Giao sân bay Long Thành cho ACV đầu tư: Cơ sở nào? Vốn ở đâu?

25/10/2019 4:31 PM

(Chinhphu.vn) – Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo của Chính phủ là đề xuất giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, cơ sở nào để thực hiện việc này và ACV sẽ lấy số vốn đó ở đâu?

Phối cảnh CHK Quốc tế Long Thành trong tương lai. Ảnh: ADCC.

Đây cũng là vấn đề mà khi phát biểu tại phiên thảo luận tổ (chiều 24/10), ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra dự án, nhận định rằng “việc Quốc hội chỉ định thầu cho một doanh nghiệp cụ thể thực hiện một dự án đầu tư công, trước nay chưa từng có”.

Thời gian gấp rút và kinh nghiệm là điểm cộng cho ACV

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Chính phủ trình duyệt, trong đó có việc chấp thuận hình thức đầu tư CHK quốc tế Long Thành.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước.

ACV cũng sẽ trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp các công trình thiết yếu của cảng hàng không. Đối với các công trình dịch vụ, ACV được giao hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Riêng hạng mục các công trình phục vụ quản lý bay, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) được giao trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Làm rõ cơ sở pháp lý của phương án huy động vốn trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện chính phủ mới chỉ giao ACV lập dự án. Về nguyên tắc, sau khi dự án được duyệt mới lựa chọn chủ đầu tư triển khai sân bay. Đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu, phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Ngoài ra, do đây là sân bay gắn liền với an ninh quốc gia nên chỉ có thể đấu thầu trong nước.

Trong khi đó, theo Luật Đấu thầu, phải có từ 3 doanh nghiệp mới mở thầu. Dưới 3 doanh nghiệp thì sẽ phải xin Chính phủ cơ chế mở thầu đặc biệt trong trường hợp đấu thầu không thành công. Trong trường hợp này, Chính phủ có thể cho đấu thầu lần 2, nhưng nếu vẫn không đủ 3 doanh nghiệp thì vẫn phải xin mở thầu.

“Khi tổ chức đấu thầu, khả năng lớn nhất vẫn ACV nhưng sẽ chậm hơn 1,5 năm. Khi đó, sớm nhất cũng phải tới năm 2022 thậm chí năm 2023 mới có thể khởi công. Chỉ có chỉ định thầu mới có thể khởi công dự án vào đầu 2021, kịp thời giải toả tình trạng tắc nghẽn cho sân bay Tân Sơn Nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng: “Nếu xét về tiền, có lẽ không ít doanh nghiệp khác trong có nhiều hơn nhưng về kinh nghiệm quản lý, đầu tư lĩnh vực xây dựng cảng hàng không thì ACV chắc chắn ưu thế. Ý Thủ tướng khi đề xuất Quốc hội quyết định việc giao dự án cho ACV là mong Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ về quyết định này”.

Vốn ở đâu?

Được biết, tổng mức đầu tư dự kiến trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án là 111.689 tỷ đồng, tương đương 4,779 tỷ USD, thấp hơn thấp hơn tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94 là 4,782 tỷ USD (không bao gồm chi phí GPMB).

Trong số hơn 4,7 tỷ USD này, ACV cần huy động hơn 98.000 tỷ đồng, tương đương gần 4,2 tỷ USD. VATM cần huỷ động hơn 3.200 tỷ đồng.

Theo Báo cáo của ACV, đến ngày 31/12/2018, ACV đã tích lũy được lượng tiền mặt là 24.268 tỷ đồng; trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, ACV đã bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỷ đồng, tương đương hơn 1,5 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.

Số vốn ACV phải đi vay khoảng hơn 2,6 tỷ USD.

Đến thời điểm hiện tại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thoả thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5-5,5%/năm, thông qua các hình thức: Vay thương mại các tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu (Export Credit Agreement) áp dụng cho các hạng mục thiết bị nhập ngoại; Phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, ACV cũng đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Đồng thời, ACV cũng có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền. ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV là nhà đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của dự án.

4 vấn đề Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét CHK Long Thành

Một là, về hình thức đầu tư, Chính phủ đề xuất giao Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV) là nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước. ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Đối với các công trình dịch vụ, ACV được giao hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Riêng hạng mục các công trình phục vụ quản lý bay, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) được giao trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hai là, Chính phủ đề xuất điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên 1.810 ha; Điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha để đất xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung cho nhiệm vụ quốc phòng và dân dụng.

Ba là, Chính phủ đề xuất Quốc hội chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ số 01 và 02 vào Dự án để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư. Gồm: Tuyến số 1 (dài 3,8 km) kết nối trục chính cảng (đầu phía Tây) với QL51; Tuyến số 2 (dài 3,5 km) kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Bốn là, Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo công tác thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện Dự án, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 94.

Phan Trang
 
Top