Giao lưu văn hoá tộc người ở đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh

27/06/2011 12:00 AM

Việc tìm hiểu đặc điểm giao lưu văn hoá tộc người ở đô thị Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh là một trong những hướng tiếp cận cần thiết để nhận biết rõ thêm những vấn đề lịch sử - văn hoá của thành phố này, một thành phố trẻ, vốn có nhịp độ đô thị hoá nhanh và có cấu trúc dân cư đa tộc…

Tính đa tộc trong cộng đồng dân cư của Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh có rất sớm và ngày càng phát triên. Những ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định Thành Thông Chí" cho thấy: hơn 200 năm về trước, đã có những người Việt, người Hoa, người Khmer, người Anh, người Pháp, người Java v.v… chung sống trên vùng đất này (1). Vào những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, mật độ dân số ở đây đã trở nên đông đúc vì đã tiếp nhận thêm nhiều lớp dân cư – dân tộc, bao gồm những người Việt, người Chăm v.v… từ nhiều địa phương trên cả nước và cư dân của những tộc người khác từ các nước Đông Nam Á, Tây Âu, Ấn Độ, Trung Quốc v.v… tới (2). Như một hiện tượng lịch sử tự nhiên, mỗi thành phần tộc người đến đâu sinh sống đều mang theo và ra sức giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống của tộc người mình. Đồng thời, theo quy luật, trong quá trình cộng cư, những quan hệ đa dạng của giao lưu giữa các tộc người đã diễn ra, đem lại những thành quả to lớn về nhiều mặt, làm cho đô thị này sớm có văn hoá đa dạng, phong phú và không ngừng phát triển.

Suốt thế kỷ XX, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển quá trình đô thị hoá trong những điều kiện có nhiều biến động lịch sử, nhiều giao lưu kinh tế, giao lưu chính trị và giao lưu văn hoá. Trong bối cảnh này, dân số ở đây tiếp tục gia tăng, trong đó động thái tăng dân số cơ học lớn (3). Gần đây, cư dân của một số tộc người vốn sinh sống lâu đời trên địa bàn Trường Sơn – Tây Nguyên và trên miền núi rừng Đông Bắc, Tây Bắc của đất nước đã gia nhập thành phần dân số của thành phố Hồ Chí Minh. Vào cuối thế kỷ này, trong dân số thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh đã có đại diện của gần 50 tộc người trên tổng số 54 tộc người trong nước, trong đó đông nhất là người Việt, kế đó là người Hoa, người Chăm, người Khmer… Tài liệu của Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, có: 89,91% là người Việt; 9,8% là người Hoa; 0,09% là người Chăm; 0,07% là người Khmer; 0,13% là các tộc người khác (gồm người Tày: 0,02%, người Mường: 0,01% v.v…). Ở đây, những sự bổ sung về thành phần tộc người đồng thời diễn ra trong tiến độ đô thị hoá ngày một phát triển, làm cho cấu trúc và sự phân bố cư trú tộc người có nhiều biến đổi, và những hình thái cộng cư mang nhiều nét mới. Nói chung, trong số các thành phần tộc người cư trú trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, bốn tộc người: Việt, Hoa, Chăm, Khmer vẫn duy trì được những khu vực cư trú tộc người (có tính cộng đồng) của mình; số còn lại thường là những nhóm gia đình, gia đình hoặc những thành viên có tính cá nhân. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh về hiện trạng phân bổ cư trú tộc người tại thành phố này, chúng ta thấy: người Việt phân bố cư trú rộng khắp các địa bàn trên toàn thành phố. Người Hoa phân bố cư trú trên địa bàn các quận: 11, 6, 5, 10, 1, Tân Bình; 8. Người Chăm phân bố cư trú thành 16 khu vực thuộc địa bàn các quận: 8, 11, 4, 3, 5, 6, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Thủ Đức. Người Khmer phân bố cư trú rải rác trên địa bàn các quận 3, 5, 6, Tân Bình và huyện Bình Chánh, trong đó tập trung tương đối đông đúc tại hai khu vực: miếu Candaransi (thuộc quận 3) và miếu Bodhi Vong (thuộc quận Tân Bình). Số còn lại phân bố cư trú tản mạn trên khắp các quận huyện. Những địa bàn có quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh hơn trong những năm gần đây là những địa bàn có cấu trúc tộc người phức tạp hơn, như quận 11, quận Tân Bình v.v…

Như đã nêu trên, những biến đổi về dân số, về cấu trúc cả dân cư đa tộc, về phân bố cư trú tộc người diễn ra đồng thời với quá trình phát triển đô thị hoá, trong bối cảnh có nhiều biến động lịch sử, có nhiều giao lưu kinh tế và giao lưu chính trị v.v… đều tác động đến các quan hệ của quá trình giao lưu văn hoá tộc người ở Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh trong thế kỉ XX, làm cho các quan hệ ấy thêm phong phú, đa dạng và phức tạp. Sự vận động, phát triển của các quan hệ tiếp xúc, trao đổi, đấu tranh, bảo vệ v.v… (4) trong quá trình giao lưu văn hoá này, diễn ra dưới nhiều hình thái và mang nhiều màu sắc, phản ánh tính năng nhằm thích nghi và không ngừng thúc đẩy chính quá trình giao lưu đó để giải quyết nhu cầu giữ gìn bản sắc và tiếp thu - hội nhập.

