Hội chợ Hàng VNCLC - không còn đơn giản là nơi mua bán

21/04/2019 8:03 PM

(Chinhphu.vn) - Với doanh nghiệp, hội chợ hiện chủ yếu là nơi quảng bá, gặp gỡ khách hàng, đối tác. Còn với người tiêu dùng, hội chợ cũng là dịp thưởng lãm một hoạt động kinh tế-xã hội-văn hóa xen cài.

Hàng Việt Nam chất lượng cao, đã tới lúc nâng “chuẩn”

Trở thành điểm nhấn thông lệ hàng năm, đúng vào dịp lễ Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) TPHCM lại được tổ chức. Năm nay, Hội chợ diễn ra từ ngày 26/4 đến ngày 1/5 tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TPHCM), quy tụ hơn 200 doanh nghiệp HVNCLC và gần 100 cá nhân, hội nhóm, hộ kinh doanh khởi nghiệp trên cả nước với hơn 500 gian hàng.

Nhà tổ chức tin rằng Hội chợ năm nay còn đặc biệt quan trọng vì đánh dấu dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua đó, trực tiếp quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng cuộc biểu dương lực lượng của hàng Việt, nhất là trong bối cảnh hội nhập và tác động đa chiều từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Do đó, song song với tổ chức các hội chợ và cuộc bình chọn HVNCLC thường niên dựa vào đánh giá của người tiêu dùng, bộ tiêu chí mới cho “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao - Chuẩn hội nhập” cũng đã được khởi xướng để nâng tầm hàng Việt. Có thể xem đây là đề án “hợp tác công-tư” giữa cơ quan đo lường chất lượng (Bộ KHCN, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) và các hội nghề nghiệp, các tổ chức đánh giá chứng nhận quốc tế nhằm hỗ trợ mỗi doanh nghiệp Việt tự xác định đúng tiêu chuẩn kỹ thuật cần thực hiện ở thị trường mục tiêu.

Riêng tại buổi khai mạc Hội chợ HVNCLC năm nay, Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam Chất Lượng cao - Chuẩn hội nhập” cho ngành phi thực phẩm sẽ được công bố. Và trong số 15 doanh nghiệp đầu tiên đang có hồ sơ tự nguyện xin được “khảo thí”, dự kiến sẽ chỉ có khoảng 10-12 doanh nghiệp “đủ sức” lấy được chứng nhận này. Thông tin ban đầu cho thấy đây đa phần là những nhà sản xuất đến từ ngành nhựa, may mặc, da giày và hóa mỹ phẩm.

Được biết, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt danh hiệu trên. Những thành viên khác gồm: đại diện Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, các chuyên gia độc lập - là người từng làm việc tại nhiều cơ quan đo lường chất lượng của Bộ KH&CN, Sở KH&CN TPHCM, chuyên gia từ các tổ chức chứng nhận quốc tế lớn như Bureau Veritas (Bỉ), SGS (Thụy Sĩ) cùng đại diện các hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp đầu ngành.

Bộ tiêu chuẩn “Hàng VNCLC - Chuẩn hội nhập” được định lượng thành thang điểm 100. Chỉ khi doanh nghiệp đạt 60/100 điểm mới được xem là đã qua vòng loại để tham gia phần trả lời chất vấn trước hội đồng xét duyệt. Kết quả thẩm định và công nhận doanh nghiệp đạt danh hiệu “Hàng VNCLC - Chuẩn hội nhập” sẽ được chốt lại bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Hội chợ: Nơi doanh nghiệp quảng bá là chủ yếu

Theo Nhà tổ chức Hội chợ HVNCLC, nếu như trước đây các hội chợ thường được đánh giá kết quả thông qua những thành tích “định lượng” như số người đến tham quan-mua sắm, doanh số bán hàng của doanh nghiệp tham gia hay số gian hàng góp mặt, thì nay hình thức đánh giá này đang dần trở nên “máy móc”, cũng như chưa thể hiện hết những thay đổi cơ bản trong quá trình phát triển của doanh nghiệp và thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp không thể dàn trải nguồn lực nên thường ưu tiên tham dự các hội chợ có tính chuyên ngành như: Vietbuild (Triển lãm quốc tế ngành xây dựng) hay VIFA (Hội chợ Đồ gỗ và Trang trí nội thất)…

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC Vũ Kim Hạnh còn cho rằng không ít doanh nghiệp đã có chiến lược mới về định hướng tiếp cận thị trường, cách thức kinh doanh, tìm kiếm khách hàng. Vì vậy, hội chợ hiện chủ yếu là nơi quảng bá cho doanh nghiệp, nơi gặp gỡ khách hàng, đối tác hơn là điểm mua-bán đơn thuần. Thực tế cho thấy đây cũng là xu hướng của nhiều hội chợ quốc tế lớn trên thế giới. Ngay cả Gốm sứ Minh Long cũng phải dự hội chợ Frankfurt tại Đức 5 năm liên tiếp mới ký được hợp đồng đầu tiên.

“Nhờ vào nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến, các doanh nghiệp lớn như SJC, PNJ đã tổ chức được hệ thống phân phối, tiếp thị online và offline rất hiệu quả. Do đó, thay vì tham gia hội chợ, những ‘cánh chim đầu đàn’ này đã chọn thực hiện các hoạt động thiết thực khác nhằm ủng hộ hàng Việt như: xây dựng câu lạc bộ nhà đầu tư thiên thần hỗ trợ startups, giúp đỡ đào tạo SMEs ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh”, bà Hạnh thông tin thêm.

Với người tiêu dùng, mục tiêu đến hội chợ để mua hàng cũng trở thành thứ yếu - khiến mong đợi ở phần “chợ” giảm đi. Thay vào đó, hội chợ trở thành nơi tìm hiểu nhiều hơn về hàng hóa như: cách thức sản xuất, những “biến tấu” trong sử dụng, các tiến bộ khoa học, trình diễn nghệ thuật được tích hợp vào sản phẩm… Tức người tham quan hội chợ ngày nay còn mong đợi có thêm dịp thưởng lãm một hoạt động kinh tế-xã hội-văn hóa xen cài - khiến nhu cầu ở phần “hội” tăng lên.

Đó cũng là lý do mà những hoạt động “bên lề” hội chợ HVNCLC dần thu hút nhiều hơn sự quan tâm của doanh nghiệp. Ví dụ ở năm nay, Hội chợ sẽ trưng bày thông tin đầy đủ về các chương trình mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt đi ra thế giới, các chương trình tư vấn trực tiếp về việc đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; giải pháp tận dụng cơ hội từ CPTPP, tổ chức mạng lưới phân phối hàng Việt trực tuyến, hoạt động “Tuần lễ Tinh hoa gia vị Việt” để tôn vinh những nông sản, gia vị truyền thống có giá trị cao, triển vọng thương mại hóa tốt...

Có vẻ, ký ức về một Hội chợ Hàng VNCLC với hàng nghìn gian hàng đã trôi qua - một minh chứng cho thấy hình thức cổ vũ hàng Việt theo lối truyền thống đang dần hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, ít ra là tại các đô thị lớn. Thay vào đó, những nhà tổ chức kỳ vọng sẽ đưa Hội chợ HVNCLC trong các năm tiếp theo tiến lên một nấc thang mới – nơi mà những nền tảng công nghệ của thời đại 4.0 có thể tạo ra phương thức quảng bá hàng Việt một cách hấp dẫn hơn, hiện đại hơn và hiệu quả hơn.

Phương Hiền

Top