Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang gặp khó khăn gì?

18/02/2019 8:28 PM

(Chinhphu.vn) - Một loạt khó khăn, vướng mắc có thể khiến dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ vừa được chủ đầu tư tuyến đường này gửi đến Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.

Để đẩy nhanh tiến độ cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, mới đây Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất các giải pháp triển khai tiếp dự án cao tốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo đó, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được Chính phủ phê duyệt theo hình thức hợp đồng BOT và phương án Nhà nước hỗ trợ đầu tư bằng quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ban đầu được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại quyết định số 4145/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2014 với tổng mức đầu tư là 14.678 tỷ.

Trong quá trình thực hiện Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 1700/QĐ - BGTVT ngày 15/6/2017, trong đó điều chỉnh về kỹ thuật và tổng mức đầu tư điều chỉnh xuống còn 9.669 tỷ (giảm 5.0099 tỷ so với tổng tư ban đầu).

Đây là một dự án có ý nghĩa kinh tế - xã hội rất quan trọng tới sự phát triển của ĐBSCL cũng như cả nước. Tuy nhiên, hiện tiến độ dự án mới triển khai được trên 15% khối lượng công việc và đang gặp phải một số khó khăn về cơ quan quản lý, vốn, chủ đầu tư… Do đó, để thúc đẩy tiến độ của dự án, nhanh chóng hoàn thành theo kế hoạch, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất các giải pháp để tháo gỡ những bế tắc.

Cụ thể, theo chủ đầu tư, trước tiên cần tập trung về một đầu mối để có đầy đủ công cụ, quyền lợi, nghĩa vụ nhằm chủ động quản lý, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất Chính phủ chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dự án từ Bộ Giao thông vận tải về UBND tỉnh Tiền Giang (mô hình đã thực hiện thành công ở dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn).

Đồng thời, cần phải điều chỉnh quy định về lãi suất vay vốn. Hiện lãi suất áp vay vốn áp dụng cho dự án ở mức 7,82%/ năm. Trong khi đó Hợp đồng tín dụng đã ký lại ở mức 10,8%. Sự chênh lệch này dẫn đến việc dự án không có khả năng thu hồi vốn, không đảm bảo điều kiện để ngân hàng rót vốn cho dự án. Đồng thời, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cần cho các nhà đầu tư của dự án huy động vốn tín dụng để thi công và ngân hàng tài trợ vốn bảo lãnh cho Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thanh toán cho các nhà thầu.

Tiếp đến, nhằm tăng cường năng lực để tiếp tục thực hiện dự án, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã đề xuất xuất Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho bổ sung Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (DCG) vào liên doanh, thay thế cho Công ty TNHH Yên Khánh (là một trong 6 công ty trong liên doanh Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận).

Lý giải cho đề nghị thay đổi này, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho rằng, do Công ty Yên Khánh đang liên quan đến nhiều vụ án hình sự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án, khó hoàn thành vào tháng 9/2020 như kế hoạch.

Minh Thi

Top