Giải pháp cung ứng hàng hóa tại TPHCM từ ngày 23/8

23/08/2021 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Từ ngày 23/8, Sở Công Thương Thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho người dân TPHCM.

Theo đó, Sở Công Thương TPHCM phối hợp với UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện đã rà soát tình hình cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân; thống kê cụ thể, cập nhật lại hệ thống các điểm bán của hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn; đánh giá khả năng cung ứng hàng hóa cho người dân, kịp thời hỗ trợ các địa phương tiếp cận nguồn cung hàng hóa, hướng dẫn các giải pháp phân phối hàng hóa cho người dân phù hợp, khả thi.

Ngoài ra, Sở Công Thương còn bố trí nhân lực chủ động theo dõi, hỗ trợ các các quận, huyện, TP. Thủ Đức trong việc tổ chức cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân.

Về phía các quận, huyện và TP. Thủ Đức, mỗi địa phương thành lập các tổ cung ứng hàng hóa trên địa bàn; UBND các địa phương trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tổ cung ứng hàng hóa triển khai phương án cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.

Chỉ đạo các phường, xã, thị trấn rà soát, thống kê nhân khẩu trên địa bàn (lưu trú, vãng lai) để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân; tổng hợp thông tin báo cáo về Sở Công Thương để tổng hợp tham mưu UBND Thành phố; rà soát các hệ thống phân phối trên địa bàn, bổ sung đại diện lãnh đạo các hệ thống phân phối tham gia vào tổ cung ứng hàng hóa địa phương; chủ động liên hệ, trao đổi với đầu mối của các chuỗi, hệ thống cung ứng chủ lực trên địa bàn để điều phối, cung ứng hàng hóa kịp thời. Đặc biệt là rà soát, lựa chọn địa điểm tập kết hàng hóa để tiếp nhận hàng hóa từ hệ thống phân phối để tổ chức phân phối cho người dân...

UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức còn có nhiệm vụ hỗ trợ các hệ thống phân phối trong công tác vận chuyển, dự trữ đầy đủ hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu để cung cấp cho người dân trên địa bàn; có trách nhiệm tổ chức nhân sự, phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối trên địa bàn, triển khai các phương án cung ứng hàng hóa cho nhân dân.

Cũng từ ngày 23/8, Sở Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ tiếp tục phối hợp Sở Công Thương và Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành duy trì công tác phân luồng xanh tại các địa phương để đảm bảo việc kiểm soát, vận chuyển hàng hóa giữa Thành phố và các tỉnh, thành phố thuận lợi, vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa được thông suốt.

Phối hợp Cảng vụ Hàng hải Thành phố tổ chức phân luồng, điều phối hoạt động lưu thông hàng hải phù hợp, tạo điều kiện cho phương tiện tàu, thuyền thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu, cập và rời cảng thuận lợi, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và an toàn phòng chống dịch COVID-19.

Chỉ định các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn huy động các phương tiện vận chuyển để sẵn sàng vận chuyển hàng hóa thiết yếu cung ứng cho người dân trên địa bàn Thành phố.

Phối hợp Công an Thành phố đảm bảo, tạo điều kiện lưu thông cho một số đối tượng, phương tiện vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu để kịp thời cung ứng, phân phối cho người dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ tăng cường kết nối với các địa phương, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm kiếm, bổ sung các nguồn hàng cho Thành phố; thông tin đầu mối về Sở Công Thương để tổ chức kết nối; chỉ đạo Chi cục Thú y Thành phố tăng cường hoạt động giám sát, kiểm soát kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu, vận chuyển, lưu thông vào Thành phố, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã ký ban hành công văn khẩn về Kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm trong giai đoạn thực hiện biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch từ 23/8 đến 6/9.

Theo đó, người dân trên toàn Thành phố thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần "ai ở đâu thì ở đó", không đi ra đường, không đi mua hàng trực tiếp. Chính quyền địa phương đảm bảo phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân.

Thành phố dự kiến cung cấp hàng thiết yếu cho 9,4 triệu dân. Nhu cầu tiêu dùng bình quân 1 ngày dự kiến là 10.964 tấn gồm gạo, lương thực chế biến khô, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, muối, nước chấm, dầu ăn...

Ngọc Tấn

Top