Hàm lượng công nghệ lớn - startups dễ “chạm” tới thành công

16/06/2019 12:08 PM

(Chinhphu.vn) - Thực tế tại Trung tâm ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn những năm qua cho thấy trong số các doanh nghiệp thành công, quá nửa là dự án có hàm lượng công nghệ lớn. Những dự án này cũng có xác suất gọi được vốn đầu tư cao hơn và khả năng tăng trưởng nhanh hơn sau giai đoạn ươm tạo.

Các thành viên Shi, đại diện đối tác và đại diện các dự án khởi nghiệp được lựa chọn tại Lễ khai mạc Hành trình Ươm tạo VTS 2019.

Những “hạt giống” đơm hoa, kết trái

Phiên khai mạc Chương trình Ươm tạo VTS 2019 của Trung tâm ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn (SHi) mới đây đã ghi nhận sự góp mặt của 6 “hạt giống” startups tốt nhất trên tổng số 35 dự án ứng tuyển tại khu vực TPHCM.

Được biết, tiêu chí chọn lựa của SHi trước tiên tập trung vào nhà sáng lập doanh nghiệp (DN) - mối quan tâm đầu tiên và lớn nhất của tất cả những ai là mentor (người dẫn dắt) hoặc nhà đầu tư. Đây phải là những startups có khát vọng lớn, dám đương đầu, có thái độ nghiêm túc và đã từng trải nghiệm nhiều khó khăn trong hành trình khởi nghiệp; là người có tư duy mở, biết cách kết nối với cộng đồng. Vòng thẩm định này được chính những chuyên gia lãnh đạo SHi thực hiện.

Tiếp theo, dự án được chọn phải gắn kết với mục tiêu giải quyết thách thức của xã hội - những thách thức có thể mang tới thị trường đủ lớn - chứ không chỉ là lập được một DN có thể kiếm ra tiền.

Vì vậy, những startups khi được SHi đồng hành sẽ cùng tham gia đợt ươm tạo kéo dài 4 tháng trước khi có mặt ở sự kiện kết nối với mạng lưới các đối tác kinh doanh và nhà đầu tư sau đó. Được biết, hầu như các dự án này đều có hàm lượng công nghệ đáng kể ngay từ khâu lên ý tưởng sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh.

Thực tế ươm tạo tại SHi những năm qua cũng cho thấy trong số các DN thành công, quá nửa là dự án có hàm lượng công nghệ lớn. Những dự án này cũng có xác suất gọi được vốn đầu tư cao hơn và khả năng tăng trưởng nhanh hơn sau giai đoạn ươm tạo.

Năm 2018 vừa qua, SHi đã ươm tạo được 25 dự án trong đó có 15 DN đã có doanh thu và tổng số vốn đầu tư mà nhóm DN này kêu gọi được hiện đã vượt 13 tỷ đồng. Tỷ lệ ươm tạo thành công ấy sẽ còn ấn tượng hơn nữa khi có thêm 1 dự án vừa được định giá 5 triệu USD và đang trong quá trình thương lượng với nhà đầu tư để mang về số vốn hơn 1 triệu USD.

Một số startups “tốt nghiệp” từ chương trình ươm tạo của SHi cũng đã vào đến “vòng chung kết” - tham gia ghi hình - tại Chương trình truyền hình thực tế đối mặt với các nhà đầu tư “cá mập” Shark Tank 2019 trên sóng VTV.

Dự kiến năm nay, SHi sẽ chọn ra từ 20-30 startups trên cả nước cho Chương trình ươm tạo doanh nghiệp VTS 2019.

Thách thức còn đang ở phía trước

Trong khi nhà ươm tạo - Tổng Giám đốc SHi Lý Đình Quân - khá lạc quan với các DN du lịch “hạt giống” khu vực TPHCM thì người đại diện Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM) lại tỏ ra khá thận trọng với nhận định ban đầu về các startups. Bởi kinh nghiệm của nhà quản lý quỹ này cho thấy sau mấy năm có mặt tại Việt Nam, quỹ cũng chỉ mới “chọn mặt gửi vàng” được một startup du lịch duy nhất - do một du học sinh Việt Nam trở về từ Singapore thực hiện, và đang trong giai đoạn xem xét đầu tư thêm một dự án khác.

“Nếu chỉ xét ý tưởng của 6 dự án du lịch năm nay tại SHi, có thể thấy một nửa trong đó đã tìm ra cái mới, số startups còn lại dường như vẫn đang ‘lội’ vào ‘đại dương đỏ’  nơi đã có quá nhiều người làm những sản phẩm tương tự”, nhà quản lý quỹ e ngại nói.

Dù đã qua vòng sàng lọc khắc nghiệt từ các tổ chức ươm tạo như SHi nhưng phải nói rằng các “lò luyện” startups ấy cũng chỉ có thể góp phần nâng tỷ lệ thành công của DN lên cao chứ không thể đảm bảo rằng DN nào “ra lò” cũng sẽ “sống” được. “Dự án triển vọng có đi xa hơn được hay không còn tùy thuộc vào tố chất của người sáng lập”, nhà quản lý quỹ ICM khẳng định.

Tuy nhiên, tố chất cũng không phải là chiếc đũa thần để một DN có thể trưởng thành khi mà “lỗi” phổ biến hay bị giới đầu tư “phàn nàn” về startups là đặt kỳ vọng quá lớn vào dự án và không lường được các rủi ro có thể xảy đến trong quá trình thực hiện.

“Nhà khởi nghiệp thường ước tính thị trường ngách có độ lớn gấp từ 10 đến 50 lần so với thực tế. Trong khi đó, với tiềm lực của một startup, để giành được một phần nhỏ từ thị trường ấy cũng đã là cuộc cạnh tranh rất khốc liệt. Làm cho những nhà sáng lập này hiểu được giới hạn có thể đạt tới của mô hình kinh doanh quả là không dễ dàng”, người đại diện cao nhất của ICM chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều startups còn bị cho là tự tin quá sớm về việc thị trường sẽ nhanh chóng chấp nhận sản phẩm của mình. Trong khi quãng thời gian thực tế để sản phẩm nhận được tín hiệu tiêu dùng thực sự thường dài gấp… đôi dự tính của startups! Hay những DN trẻ cũng thường “ảo tưởng” về sự mới lạ và khác biệt của sản phẩm còn dưới mắt những nhà đầu tư đang nhận lời “chào mời” từ năm bảy dự án mỗi ngày thì điều này lại không hề mới mẻ tí nào.

Phương Hiền

Top