Gần 1.135 tỷ đồng triển khai chương trình Sữa học đường

09/10/2018 10:11 AM

(Chinhphu.vn) - Tại kỳ họp lần thứ 10 (kỳ họp bất thường) của HĐND TPHCM khóa IX, các đại biểu đã nhất trí thông qua đề án Sữa học đường với kinh phí gần 1.135 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM Lê Hồng Sơn giải trình về đề án Sữa học đường. Ảnh: VGP/Nguyễn Bảo

Ngày 8/10, kỳ họp lần thứ 10 (kỳ họp bất thường) của HĐND TPHCM đã quyết định một số vấn đề quan trọng liên quan đến việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù và đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố.

Tại kỳ họp, UBND TPHCM đã có tờ trình cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn thành phố.

Theo đề án, chương trình sữa học đường được triển khai ngay trong năm học 2018-2019, đối với trẻ em mẫu giáo và thí điểm học sinh tiểu học lớp 1 tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh. Trong năm học 2019-2020, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đối với trẻ em mẫu giáo, sơ kết rút kinh nghiệm và mở rộng thực hiện đại trà cho học sinh tiểu học lớp 1.

Theo tính toán, tổng kinh phí thực hiện chương trình sữa học đường giai đoạn 2018-2020 gần 1.135 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 350 tỷ đồng, doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp gần 240 tỷ đồng, còn lại phụ huynh học sinh sẽ đóng góp khoảng 548 tỷ đồng (50% kinh phí).

Học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố, học sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang học tại các trường thực hiện đề án, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 50% và doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Mục tiêu của chương trình là 100% phụ huynh, người chăm sóc học sinh; 90% trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học (các trường công lập, ngoài công lập) và trẻ học lớp mẫu giáo độc lập tư thục tham gia đề án. Chương trình sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ, tỷ lệ protein động vật, protein tổng số khẩu phần trẻ em tham gia đạt trên 40%; đáp ứng nhu cầu sắt, canxi; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 4,4%; thể thấp còi dưới 6,8%.

Đại biểu HĐND TPHCM tán thành chủ trương của chương trình vì sự phát triển của trẻ em thành phố, song không ít ý kiến bày tỏ lo ngại trong cách triển khai chương trình để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Tố Trâm cho biết dư luận rất quan tâm đến tính minh bạch trong khâu đấu thầu cung ứng sữa vào nhà trường, nếu làm không tốt sẽ gây tai tiếng. Do đó, cần có sự giám sát chặt chẽ của các đoàn thể liên quan, phụ huynh và cả báo chí.

“Sữa là quan trọng nhưng không phải là giải pháp toàn năng mà cần đi kèm với chương trình thể dục thể thao, đảm bảo sức khỏe cho trẻ từ giảm tải chương trình”, bà Trâm bày tỏ.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cho rằng chương trình sữa thiết thực nhưng cần đảm bảo sự tự nguyện, phụ huynh không tham gia thì làm sao để đảm bảo gia đình tự đưa sữa vào trường cho học sinh.

Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân thì đề nghị cần làm rõ tỷ lệ chiết khấu cung cấp sữa để thấy được doanh nghiệp hỗ trợ tới đâu. Ngoài ra, phải rõ ràng trong việc tham gia đề án của phụ huynh.

“Chúng ta cần làm rõ tính tự nguyện hay bắt buộc của học sinh, phụ huynh tham gia chương trình. Nếu tự nguyện rồi thì có liên quan đến đánh giá đạo đức, tham gia phong trào của các cháu không?”, ông Quân đặt vấn đề.

Trong khi đó, đại biểu Tăng Hữu Phong băn khoăn: “Riêng phần kinh phí làm kệ chứa sữa hết 5,5 tỷ đồng nhưng chỉ sử dụng trong 2 năm thì có bất hợp lý không? Các phòng Giáo dục lo kho chứa sữa thì có thể đảm đương trong thời gian ngắn hay không?”. Theo đại biểu này, cơ quan liên quan cần tính toán kỹ càng để đảm bảo thành công cho đề án.

Giải trình đề án này, ôngLê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, trước khi thực hiện đề án đã lấy ý kiến các sở ngành liên quan, 24 quận, huyện và nhà trường. Tất cả các nội dung liên quan đến kinh phí, chế độ được trên 84% phụ huynh đồng ý.

Theo ông Sơn, học sinh tham gia chương trình để tạo thói quen uống sữa, chế độ dinh dưỡng phát triển trẻ em chứ không liên quan gì đến đánh giá đạo đức. Các loại sữa sử dụng trong đề án đảm bảo các điều kiện theo quy định và được đấu thầu công khai rộng rãi, đúng luật nên bất cứ công ty sữa nào đảm bảo điều kiện cũng có thể tham gia.

Ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chinh phủ ban hành Quyết định số 1340 phê duyệt chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Mục tiêu của chương trình là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ bằng việc cho trẻ uống sữa hàng ngày, nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ. Quyết định đưa ra 9 chỉ tiêu áp dụng cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học với thời gian thực hiện đến năm 2020.

Nguyễn Bảo

Top