Hợp sức, dồn năng lượng cho đầu tàu tăng tốc

19/10/2019 9:01 AM

(Chinhphu.vn) – Muốn “con tàu kinh tế đất nước” tiến nhanh hơn thì phải tập trung nguồn lực cho đầu tàu. Vì thế rất cần có những cơ chế, chính sách vượt trội,... các bộ ngành, địa phương phải cùng chung tay, hợp sức, “dồn năng lượng cho đầu tàu tăng tốc”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ ngành, thành phố Hồ Chí Minh dự diễn đàn. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Ngày 18/10, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Diễn đàn kinh tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 (Ho Chi Minh City Economic Forum 2019 – HEF 2019) với chủ đề: “Phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”.

Sau khi nghe các ý kiến tham luận, phân tích, hiến kế của lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chào mừng và cảm ơn các vị đại biểu, các tổ chức quốc tế, các nhà tư vấn, các doanh nghiệp đã đến dự sự kiện quan trọng, không chỉ với thành phố Hồ Chí Minh mà còn có ý nghĩa với cả nước. Ông cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư vào Việt Nam, đã đến với Việt Nam và góp phần không thể thiếu được để Việt Nam có được thành công như ngày hôm nay.

Phó Thủ tướng bày tỏ đồng tình với ý kiến “các diễn giả đã phân tích rất sâu về các tỷ trọng đóng góp của thành phố Hồ Chí Minh trong nền kinh tế của đất nước; các lợi thế, điều kiện, cơ hội; cũng như những việc cần làm tiếp theo của thành phố và của Chính phủ và Trung ương để thành phố Hồ Chí Minh có thể thực sự sớm trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ của khu vực và quốc tế.

Còn nhiều động lực để phát triển nhanh, bền vững

Khái quát chung về kinh tế Việt Nam và định hướng để đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, nhìn lại 30 năm đổi mới, Việt Nam liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, thuộc vào những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Thập niên đầu tiên Việt Nam tăng trưởng trên 8% (Phó Thủ tướng nói số tròn); đến thập niên thứ hai trên 7%; thập niên thứ ba (hiện nay chúng ta đang ở cuối) trên 6%; bây giờ Việt Nam đang bàn chiến lược cho 10 năm tiếp theo, và trong thập niên thứ tư Việt Nam dự kiến sẽ phấn đấu để đạt mức tăng trưởng trên 7%.

Ông chia sẻ, đã có rất nhiều ý kiến nêu ra rằng, theo đúng quy luật và nhìn lại 3 thập niên trước,khi quy mô của nền kinh tế được nâng lên thì tốc độ tăng trưởng sẽ khó hơn. Vậy trong 10 năm tới, đặt vấn đề tăng trưởng nhanh hơn liệu có khả thi không? Theo Phó Thủ tướng, qua nghiên cứu những điều kiện, nguồn lực trong nước thì cho thấy: Nếu Chính phủ tiếp tục cải thiện thật tốt môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, huy động nhiều hơn nguồn lực từ người dân, từ xã hội và sử dụng nguồn lực đó hiệu quả hơn thì Việt Nam cũng đã có thể phát triển nhanh hơn.

Đó là chưa kể tới những ý tưởng mới, những dự án mới,… như là việc thành phố Hồ Chí Minh đang đặt quyết tâm xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính quốc tế mà chúng ta đang bàn hôm nay,.. thì chúng ta sẽ huy động được thêm các nguồn lực trong và ngoài nước để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Mặt khác, Việt Nam còn có lợi thế là quy mô dân số xấp xỉ 100 triệu người, trong đó trên 60 % dưới 35 tuổi, là thị trường hiện đang đứng thứ 26 trên thế giới, và theo đánh giá của Ngân hàng thế giới thì thứ hạng này sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Quyết tâm nắm bắt thời cơ 

Phó Thủ tướng chia sẻ, hiện trên thế giới và cả ở Việt Nam đang nói rất nhiều về các thành tựu khoa học công nghệ, về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nói đến những việc cần làm ngay để nắm bắt cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại. Theo đó, có rất nhiều việc phải làm, nhưng điều đặc biệt là tất cả các nước khi bàn về vấn đề này và các chuyên gia đều thống nhất rằng, phải làm sao tăng cường phát triển khoa học sáng tạo và tập trung đào tạo nhân lực, phát huy giá trị của nguồn vốn con người.

