Hội đồng nhân dân TPHCM họp bất thường

15/03/2018 12:03 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 15/3, HĐND TPHCM khóa IX tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét, thông qua một số đề án thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Quang cảnh kỳ họp bất thường của HĐND TPHCM. Ảnh: VGP/Trung Phong

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, trong kỳ họp này, các đại biểu sẽ bàn 2 chuyên đề quan trọng: thảo luận, thông qua nghị quyết chuyên đề về chương trình cải cách hành chính “nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn TPHCM; thông qua nghị quyết các tờ trình của UBND thành phố để triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Bên cạnh đó, HĐND cũng sẽ xem xét quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án nhóm A, quyết định biên chế số người làm việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và hội đặc thù của thành phố trong năm 2018.

Do đó, bà Quyết Tâm đề nghị đại biểu tham gia đầy đủ, đóng góp ý kiến để kỳ họp có quyết định đúng hợp lòng dân. Từ đó, tạo động lực mới phát triển thành phố, hoàn thành nhiệm vụ kinh tế, xã hội thành phố.

Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng báo cáo các đề án của UBND TPHCM thực hiện cơ chế đặc thù.

Theo đó,về đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tạm sử dụng lòng đường đỗ ô tô, ông Tuyến cho biết việc điều chỉnh là cần thiết vì hiện nay thành phố đang áp dụng vé lượt với mức giá rất thấp (5.000 đồng/lượt) và lạc hậu.

Mức phí thấp khiến ô tô đỗ lâu gây tình trạng kẹt xe. Với mức giá mới tính theo giờ, trung bình là 30.000 đồng/giờ và cứ sau 1 giờ thì tăng giá (cao nhất là 40.000 đồng/giờ), cao hơn 20% so với mức giá tại các trung tâm thương mại được kỳ vọng giảm ách tắc giao thông cho khu vực trung tâm thành phố.

Đề án thứ hai là điều chỉnh mức đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Theo ông Tuyến, cách tính phí cũ quy định 1,5 triệu đồng/năm không đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở xả thải.

Do đó, quy định mức phí mới sẽ tính theo hướng số tiền nộp phí tỷ lệ thuận với lưu lượng nước thải ra môi trường. Trường hợp xả thải dưới 5m3/ngày đêm sẽ tính mức cũ là 1,5 triệu đồng/năm, trường hợp cao hơn sẽ tính theo hệ số k.

Với đề án chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập, theo ông Trần Vĩnh Tuyến là rất cần thiết bởi hiện năng suất lao động của thành phố đang cao gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước, năng suất phục vụ của cán bộ, công chức thành phố cao hơn 1,5 lần cả nước, nhưng mức thu nhập của cán bộ, công chức được áp dụng chung, chưa tương xứng với năng suất lao động và mức chi phí sinh hoạt tại đô thị.

Theo đề án, năm 2018, mức tăng thu nhập cao gấp 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho biết đề án về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của thành phố sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự tăng tốc phát triển của thành phố. Nếu được thông qua, thành phố sẽ trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng cho các chuyên gia, nhà khoa học là giáo sư, phó giáo sư. Các đối tượng còn lại được trợ cấp 80 triệu đồng.

Đối với lao động sáng tạo trẻ, sau khi được tuyển dụng và hoàn thành thời gian tập sự sẽ được bổ nhiệm ngạch công chức/chức danh nghề nghiệp viên chức và xếp lương theo quy định; được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương được xếp.

UBND TPHCM cũng trình 2 dự án đầu tư công nhóm A sử dụng ngân sách thành phố. Thứ nhất, dự án xây dựng Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ quy mô 2.000 chỗ ngồi, tổng mức đầu tư 1.491 tỷ đồng, dự kiến năm 2022 sẽ hoàn thành.

Dự án thứ 2 là bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để xây dựng khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, quy mô 180ha tại quận 2. Theo dự án, tổng số hộ dân bị di dời là 900 hộ; tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2018-2022.

Về kế hoạch biên chế công chức trong cơ quan tổ chức hành chính và tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp hành chính công lập và các hội đặc thù năm 2018. UBND TPHCM đề xuất số biên chế năm 2018 là 132.321 người, giảm 5.608 biên chế so với năm 2017.

Trong đó, biên chế hành chính là 12.345 người, giảm 252 biên chế so với năm 2017 và vượt 3.635 biên chế so với quy định Trung ương giao năm 2018. Biên chế trong đơn vị sự nghiệp giảm 5.356 so với năm 2017 và theo đúng số liệu biên chế Trung ương giao.

Kỳ họp thứ bảy (kỳ họp bất thường) của HĐND TPHCM sẽ diễn ra trong 2 ngày (15-16/3).

Trung Phong

Top