Hội nghị Sáng tạo Kỹ thuật – Phát triển Tài sản Trí tuệ – Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

16/05/2014 2:05 PM

Trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5-2014), sáng 15-5, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã tổ chức Hội nghị Sáng tạo Kỹ thuật – Phát triển Tài sản Trí tuệ – Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

 

PGS.TS. Vũ Văn Khiêm phát biểu tại hội nghị
 
Hội nghị đã nghe một số tham luận của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ và kích thích phong trào sáng tạo kỹ thuật và đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại tại TPHCM; chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong hoạt động sáng tạo và tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của một số doanh nghiệp, trường đại học.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Vũ Văn Khiêm, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho biết từ năm 1990, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chuyển nhanh và chuyển mạnh sang cơ chế kinh tế thị trường, Điều lệ Sáng kiến năm 1981 sau một số lần sửa đổi, bổ sung tỏ ra vẫn chưa thích ứng trong việc tham gia điều chỉnh các hoạt động sáng kiến, sáng tạo tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cũng như tại các trường, viện đang bắt đầu chuyển đổi hoạt động R&D của họ theo cơ chế kinh tế mới.
Trong bối cảnh đó, Bộ KH-CN đã phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Đoàn phát động Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Toàn quốc lần thứ nhất (1990), tạo cơ chế khen thưởng, tôn vinh và kích thích sáng tạo trong mọi tầng giới, bên cạnh các hoạt động nghiên cứu hàn lâm theo các Chương trình Khoa học Công nghệ trọng điểm của từng giai đoạn.
Hội thi đã được sự hưởng ứng rộng rãi, đặc biệt là với sự tham gia vận động và chủ động tổ chức phong trào tương ứng tại địa phương như của TPHCM. Sau Hội thi Toàn quốc lần thứ 4 (1994-1995), Bộ KH-CN đã chuyển giao vai trò chủ trì Hội thi qua Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật phối hợp cùng các bộ, ngành, đoàn thể liên quan hình thành thêm Giải thưởng Khoa học Công nghệ Việt Nam VIFOTEC và sau đó là Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên toàn quốc, nhằm đáp ứng phù hợp hơn với các đặc thù kích thích sáng tạo trong từng giới. Các phong trào này cũng đã nhanh chóng lan rộng đến các địa phương với nhiều thành quả tốt đẹp.
 
Các Chuyên viên tài sản trí tuệ tại Việt Nam đầu tiên nhận Giấy chứng nhận theo Quyết định của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM     (Ảnh: BTC cung cấp)
 
Trên cơ sở đó, đến năm 2013, Bộ KH-CN đã chính thức phát động thêm hai hình thức giải thưởng đặc thù: Cuộc thi Sáng chế 2013 và Giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Cuộc thi Sáng chế 2013 dành cho các tỉnh phía Nam, với sự phối hợp của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và Tổng cục Sở hữu Trí tuệ Hàn quốc (KIPO). Trong Cuộc thi sáng chế lần đầu tiên này, các nhà sáng chế tại TPHCM đã tham dự trên 1/3 sáng chế dự thi và kết quả đạt được cũng rất khả quan.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các nhà khoa học trong các lĩnh vực: Toán học, khoa học máy tính và thông tin, vật lý, hóa học, khoa học trái đất và môi trường, sinh học và các lĩnh vực khoa học tự nhiên khác. Hai giải thưởng đầu tiên của năm 2013 sẽ được trao nhân dịp chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam tới đây, và Hội đồng Giải thưởng năm 2014 cũng vừa được thành lập.
Tại hội nghị, Sở KH-CN đã công bố một số kết quả hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ ban đầu tại TP, thông qua Chương trình đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ với sự phối hợp và hỗ trợ của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ KH-CN.
Tại hội nghị, Sở KH-CN và Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ đã trao 102 giấy chứng nhận chuyên viên Tài sản trí tuệ cho lãnh đạo, cán bộ của các đơn vị, doanh nghiệp, như: Chi cục Quản lý thị trường TP, Cục Hải quan TP, Sở KH-CN, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Sài Gòn, Bảo hiểm Viễn Đông, Vinamilk, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn...
 
MT
Top