Đối với Việt Nam, từ trước tới nay, Chính phủ luôn quan tâm đến hai lĩnh vực này. Đặc biệt trong những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và của người dân, cả hai lĩnh vực này đều đạt được những tiến bộ rất đáng khích lệ.

Cụ thể là, theo công bố mới đây nhất của tổ chức WIPO, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam xếp thứ 42 trên thế giới. Và theo công bố mới nhất của Ngân hàng thế giới trong nghiên cứu về chỉ số về nguồn vốn con người (HCI), giáo dục phổ thông của Việt Nam được xếp thứ 38 trên thế giới. Giáo dục đại học của Việt Nam, khoảng hơn 10 năm trước thì không được xếp hạng trong 100 nước trên thế giới, đến ngày hôm nay đã được xếp hạng ở thứ 68 trên thế giới. Chúng ta đã có 4 trường, trong đó có 2 trường ở thành phố Hồ Chí Minh, lọt top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (trong 3 bảng xếp hạng có uy tín nhất trên thế giới).

Bên cạnh đó, trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng 4.0, những năm gần đây, Việt Nam đều đạt được những bước tiến rất nhanh. Thứ nhất, nghiên cứu về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Ngân hàng thế giới cho biết, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam trong mấy năm vừa qua tăng hơn 50 bậc. Đặc biệt, ngay trong cả vấn đề mà các nhà làm công nghệ thông tin, những người ứng dụng công nghệ thông tin và toàn dân đặc biệt quan tâm là câu chuyện an ninh mạng, an toàn thông tin cho người sử dụng thì mấy năm gần đây, Việt Nam cũng tăng tới 50 bậc, từ thứ 100 bây giờ tăng lên thứ 50 trên thế giới.

Dẫn ra hai chỉ số để minh chứng, Phó Thủ tướng khẳng định với các diễn giả trong và ngoài nước: Việt Nam đã quyết tâm và xác định những ngành nghề, lĩnh vực cần phải quyết tâm và quyết tâm cao hơn nữa để nắm bắt thời cơ của cuộc cách mạng 4.0.

Đồng thời, ông cũng cho biết, bên cạnh những thành tựu về kinh tế, Việt Nam cũng đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ trong lĩnh vực xã hội, trong phát triển bền vững, trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và cam kết thực hiện các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc. Từ trước đến nay, Việt Nam luôn luôn nhất quán trong đường lối đối ngoại là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới và là một người bạn thuỷ chung và một đối tác tin cậy. Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để đóng góp sức lực của mình vào cùng với cộng đồng quốc tế để giải quyết những vấn đề chung của nhân loại,... Tới đây, Việt Nam sẽ nỗ lực để thực hiện tốt vai trò là Chủ tịch của ASEAN và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Toàn cảnh diễn đàn Kinh tế TPHCM 2019.

Mong muốn chung, nhiệm vụ chung

Đối với thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, trung tâm tài chính lớn nhất của Việt Nam, Phó Thủ tướng đề cập đến hai số liệu rất đặc biệt: “52 % số doanh nghiệp của Việt Nam hiện đang tập trung ở thành phố này, và 62 tỉnh thành còn lại chỉ có 48 %. Về tài chính trong năm vừa qua, có tới 93% giá trị vốn hóa, 87,6% giá trị giao dịch được thực hiện qua Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, thành phố còn là trung tâm đi đầu về công nghệ và về cải cách hành chính và đặc biệt là về giáo dục. Theo Phó Thủ tướng, từ trước tới nay khi nói đến thành phố Hồ Chí Minh, người ta thường đề cập đến kinh tế, nhưng bây giờ nhìn kỹ lại thì không chỉ có như vậy. Những năm gần đây giáo dục của thành phố luôn luôn đứng trong top 10 của cả nước.

Về các công bố quốc tế của giới nghiên cứu Việt Nam, trong 5 năm qua, con số này đã tăng gấp đôi. Điều đáng chú ý là, trong tổng số báo cáo được công bố, thành phố Hồ Chí Minh chiếm 40%, Hà Nội hơn 30%, còn tất cả các tỉnh, thành phố khác cộng lại thì hơn 20%...

