Giáo dục đại học: Tỷ lệ ngành mới có thể chiếm 70% trong 10 năm tới

02/11/2018 6:09 PM

(Chinhphu.vn) - Theo GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, trong 10 năm tới, những ngành nghề mới sẽ xuất hiện, thậm chí tỷ lệ ngành mới có thể lên đến 65 - 70%.

GS. Trần Hồng Quân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Tại Hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng” do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 2/11, đại diện nhiều trường đại học thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong lĩnh vực giáo dục đại học hiện nay và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực.

Cụ thể, so với khu vực, nền giáo dục Việt Nam hiện này còn tồn tại nhiều hạn chế, giáo dục đại học cũng không ngoại lệ. Nhiều đại biểu còn cho rằng, không chỉ lạc hậu về phương pháp, chương trình đào tạo mà việc thiếu triết lý đào tạo cũng đang khiến các trường đại học, cao đẳng cứ loay hoay hoài vẫn chưa thể đổi mới toàn diện.

PGS. TS. Dương Văn Sáu, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, việc xây dựng triết lý đào tạo đại học, góp phần thay đổi căn bản giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay thật sự quan trọng. Thực trạng giáo dục đại học Việt Nam hiện nay đang đứng trước các khó khăn lớn. Đó là, hệ thống đào tạo đại học còn khép kín, thiếu liên thông giữa các trình độ, các phương thức đào tạo, còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Các cơ sở đào tạo đại học tăng nhanh nhưng chất lượng chưa tương xứng nên đang trở thành vấn nạn.

Trong khi đó, PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TPHCM thẳng thẳn nhìn nhận, sức ì của giáo dục Việt Nam quá lớn, tư duy của lãnh đạo còn trì trệ nên không bắt kịp sự thay đổi của thời đại.

Một vấn đề nữa, đó là sự hợp tác, chia sẻ nguồn lực của các trường đại học hiện chưa có. Vì vậy, theo ông Đỗ Văn Dũng, hệ thống giáo dục đại học hiện hành nên có sự chia sẻ nguồn lực cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, công nhận chương trình lẫn nhau để đem lại quyền lợi cho người học. “Tôi tha thiết kêu gọi các trường cùng công nhận chương trình lẫn nhau, để chúng ta chia sẻ nguồn lực lẫn nhau, tiết kiệm được thời gian, kinh phí”, PGS. TS. Đỗ Văn Dũng phát biểu tại hội thảo.

Bên cạnh việc thay đổi chương trình đào tạo, các đại biểu cho rằng các trường cần thay đổi chuẩn tiếng Anh đối với sinh viên để các em thực sự chủ động khi hòa nhập vào thị trường lao động thời kỳ hội nhập.

Còn theo GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, trong 10 năm tới, những ngành nghề mới sẽ xuất hiện, thậm chí tỷ lệ ngành mới có thể lên đến 65 - 70%. Do đó, những kỹ năng cơ bản đối với sinh viên thậm chí còn quan trọng hơn cả kiến thức chuyên ngành, mà ngay từ bây giờ trường đại học phải đào tạo. Nếu các cơ sở giáo dục đại học bỏ ngỏ vấn đề này, người chịu thiệt chính là sinh viên.

Đồng quan điểm, đại diện nhiều trường đại học tham dự hội thảo cho rằng giáo dục đại học Việt Nam cần sớm có sự thay đổi toàn diện về nội dung và phương pháp đào tạo.

Đó là thay đổi từ quá trình chuyển giao tri thức sang quá trình phát triển năng lực sáng tạo cho người học. Và quan trọng là đừng bỏ qua các lĩnh vực đào tạo tinh hoa vì nếu cái gì cũng đại trà thì rất khó sàng lọc được một đội ngũ nhân lực chất lượng cao đủ sức cạnh tranh với nguồn nhân lực mạnh toàn diện của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới./.

Gia Mỹ

Top