến lược kinh doanh" là chủ đề Hội thảo do Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC) tổ chức ngày 12/9.

TS Võ Trí Thành cho rằng cần thúc đẩy nhanh quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến với doanh nghiệp và người dân. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Thay đổi, không bỏ cuộc

Mở đầu hội thảo, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng Chính phủ đã có những chính sách rất kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên quá trình thực thi các chính sách còn chậm. Trước cú sốc lớn như đại dịch Covid-19, vai trò hỗ trợ của nhà nước là rất quan trọng. Song sự nỗ lực, chủ động của doanh nghiệp vẫn có ý nghĩa quyết định.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Võ Trí Thành, ông Huỳnh Thế Du, học giả nghiên cứu Đại học Indiana Hoa Kỳ cho rằng khó khăn vẫn còn ở phía trước, doanh nghiệp phải chủ động tính toán, gói ghém các nguồn lực để duy trì trong tình thế hiện nay và chuẩn bị cho quá trình phục hồi.

Trong khi đó, CEO Đặng Đức Thành, Chủ tịch VEC đề cập đến hàng loạt từ khóa mà thế giới đang quan tâm, đó là  “Sự thay đổi”, là “Chiến lược kinh doanh”, “Mô hình kinh doanh”, “Ứng phó của doanh nghiệp trước sự thay đổi”. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tác động và dẫn đến sự thay đổi liên tục của nhân loại. Dịch Covid-19 chỉ như “giọt nước tràn ly” dẫn đến những chuyển đổi linh hoạt trong chính sách của các quốc gia và chiến lược kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Để vượt qua khủng hoảng, CEO Đặng Đức Thành cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt phải đặt ra phương châm xuyên suốt: “luôn luôn đổi mới - sáng tạo”.

Kết nối với Hội thảo từ Mỹ, bà Nguyễn Hồng Xuân Ngọc, Quản lý kế toán và phân tích tài chính, Công ty Amazon cho rằng dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen, hành vi của người tiêu dùng từ những phương thức truyền thống sang trực tuyến và “thắt lưng buộc bụng” trong quyết định tiêu dùng.

Theo bà Xuân Ngọc, thương mại điện tử đang đứng trước cơ hội ngàn năm có một. Riêng tại Mỹ và Canada doanh thu bán hàng online đã tăng 129%. Trong quý II/2020, Amazon có doanh thu tăng 40% cùng kỳ năm trước. Nhờ các kênh bán hàng online như Amazon, Shopify… đã mở ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Việt khi tiếp cận với khách hàng thế giới, dễ dàng hơn, tiết kiệm hơn so với các phương thức tiếp cận trực tiếp truyền thống. Theo bà Xuân Ngọc, mặc dù khó khăn trong đại dịch Covid-19 nhưng đây là thời điểm doanh nghiệp cần đầu tư cho hoạt động digital marketing để khai thác lợi thế của các nền tảng mạng xã hội.

Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Chủ tịch CMO Worldwide Vietnam cũng cho rằng khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, càng phải đẩy mạnh marketing, phải giữ khách hàng, duy trì khách hàng.

Cơ hội nào cho sản xuất trong nước?

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và Covid-19 dẫn đến cuộc dịch chuyển làn sóng các nhà cung cấp, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Và đây là cơ hội cho Việt Nam. Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia tài chính của Quỹ tiền tệ quốc tế - IMF phân tích một số động thái, biện pháp kinh tế mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc như đánh thuế cao; từ tháng 5/2020, Mỹ yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp trên thế giới đang sử dụng nền tảng kỹ thuật của Mỹ ngưng bán thiết bị bán dẫn cho tất cả đối tác Trung Quốc. Theo ông Chí, đây là biện pháp mạnh mẽ đe dọa nền công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc nhưng lại mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt có thể mạnh dạn tiến vào ngành bán dẫn.

Ngoài ra, do tác động của dịch Covid-19, một số hãng sản xuất lớn của Hoa Kỳ có thể sẽ di dời nhà máy. Tuy nhiên thời điểm này chưa thích hợp vì lao động Việt chưa đủ năng lực để tham gia sân chơi lớn. Nhưng ông Chí cho rằng có thể dịch Covid-19 còn tiếp diễn trong một đến hai năm tới, thế giới cần nguồn cung sản phẩm thiết yếu chống dịch Covid-19 mà Việt Nam có thế mạnh. Song song đó là quá trình chuẩn bị nguồn nhân lực thông qua trang bị ngoại ngữ và kỹ năng công nghệ đón đầu làn sóng đầu tư khi nền kinh tế thế giới phục hồi.

Băng Tâm

Top