Bên cạnh vị trí địa lý rất chiến lược, người dân thành phố và nhân dân cả nước cũng luôn tự hào thành phố Hồ Chí Minh lá cờ đầu trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, đồng thời cũng luôn luôn kỳ vọng là từ thực tiễn ở đây sẽ ra nhiều chính sách đổi mới, đột phá mới. 

Theo Phó Thủ tướng, đây là điểm vô cùng quan trọng, bởi đây là những tiền đề để củng cố thêm niềm tin là sáng kiến xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế được lãnh đạo thành phố theo đuổi từ nhiều năm trước, đến bây giờ không chỉ còn là mong muốn riêng mà đã trở thành nhiệm vụ của cả nước và của thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Đồng lòng hợp sức cùng thực hiện

Vậy bây giờ phải làm thế nào để thành phố sớm trở thành trung tâm tầm cỡ như chúng ta mong muốn? Phó Thủ tướng nêu vấn đề và cho rằng: “Có rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, điều đầu tiên như tôi đã nói đây là nhiệm vụ chung của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò vô cùng quan trọng nhưng chưa đủ, nếu các bộ ngành, các địa phương không cùng vào cuộc”.

Từ thực tế người Việt Nam thường ví thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai đầu tàu kinh tế đất nước, sức mạnh của đầu tàu càng lớn thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế càng cao. Vậy, “nói nôm na là phải dồn năng lượng vào đầu tàu, vì thế rất cần có những cơ chế chính sách vượt trội”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm và cho biết: Hiện đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đang được xây dựng, dự kiến sẽ trình Chính phủ vào sang năm. Dịp này cũng trùng với thời điểm sơ kết thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ sẽ cùng với thành phố tiến hành sơ kết và kết hợp hai nội dung này.

Phó Thủ tướng đề nghị, trước hết, các bộ ngành cùng phối hợp thật chặt chẽ trên tinh thần là khuyến khích những ý tưởng mới và muốn có những giải pháp đột phá thì chúng ta phải có chính sách “cao hơn bình thường, phải có chính sách vượt trội, riêng có” để tạo điều kiện cho thành phố phát triển.  

Bên cạnh giải pháp “tập trung nguồn lực cho đầu tàu”, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố khác cũng phải chung tay “để sức kéo của đầu tàu thuận lợi hơn thì phải cố làm mình nhẹ đi”. “Ở Việt Nam trước đây để đưa nước từ chỗ thấp lên ruộng cao phục vụ sản xuất thì bà con nông dân phải cùng nhau chung sức đạp guồng nước. Cũng như bây giờ, các bạn trẻ thích xe đạp đôi, muốn di chuyển nhanh hơn thì cả hai phải hợp lực”, Phó Thủ tướng ví von và cho rằng: “Thành phố Hồ Chí Minh là người phía trước nhưng người ngồi sau cũng phải đạp cùng. Đây là điều vô cùng quan trọng”. Do đó, các tỉnh khu vực và các địa phương trong cả nước, cùng các bộ, ngành phải cùng chung tay, chung sức để khát vọng xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế sớm trở thành hiện thực.

Hãy đến với Việt Nam

Điểm cuối cùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh với các đại biểu và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài rằng: Cả Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, từ trước đến nay luôn luôn thân thiện và cởi mở. “Chúng tôi khẳng định mong muốn Việt Nam tiếp tục là điểm đến của tất cả các nhà đầu tư.

Các doanh nhân muốn thành công trong kinh doanh thì hãy đến với Việt Nam; nếu muốn có một cuộc sống, có những trải nghiệm thú vị cũng xin mời đến Việt Nam; nếu mong muốn cùng nhau sáng tạo và lan tỏa những giá trị tốt đẹp thì hãy đến và kinh doanh ở Việt Nam…

Chúng tôi luôn luôn duy trì, khẳng định đường lối đó và rất mong tất cả các doanh nghiệp đã đến Việt Nam thì tiếp tục làm ăn lâu dài và chúng tôi cũng luôn chào đón những người bạn mới”.

“Tất cả các doanh nhân, các doanh nghiệp, các bạn thực sự đã vượt qua rất nhiều khó khăn, góp phần quyết định để đất nước có được vị thế như ngày hôm nay. Tương lai của đất nước Việt Nam phụ thuộc vào rất nhiều điều, nhưng một trong những điều có tính quyết định đấy là sự thành công của các bạn” – Phó Thủ tướng dừng lời./.

Trần Mạnh

Top