Ở đây, hoà quyện với kiến trúc đô thị và nhịp sống thành phố không ngừng phát triển, nhiều dấu vết vật chất cổ xưa vốn rất phổ biến trong những làng của người Việt, những thôn của người Hoa, những play của người Chăm, những phum-srok của người Khmer, v.v… ngày càng vắng bóng. Nhưng cũng ở đây, ngời ta dễ nhận ra sự quần cư rộng khắp của người Việt theo sự phân bố của hàng trăm ngôi miếu và hàng trăm ngôi đình; dễ nhận ra khu vực Chợ Lớn là địa bàn tập trung đông người Hoa với sự hiện diện của hàng chục ngôi miếu Hoa; dễ nhận ra những điểm tụ cư của người Chăm – nơi có thánh đường (masjid) hoặc tiểu thánh đường (surao); và dễ nhận ra những điểm tụ cư của người Khmer theo những ngôi miếu Phật giáo tiểu thừa (như Candaransi, Bodhi Vong) v.v… Giữa đô thị rộng lớn, những khu vực cư trú có tính cộng đồng của mỗi tộc người như vậy, đã là điều kiện tốt để tạo những môi trường đặc biệt thuận lợi cho sinh hoạt cộng đồng và giữ gìn bản sắc văn hoá tộc người.

Ở đây, để tồn tại và phát triển, mỗi cá nhân phải biết thích nghi và biết hòa hợp với nếp sống đô thị ngày càng hiện đại. Hiện nay, thường nhập, ở nơi công cộng, nói chung ngày càng khó nhận ra thành phần tộc người của cá nhân thông qua ăn, uống, nói, cười v.v… và nhiều hành vi ứng xử khác. Tuy nhiên, những cái khó nhận biết nói trên ở nơi công cộng và trong giao tiếp xã hội, sẽ dễ được nhận rõ ở gia đình, nơi cư trú, trong sinh hoạt cộng đồng người và trong giao tiếp nội bộ.

Ở đây, cũng như nhiều thành phố có cấu trúc dân cư đa tộc trong lịch sử thế giới, vai trò quan trọng của tộc người có số lượng đông và có lịch sử lâu đời được khẳng định. Chính vì vậy, trong các quan hệ giao lưu văn hoá tộc người ở đô thị Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh, xu hướng tiếp nhận ảnh hưởng văn hoá tộc người Việt của các thành phần tộc người khác, tuy mức độ có khác nhau, những đã thể hiện rõ.

Ở đây, giao lưu văn hoá tộc người là tất yếu khách quan. Thông qua các quan hệ của quá trình giao lưu này, việc giữ gìn bản sắc văn hoá tộc người đồng thời với tiếp thu - hội nhập là nhu cầu lớn của dân cư. Thực tiễn đời sống cho thấy, nhu cầu này đã được đáp ứng ở mức độ đáng kể và còn những hạn chế nhất định. Nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc trong sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh… đang đòi hỏi sự đáp ứng cao hơn nữa về nhu cầu nói trên. Để giải quyết vấn đề này, phải tiến hành nhiều hoạt động đồng bộ dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và quán triệt sâu sắc quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó việc nâng cao dân trí và giải quyết việc làm cho dân cư tộc người thiểu số đang là đòi hỏi cấp thiết.

 

  1. Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí, tập Hạ, Sài Gòn xuất bản, 1972.

  2. Vào thời kỳ này, có hàng nghìn người Việt từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung nhập cư tại Sài Gòn – Gia Định; cũng có hàng trăm người Chăm từ các tỉnh An Giang, Tây Ninh đến đây buôn bán v.v… Riêng người Hoa cũng bao gồm những nhóm địa phương, như Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến v.v…

  3. Có thể kể đến những đợt nhập cư lớn vào thành phố này, trong thế kỷ XX, như: sự nhập cư của người Hoa (xem thêm Đào Trinh Nhất, Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ…); sự nhập cư của bộ phận người Việt theo đạo Thiên Chúa (năm 1954 – 1955); sự nhập cư của những cá nhân và gia đình thuộc nhiều tộc người (sau năm 1975) v.v…

  4. Thuật ngữ “giao lưu văn hoá” là một khái niệm chung, chứa đựng nội dung lớn, bao gồm nhiều quan hệ, phản ánh sự vận động của các nền văn hoá trong lịch sử nhân loại.

Top