Doanh nhân và báo chí hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

30/01/2015 10:20 AM

(HCM CityWeb) - Đó là chủ đề buổi tọa đàm ngày 28-1 do Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM phối hợp cùng Cục Công tác phía Nam Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tại TPHCM và Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn ASEAN (SABC) tổ chức.

Các vấn đề được đề cập tại tọa đàm: Thực trạng hội nhập kinh tế quốc tế, các kênh hội nhập kinh tế quốc tế mới (TPP, RCEP và AEC), cách thức nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, lộ trình hải quan cắt giảm thuế quan khi tham gia các hiệp định thương mại tự do... 


Ông Đào Văn Lừng, Trưởng đại diện cơ quan Thường trú Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM phát biểu khai mạc tọa đàm


Các chuyên gia của Bộ Công thương, Tổng cục Hải Quan đã có mặt tại tọa đàm cùng Đại diện Ban Tuyên giáo Trung Ương phía Nam để chia sẻ thông tin và giải đáp thắc mắc của Doanh nghiệp. Đại biểu tham dự sự kiện có các cơ quan thông tấn báo chí, các doanh nghiệp đến từ SABC và đại diện các Hiệp hội như: Hội Nhà báo Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp TP, Hội Tin học TP...

Theo thông tin tại website www.trungtamwto.vn, năm 2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đã hoạch định tầm nhìn ASEAN 2020 bao gồm ba trụ cột chính là Cộng đồng An ninh – Chính trị ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC). Năm 2007, một lần nữa các nhà lãnh đạo nhấn mạnh lại cam kết này. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng ý rút ngắn tiến trình hội nhập kinh tế khu vực bằng việc thông qua Kế hoạch hành động AEC và thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.


Các đại biểu tham dự hội nghị và các doanh nghiệp chụp hình lưu niệm

Việc hiện thực hóa cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ biến ASEAN thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN. AEC sẽ hỗ trợ hội nhập kinh tế của các khu vực ưu tiên, đồng thời cho phép tự do chu chuyển nguồn nhân lực có trình độ cao/tài năng trong kinh doanh. Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất ASEAN bao gồm năm yếu tố cơ bản: chu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề, chu chuyển tự do hơn nữa các dòng vốn và dòng đầu tư.

Thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp ưu tiên tham gia hội nhập như: nông nghiệp, hàng không (vận chuyển bằng đường hàng không), ô tô, e-ASEAN, ngư nghiệp, chăm sóc sức khỏe, cao su, dệt may và thời trang, du lịch, ngành công nghiệp gỗ và các dịch vụ logistics khác…

Bích Văn
 

 

Top