Gỡ khó việc học trực tuyến

12/09/2021 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố, Công viên phần mềm Quang Trung, Trung tâm hỗ trợ tư vấn Chuyển đổi số TPHCM và STEAMZONE vừa tổ chức buổi hội thảo “Chuẩn bị tâm thế cho trẻ học trực tuyến sẵn sàng bước vào năm học mới”.

Ngoài các yếu tố như trang thiết bị, hệ thống kết nối mạng, muốn các tiết dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, theo các chuyên gia cần quan tâm đến phương pháp dạy của giáo viên và cách học của học sinh. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Dự kiến, năm học 2021-2022, TPHCM sẽ triển khai việc dạy - học trực tuyến cho các bậc học (trừ Mầm non) đến hết học kỳ I. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn còn không ít học sinh khó tiếp cận cách học này trong điều kiện giãn cách, thiếu thốn trang thiết bị. Do đó, hội thảo nhằm cung cấp những giải pháp cải thiện chất lượng việc dạy - học trực tuyến trong điều kiện giãn cách.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, hiện tại, bậc tiểu học có hơn 31.247 học sinh, bậc THCS có 26.355 học sinh và bậc THPT có hơn 15.037 học sinh không có thiết bị hoặc đường truyền Internet để học tập trực tuyến.

Ngoài ra, Thành phố vẫn còn hơn 8.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không thể học trực tuyến trong thời gian này vì nhiều lý do, như đang là F0 hoặc cả gia đình là F0, đang điều trị ở bệnh viện, gia đình đông anh em nhưng chỉ có 1 máy tính hoặc 1 điện thoại thông minh, thiết bị hỏng chưa sửa đuợc do giãn cách…

Tại hội thảo, các đại biểu đề cập rõ những ưu thế và bất lợi khi triển khai học trực tuyến trong giai đoạn này và đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để gia đình, nhà trường đồng hành cùng trẻ.

Không ít chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ về cơ sở vật chất, giáo viên và phụ huynh, học sinh cũng cần được tiếp sức để có phương pháp dạy - học hiệu quả nhất. Trong đó, nội dung bài giảng cần thay đổi theo hướng tăng tính tương tác nhằm thu hút người học, nhất là học sinh tiểu học. Giáo viên cần tích hợp nhiều giải pháp công nghệ thay vì tập trung vào việc thuyết trình bài giảng, xoáy vào nội dung trọng tâm để học sinh nắm được các yêu cầu chính ngay trong tiết học. Việc bảo mật thông tin, bảo vệ học sinh trước những nội dung không phù hợp hay hành vi quấy rối trên mạng cũng được đưa ra bàn thảo.

Theo bà Phạm Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung, đại diện Trung tâm hỗ trợ và tư vấn Chuyển đổi số (DXCenter), việc TPHCM thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài thực sự là thách thức to lớn cho nhà trường và phụ huynh trong việc đảm bảo chất lượng học tập của các em học sinh: “Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta đảm bảo tính liên tục trong hoạt động giảng dạy; hỗ trợ trẻ học, chơi, phát triển kỹ năng và tăng cường thể chất tại nhà trong thời gian giãn cách. Hiện tại, hầu hết các trường ở tất cả các bậc học đã bắt đầu triển khai chương trình dạy học trực tuyến cho học sinh và sinh viên. Tuy nhiên để thầy cô giáo và phụ huynh học sinh cùng phối hợp hỗ trợ con em trong việc học trực tuyến hiệu quả, chúng ta vẫn cần thêm nhiều giải pháp”.

Hội thảo xoay quanh 4 vấn đề chính, gồm: Phương pháp dạy học trực tuyến, làm sao để trẻ thoải mái khi học cũng như tiếp thu bài giảng hiệu quả; Tâm lý và sức khỏe tinh thần của trẻ khi học trực tuyến, đặc biệt là những trẻ mới bắt đầu lớp 1; Các vấn đề về quản lý nhà nước trong dạy và học trực tuyến, đánh giá kết quả đạt được và những điều cần lưu ý thêm; vấn đề về công nghệ học online, kết nối đường truyền internet và những vấn đề liên quan.

Hội thảo nằm trong Chuỗi hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục” gồm 2 phần chính, gồm: Chuyển đổi số Giáo dục trong gia đình - Cha mẹ đồng hành cùng con trong “cuộc sống bình thường mới” và Chuyển đổi số giáo dục trong nhà trường phổ thông - Định hướng giáo dục thông minh trong “trạng thái bình thường mới” diễn ra từ nay đến ngày 19/2/2022.

Gia Mỹ

Top