HOREA đề xuất xã hội hóa công tác chỉnh trang đô thị

17/10/2017 7:02 PM

(Chinhphu.vn) - Để cải tạo, nâng cấp hàng trăm chung cư cũ với tuổi đời ngót nửa thế kỷ, dự kiến TPHCM cần đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Với nguồn lực hạn chế của ngân sách, chỉ có xã hội hóa đầu tư mới có thể thực hiện được mục tiêu này.

Nhiều chung cư cũ tại TPHCM nguy cơ gây nguy hiểm cho người sử dụng. Ảnh: VGP

50 chung cư hư hỏng nặng

Sau 20 năm thực hiện nhiều dự án chỉnh trang, thay đổi thành công diện mạo đô thị, TPHCM đang tiếp tục triển khai chương trình nâng cấp, xây dựng lại chung cư cũ có liên quan đến 35.000 hộ gia đình. Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ có tối thiểu 50% trên tổng số 474 chung cư cũ xây dựng từ trước năm 1975 được nâng cấp, chỉnh trang trở lại. Đáng chú ý, trong số này đang có khoảng 50 chung cư hiện trong tình trạng hư hỏng nặng, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Tuy nhiên, tổng nguồn vốn đầu tư cho "Chương trình chỉnh trang tái phát triển đô thị" này rất lớn, lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Vì vậy, theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA), trong lúc nguồn lực ngân sách của thành phố có hạn thì chương trình này rất cần sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và dân cư có liên quan. Tức kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Theo đó, với các dự án chỉnh trang khu dân cư lụp xụp hay xây dựng lại chung cư cũ, cần có cơ chế tái điều chỉnh, tái phân lô đất đai.

Kinh nghiệm thành công của lịch sử

Trong giai đoạn 2011-2015, thành phố đã huy động được nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị và các dự án trọng điểm. Trước đó, từ những năm 1990, TPHCM cũng đã có nhiều dự án thành công với phương thức này.

Điển hình như các dự án chỉnh trang nhà ở khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Ruột Ngựa - Tàu Hũ, Tân Hóa - Lò Gốm, khu dân cư Bàu Cát, khu phố chợ Bà Chiểu, khu dân cư Đinh Bộ Lĩnh… Trong đó, HOREA cho rằng điển hình thành công đáng chú ý có thể nghiên cứu để nhân rộng là dự án cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp khu dân cư Xóm Cải thuộc quận 5 (năm 1993), với 100% hộ dân sau đó đã được tái bố trí nhà ở ngay tại dự án.

Đây là khu dân cư cũ lụp xụp được cải tạo, nâng cấp theo cơ chế, chính sách tái điều chỉnh đất đai, tái phân lô với sự tham gia tích cực và chủ động của cộng đồng dân cư. Trong số 93,6 tỷ đồng vốn đầu tư cho dự án, chỉ có một phần là vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng và xây dựng một số hạng mục hạ tầng cơ bản. Còn lại là nguồn vốn ứng trước huy động từ cộng đồng dân cư và nhà thầu.

Từ thực tiễn trên, HOREA đồng thời cũng kiến nghị TPHCM cho tổng kết các dự án chỉnh trang - tái phát triển đô thị đã thực hiện trên địa bàn trong hơn 20 năm qua để có thể tổng kết lại những vấn đề mang tính quy luật, và các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm đi cùng. Từ đó, có đề xuất bổ sung cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo thực hiện thành công "Chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị" của TPHCM.

Xa hơn nữa là có các kiến nghị về cơ chế, chính sách tái điều chỉnh đất đai, tái phân lô đất đai với sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư vào các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Quy hoạch.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, với quy mô dân số khoảng 13 triệu người, hiện TPHCM có khoảng 2,34 triệu người đang cần nhà ở.

Phương Hiền

Top