Hoàn thành và đưa vào sử dụng 514 công trình phòng, chống ngập úng

28/02/2012 3:50 PM

 

(HCM CityWeb) – Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong giai đoạn 2007 – 2010, TP đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 514 công trình bờ bao phòng, chống triều cường, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước cho các huyện - quận ven. Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả trong việc tiêu thoát nước phục vụ sản xuất cho khoảng 19.140 ha đất sản xuất nông nghiệp; phòng, chống ngập úng bảo vệ khu dân cư cho khoảng 32.500 hộ dân.
TP đã đầu tư gia cố cấp bách 84 đoạn bờ bao xuống cấp có nguy cơ bị bể bờ, tràn bờ trong các đợt triều cường, xả lũ từ nguồn Quỹ Phòng, chống lụt, bão TP với kinh phí 17,12 tỷ đồng; xây dựng 5 cống ngăn triều tại rạch Gò Dưa, rạch Thủ Đức, rạch Ông Dầu, rạch Đá và rạch Cầu Đúc Nhỏ (Thủ Đức) với kinh phí 256 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách TP; xây dựng hệ thống kè các sông, rạch thường xuyên xảy ra sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn quận Bình Thạnh, quận 2, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ…
TP cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi; dự án Bờ tả sông Sài Gòn địa bàn quận Thủ Đức; dự án phòng chống ngập lụt cho khu vực nội thành và quận ven như dự án Vệ sinh môi trường TP - lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án Cải thiện môi trường nước TP - Lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Tẻ - kênh Đôi, dự án Cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng, dự án Nâng cấp đô thị TP - lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, dự án Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, dự án Cải tạo rạch Cầu Sa, dự án Tiêu thoát nước Suối Nhum...
TP đã đầu tư, xây dựng khu neo đậu tàu thuyền hoạt động trên biển, ven biển để tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới an toàn tại huyện Cần Giờ, công suất thiết kế neo đậu cho 2.000 chiếc tàu có công suất 600 CV gồm 20 trụ neo bờ độc lập và 20 phao neo đậu độc lập, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2010.
Tình hình ngập trên địa bàn TP trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả rõ rệt. Kể từ năm 2008, số điểm ngập do mưa đã giảm từ 100 xuống còn 31 và số điểm ngập do triều giảm từ 95 xuống 8 điểm.
Lã Nguyên
Top