Dự án metro số 1: Kiểm toán kiến nghị xử lý nhiều tổ chức, cá nhân

26/12/2018 11:00 AM

(Chinhphu.vn) - Bản kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã phân tích, chỉ rõ các sai phạm tại dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đồng thời kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm ở dự án metro số 1

Tháng 6/2018, đường hầm thứ 2 thuộc gói thầu số 1b, tuyến metro số 1, đã hoàn thành sau 5 tháng thi công. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Xác định trách nhiệm tổ chức, cá nhân 

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, dự án tuyến metro số 1, việc chủ đầu tư điều chỉnh quy mô nhà ga Bến Thành, điều chỉnh đoạn đào hở, kết cấu tường vây… là trách nhiệm thuộc về người quyết định đầu tư (Chủ tịch UBND TPHCM) và chủ đầu tư (Ban Quản lý đường sắt đô thị).

Cùng với đó là các sai phạm như trong xác định đơn giá và khối lượng gói thầu 1a, dẫn tới tăng giá trị dự toán hơn 1.608 tỷ đồng (sai đơn giá nhân công, nhiên liệu sắt thép, chi phí trực tiếp khác, chi phí lán trại…), không tiến hành sơ tuyển nhà thầu theo quy định, Ban quản lý đường sắt đô thị đã thay đổi thiết kế kỹ thuật trái với thẩm quyền…

Ngoài ra, còn có hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý chi phí đầu tư, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, đền bù giải phóng mặt bằng, chế độ quản lý tài chính, kế toán…

Với căn cứ nói trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Ban Quản lý đường sắt đô thị tổ chức đàm phán, thương thảo với các nhà thầu để giảm giá hợp đồng các gói thầu CP1b, CP2 và Tư vấn chung, tránh thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.

Cùng với đó, rà soát khối lượng, đơn giá, định mức và các căn cứ pháp lý xây dựng dự toán, giá gói thầu để điều chỉnh giảm giá trị dự toán các gói thầu 1a, CP1b, CP2; kiểm tra, rà soát và giảm giá trị quyết toán gói thầu 1a đối với các hạng mục không thuộc chi phí dự án tuyến số 1 (chi phí giá trị dự toán tuyến số 2 là 345,9 tỷ đồng, tuyến số 4 là hơn 50,5 tỷ đồng).

Tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý theo đúng quy định trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, công tác lập, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và việc xác định giá  gói thầu, công tác lựa chọn nhà thầu, điều chỉnh kiểu dáng từ dầm Super T sang dầm chữ U của đoạn tuyến đi trên cao làm tăng giá trị công trình lên 1.420 tỷ đồng, nghiệm thu, thanh toán và quản lý tiến độ của các gói thầu còn có sai sót, tồn tại…

Đối với UBND TPHCM, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện dự án từ khi thực hiện đến nay, các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, rà soát các hợp đồng, biên bản đàm phán thương thảo hợp đồng đồng thời rà soát, xác định chính xác tổng mức đầu tư của dự án và tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật để tránh thất thoát, lãng phí vốn đầu tư, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án theo đúng quy định.

Ngoài ra, UBND Thành phố phải tổ chức kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan về những tồn tại, sai sót như đã nêu tại Báo cáo kiểm toán và có hình thức xử lý theo đúng quy định. Đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý Đường sắt Đô thị thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến  nghị và báo cáo kết quả thực hiện về Kiểm toán Nhà nước trước ngày 31/3/2019.

Tiến độ dự án đang bị chậm

Theo báo cáo của Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TPHCM, tuyến metro số 1 (tổng mức sau điều chỉnh là 236.626 triệu Yên Nhật, tương đương 47.325 tỷ đồng) đã thực hiện được tổng khối lượng đạt 57%.

Cụ thể, gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố) đạt 50,6%; gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son) đạt 67,6%; gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 78%; gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 33,7%; gói CP4 (hệ thống thông tin, tòa nhà vận hành và bảo dưỡng) dự kiến triển khai thiết kế kỹ thuật từ đầu năm 2019.

Đáng chú ý, trong năm 2018, dự án tiếp tục không được Bộ Kế hoạch Đầu tư giao vốn do vướng thủ tục pháp lý liên quan đến điều chỉnh tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, Kể từ khi dự án không được giao vốn (tháng 9/2016) đến nay, UBND thành phố đã tạm ứng cho dự án tổng cộng 3.273 tỷ đồng.

Do thiếu vốn nên tiến độ của Dự án tuyến metro số 1 của TPHCM đang bị chậm. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Nhiều cán bộ xin nghỉ việc

Tháng 11/2018, trong báo cáo gửi UBND TPHCM, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết đang gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về công tác nhân sự. Đặc biệt, theo đơn vị này, là tình trạng thiếu nhân sự chủ chốt ở các phòng ban và cả lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ.

Theo đó, tính từ tháng 7/2016 đến tháng 11/2018 có tới 45 người nghỉ việc. Trong số đó có 5 lãnh đạo phòng ban, 37 chuyên viên và thêm 3 người nghỉ do tinh giản biên chế.

Đáng chú ý là ông Lê Nguyễn Minh Quang với vai trò Trưởng Ban (từ tháng 6/2016) đã 2 lần có đơn xin nghỉ việc nhưng chưa được giải quyết. Hiện UBND TPHCM đang thực hiện  theo quy trình để giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, ông Hoàng Như Cương, Bí thư đảng ủy, Phó ban Quản lý cũng đã nộp đơn lên lãnh đạo TPHCM xin nghỉ việc. Ngày 16/11/2018 ông Cương nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng làm việc sau 45 ngày.

Trước khi đi nước ngoài, bản thân Cương đã giải trình việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án tuyến metro số 1 và tuyến metro số 2; giải trình kết luận của Thanh tra Thành phố đối với dự án tuyến metro số 1; giải trình dự thảo kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án tuyến metro số 1, đồng thời làm xong bản kiểm điểm cá nhân sau thanh tra theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ TPHCM, UBND thành phố đang tiến hành công tác nhân sự tại Ban Quản lý đường sắt đô thị, trong đó thực hiện tạm đình chỉ chức Trưởng Ban đối với ông Lê Nguyễn Minh Quang để thay người mới cũng như tạm đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng uỷ đối với ông Hoàng Như Cương, Phó Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị do đi nước ngoài việc riêng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định./.

Nam Đàn

Top