Hơn 1.000 nhà cung ứng dự triển lãm lớn nhất về dệt may

04/04/2019 2:01 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 3/4, Hiệp hội dệt may Việt Nam và Tập đoàn dệt may Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt và May - Thiết bị và Nguyên phụ liệu 2019 (Saigon Tex & Saigon Fabric 2019).

Nút thắt về nguồn cung nguyên liệu còn hạn chế khiến ngành dệt may dù xuất khẩu hơn 36 tỉ USD, tăng trưởng trên hai con số nhưng vẫn phụ thuộc vào việc chỉ định nhập khẩu của nơi đặt hàng.

Saigon Tex & Saigon Fabric là một sự kiện thường niên, đạt tiêu chuẩn UFI (Hiệp hội công nghiệp Triển lãm Toàn cầu). Triển lãm năm 2019 sẽ diễn ra trong 4 ngày (từ 10/4-13/4) tại Trung tân triển lãm Sài Gòn (quận 7).

Với sự tham gia hơn 1.050 nhà cung ứng quốc tế đến từ 24 quốc gia, trên tổng diện tích trưng bày 35.000m2. Triển lãm năm nay theo Ban tổ chức có qui mô lớn nhất Việt Nam, tính từ 1990 đến nay.

Đây thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành sợi, dệt, nhuộm, may, vải và nguyên phụ liệu, sản xuất kinh doanh của Việt Nam và quốc tế gặp gỡ hợp tác, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường.

Theo bà Phạm Minh Hương, Giám đốc điều hành tập đoàn Vinatex, triển lãm năm nay có nhiều hiệp hội của các nước trong khu vực tham dự với khu vực riêng như: Liên đoàn Dệt đài Loan, Hiệp hội Công nghiệp máy móc Đài Loan, Trung tâm Dệt may Hàn Quốc… Cùng với đó, còn có hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực máy và thiết bị nàgnh may, máy và phụ tùng trong ngành sợi, dệt, nhuộm.

Tại Saigon Tex & Saigon Fabric 2019, hàng loạt hội thảo chuyên ngành với các nội dung thiết thực liên quan đến sự phát triển của ngành dệt, may cũng như khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt, may Việt Nam.

Nội dung các buổi hội thảo sẽ tập trung vào các chủ đề như: Xu hướng thay đổi và thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam; Thông tin - công cụ quan trọng cho xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong thời đại 4.0; Đào tạo kỹ năng kỹ thuật số - Việt Nam Digital 4.0; Quản lý chất lượng 4.0 - công cụ cần thiết giúp doanh nghiệp vượt rào cản kỹ thuật thương mại (TBT) trước ngưỡng cửa của CPTPP…

Đáng chú ý, một số hội thảo do VITAS tổ chức bàn đến những nội dung khá nóng như: Xanh hóa ngành dệt may hay Tối ưu hóa năng suất kéo sợi với bông Mỹ và năng suất kéo sợi mới.

Minh Thi

Top