Gấp rút chống ngập

13/09/2015 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính quyền TPHCM đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, trong đó có công tác chống ngập. Sống chung với ngập

Trận mưa kéo dài trong ngày 9/9 vừa qua gây ngập nặng tuyến đường An Dương Vương (quận 6). Ảnh: VGP/Nam Đàn

Nhiều dự án đã triển khai

Vấn đề ngập úng tại TPHCM luôn được quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020. Năm 2008, Thủ tướng cũng đã phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.

Mới đây nhất, Thủ tướng đã yêu cầu TPHCM tiếp tục đưa việc chống ngập úng vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP để tập trung giải quyết, tạo chuyển biến căn bản, rõ rệt trong nhiệm kỳ tới, trong đó phải tập trung khắc phục ngập úng tại khu vực trung tâm.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chống ngập úng, TP cần quản lý chặt chẽ quy hoạch xây dựng, bảo vệ các hồ điều hòa và các vùng chứa nước hiện có; nạo vét, giải tỏa vật cản trên hệ thống kênh, hạn chế việc khai thác nước ngầm tránh nguy cơ sụt lún.  

Thời gian qua, TPHCM đã tập trung triển khai một số dự án chống ngập như: Dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ (giai đoạn 1), xây dựng hệ thống thoát nước, cống bao, trạm bơm chuyển tiếp nước thải, xây dựng nhà máy xử lý nước thải 141.000 m3/ngày; hoàn thành việc nạo vét, kè bờ cửa xả, cảnh quan tại khu vực kênh Bến Nghé và một phần kênh Tàu Hũ. Giai đoạn 2 đang được triển khai.

Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, giai đoạn 1 đã hoàn thành xây dựng tuyến cống bao, trạm bơm nước thải công suất 64.000m3/giờ, tuyến cống băng sông Sài Gòn, lắp đặt miệng xả ngầm, nạo vét hơn 1 triệu m3 bùn đất. Giai đoạn 2 đang trình duyệt hiệp định vay với Ngân hàng Thế giới.

Với dự án Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, tiến độ thi công giai đoạn 1 đang được đẩy nhanh để hoàn thành các gói thầu xây lắp. Dự án Cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm có 6 dự án thành phần, trong đó thành phần 1 và 3 đang thực hiện kiểm toán, thành phần 2 đang hoàn thiện thi công, thành phần 4 đang tiến hành thi công, 2 thành phần còn lại đã hoàn tất công tác thẩm tra, đang nghiệm thu chuẩn bị thanh lý hợp đồng.

Xóa ngập và tái ngập

UBND TPHCM đã có Quyết định số 26/2011/QĐ-UB về ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX về chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011 – 2015.

Theo đó, chương trình giảm ngập nước (giai đoạn 2011 – 2015) có mục tiêu tổng quát là tập trung trung giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm TP (khoảng 106,4km2); kiểm soát, ngăn chặn không để phát sinh điểm ngập mới trên 5 vùng còn lại (khoảng 475,11km2), để giai đoạn 2016 – 2020 cơ bản giải quyết ngập nước do mưa tại 5 lưu vực ngoại vi và phần diện tích còn lại.

Thực hiện Quy hoạch hệ thống thoát nước mà Thủ tướng đã phê duyệt, TP đã đưa vào vận hành 248,48km cống các loại thông qua việc hoàn thành giai đoạn 1 của 4 dự án ODA lớn và 75 dự án cải tạo. Thực hiện 295 hạng mục cấp bách như đấu nối, mở hướng thoát nước cho các vị trí thường xuyên ngập nước... Tuy nhiên, theo quy hoạch trên, TP cần phải có 6.000km cống các loại trong phạm vi 581,51km2 (thuộc 6 vùng thoát nước) nhưng đến nay chỉ đạt khoảng 60%; còn thiếu hơn 2.500km cống các loại cần bổ sung.

Trong khi đó, đối với Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng, đến nay TP chỉ mới triển khai được khoảng 64km/149 km đê bao ven sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều (cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè).

Mặt khác, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX về Chương trình giảm ngập nước (giai đoạn 2011-2015), TP đã triển khai 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp chính, trong đó có 2 nhóm nhiệm vụ giải pháp công trình và 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp phi công trình.

TP đã thực hiện 295 công trình cấp bách, lắp đặt, vận hành 1.077 van ngăn triều cùng với đó triển khai nhiều giải pháp trung hạn và dài hạn. Đối với giải quyết ngập do mưa, đến cuối năm 2015, dự kiến TP sẽ giải quyết xong 49/58 điểm. UBND các quận, huyện đã xóa, giảm được 111/266 điểm ngập tại hẻm, đường nhỏ do quận, huyện quản lý. Đối với điểm ngập do triều cường, đến cuối năm 2015, TP phấn đấu giải quyết 24/26 điểm.

Tuy nhiên, giải quyết điểm ngập cũ chưa xong, TP lại phải lo xử lý các điểm ngập mới. Tính riêng trong năm 2014, trên địa bàn xuất hiện 7 điểm ngập nhẹ, diện tích ngập từ 50m2 – 1000m2 như đường Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, tỉnh lộ 10, đường 26.

Năm 2014 còn xuất hiện 33 điểm tái ngập do ảnh hưởng thi công công trình, mưa lớn và ảnh hưởng của rác... UBND TP đã chỉ đạo cho các đơn vị liên quan xử lý 27/33 điểm, còn 6 điểm xử lý sau năm 2015. Ngoài ra, còn xuất hiện 29 điểm ngập ngoài danh mục do các khu dân cư hình thành tự phát bên các đường làm cho hệ thống thoát nước bị quá tải. Hiện TP mới xử lý được 21/29 điểm, còn 8 điểm tiếp tục xử lý sau năm 2015…

Theo Quyết định số 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống thoát nước trên địa bàn TPHCM gồm 6 vùng. Cụ thể, vùng thoát nước trung tâm (106,4km2) gồm các kênh chính Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hoá - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé và kênh Đôi - Tẻ; vùng thoát nước phía Bắc (136,18 km2) gồm kênh Tham Lương - Bến Cát, rạch Đại Hàn, rạch Bến Đá - Bà Hồng; vùng thoát nước phía Tây (72,91 km2) gồm rạch Chùa - Nước Lên, sông Bến Lức, sông Cần Giuộc; vùng thoát nước phía Nam (81,74 km2) gồm rạch Bà Lào, rạch Xóm Củi, rạch Ông Lớn, rạch Cây Khô, rạch Đĩa, sông Mương Chuối; vùng thoát nước Đông Bắc (64,91 km2) gồm rạch Gò Dưa, Suối Nhum, rạch Cầu và rạch Gò Công; vùng thoát nước Đông Nam (119,37 km2) gồm rạch Chiếc, Ông Hồng, rạch Kiêu, Ông Nhiêu, rạch Trau Trảu và sông Tắc.

Quyết định số 1547/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM có 3 vùng kiểm soát nước gồm khu vực bờ hữu sông Sài Gòn – Nhà Bè (vùng 1), ngã ba sông Sài Gòn – Đồng Nai (vùng 2) và bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp (vùng 3).

Bài 3: Bao giờ hết ngập?

Nam Đàn

Top