Hối hả trên công trường dự án tuyến metro số 1

07/02/2016 6:18 PM

(Chinhphu.vn) - Dưới cái nắng nóng gay gắt, mặc dù là những ngày cận tết nhưng trên công trường dự án tuyến metro số 1 tại TP Hồ Chí Minh, những người thợ vẫn miệt mài làm việc nhằm đảm bảo tiến độ đưa dự án đi vào hoạt động chính thức từ năm 2020, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thành phố.

Một đoạn tuyến metro số 1 đi trên cao sau khi lắp các đốt dầm. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài 19,7km, đi qua địa bàn quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 9, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) và thị xã Dĩ An (Bình Dương). Dự án có tổng mức đầu tư gần 2,5 tỷ USD (do Nhật Bản tài trợ vốn và sử dụng công nghệ của Nhật Bản).

Toàn tuyến có 14 ga (3 ga ngầm, 11 ga trên cao) và 1 depot tại quận 9, chạy theo hướng tuyến Bến Thành (Quảng trường Quách Thị Trang) – Lê Lợi – Nguyễn Siêu – Ngô Văn Năm – Tôn Đức Thắng – Ba Son – Nguyễn Hữu Cảnh – Văn Thánh – Điện Biên Phủ - Cầu Sài Gòn – Xa lộ Hà Nội.

Dự kiến, dự án tuyến metro số 1 sẽ hoàn thành và chạy thử trong năm 2019, khai thác thương mại từ năm 2020. 

Tại ga ngầm Nhà hát thành phố (quận 1)

Tính đến ngày 6/1, đã hoàn tất sàn mái giai đoan 1, 2, 3, hoàn trả mặt bằng tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, đang đào đất thi công hầm B1, khối lượng tổng thể đạt 9,5% hợp đồng. Đến nay đang thi công 10/11 nhà ga, cơ bản xong kết cấu phần dưới, đang thi công phần thượng (thân trụ xà mũ), xong trụ 8/11 nhà ga.

Bên trong một đoạn tầng hầm ga Nhà hát thành phố. Ảnh: VGP/Nam Đàn
Đan thép chuẩn bị đổ cột trụ trong tầng hầm ga Nhà hát thành phố. Ảnh: VGP/Nam Đàn
Máy xúc đào đất dưới tầng hầm ga Nhà hát thành phố. Ảnh: VGP/Nam Đàn
Công nhân vẫn làm việc dưới ánh đèn trong tầng hầm. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Trên bãi đúc dầm quận 9

Các dầm cầu cạn có khẩu độ điển hình 35m, chia thành 13 đốt dầm (mỗi đốt nặng 42 tấn), có mặt cắt hình chữ U, chiều rộng tính giữa hai đầu cánh dầm hơn 11m, chiều rộng đáy dầm 9,54m, chiều cao dầm 2,03m, được đúc sẵn tại bãi đúc dầm (quận 9) sau đó vận chuyển ra công trường.

Mỗi nhịp gồm 13 đốt dầm sẽ được treo trên hệ đà giáo di động và ghép thành một nhịp cầu hoàn chỉnh. Các đốt dầm được liên kết vĩnh cửu với nhau với khóa chống cắt, keo epoxy và cáp dự ứng lực. Tổng số lượng đốt dầm được đúc là 4.563 đốt, kéo dài trong 2 năm. Dầm chữ U do nhà thầu Systra (Pháp) thiết kế, phần thi công đúc và lao dầm cho Liên danh FVR (Freyssinet-VSL-Rizaani) thực hiện.

Theo đại diện Ban dự án, ưu điểm của dầm chữ U (lần đầu tiên sử dụng tại Việt Nam) là giảm chiều cao kiến trúc khi lắp đặt hệ thống đường ray, giảm độ tĩnh không, tạo mỹ quan đô thị, chống ồn khi tàu vận hành.

Cốt thép của một đốt dầm đoạn trên cao. Ảnh: VGP/Nam Đàn
Lỗ bắn cáp kết nối giữa các đốt dầm. Ảnh: VGP/Nam Đàn
Công nhân đổ bê tông các đốt dầm. Ảnh: VGP/Nam Đàn
Và đốt dầm “ra lò”. Ảnh: VGP/Nam Đàn
Công nhân kiểm tra các đốt dầm. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Toàn cảnh bãi đúc dầm tại quận 9. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Đốt dầm được xe chuyên dụng chở ra công trường. Ảnh: VGP/Nam Đàn
Kết cấu của một đốt dầm với các lỗ cáp. Ảnh: VGP/Nam Đàn
Công nhân thi công lắp các đốt dầm trên cao. Ảnh: VGP/Nam Đàn
Dàn giáo di động với chức năng lắp các đốt dầm. Ảnh: VGP/Nam Đàn
Khối lượng tổng thể đoạn tuyến đi trên cao hiện đạt 45% khối lượng hợp đồng, đã lắp được 82 nhịp. Cơ bản xong kết cấu phần dưới (85%) và đang thi công phần thượng (thân trụ, xà mũ). Ảnh: VGP/Nam Đàn

Nam Đàn

Top