Hướng nghiệp, giới thiệu việc làm: Cần chia sẻ dữ liệu lao động có nhu cầu việc làm
(Chinhphu.vn) - Để hoạt động hướng nghiệp, giới thiệu việc làm tại TPHCM đạt hiệu quả, nguồn dữ liệu doanh nghiệp đang có nhu cầu về lao động và lao động có nhu cầu việc làm cần được chia sẻ, đặc biệt là dữ liệu danh sách sinh viên năm cuối của các trường trên địa bàn.
Đa dạng hoạt động hướng nghiệp, giới thiệu việc làm
TPHCM là trung tâm kinh tế lớn, nơi thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đây cũng là nơi tập trung đông các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nên nguồn lao động qua đào tạo luôn đông nhất nhì cả nước. Đặc biệt, mỗi năm, Thành phố có khoảng 70.000 học sinh tốt nghiệp THCS và 65.000 học sinh tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, Thành phố còn nhiều nguồn lao động khác phong phú, đa dạng như lao động tự do, bộ đội xuất ngũ, chiến sĩ công an hoàn thành nghĩa vụ, thanh niên hoàn lương, sau cai…
Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu nhân lực, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM thực hiện nhiều hoạt động với hình thức tổ chức đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của thanh niên, là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà trường trong việc định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho sinh viên, thanh niên trên địa bàn Thành phố.
Trong giai đoạn 2017 - 2022, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 105.362 lượt, với các mô hình tiêu biểu như: Chương trình "Tiếp sức người lao động" đã kết nối và mở rộng hoạt động với hơn 30 tỉnh thành và hàng ngàn doanh nghiệp trong cả nước tham gia tuyển dụng với hàng trăm ngàn lao động tham gia tìm kiếm việc làm; Combo việc làm 3 trong 1 "Nhà trọ không đồng - Test nhanh miễn phí - Có việc làm ngay"; "Ngày hội tuyển dụng, việc làm", "Sàn giao dịch việc làm" dành cho bộ đội xuất ngũ, chiến sĩ công an hoàn thành nghĩa vụ…
Cạnh đó, Trung tâm phát huy tốt các nền tảng hỗ trợ việc làm cho người lao động qua Website, App, chatbot; xây dựng mô hình việc làm hè, thời vụ tết, lưu động, cà phê việc làm…
Về hoạt động tư vấn hướng nghiệp, trung tâm đã tư vấn hướng nghiệp cho 69.081 lượt học sinh, giáo viên, phụ huynh, gắn với nhiều hoạt động: Ngày hội "Hướng nghiệp - tuyển sinh", chương trình "Talkshow nghề của bạn"; mô hình hướng nghiệp thông qua các Hội thi tay nghề; hành trình "Trải nghiệm ước mơ"…
Cần chia sẻ dữ liệu về lao động có nhu cầu việc làm
Thị trường lao động tại TPHCM tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Hiện Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, trong đó có chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với hàng loạt giải pháp nhằm thu hút người lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh. Các ngành chức năng đã tăng cường thực hiện các hoạt động tư vấn việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp kịp thời giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo nguồn lực cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, với xu thế thị trường phát triển nhanh, đa dạng và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong lao động hiện nay thì việc hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn Thành phố đang đứng trước những khó khăn, thử thách nhất định.
Cụ thể như công tác phối hợp giữa Trung tâm với các đơn vị thuộc sở, ngành và ngược lại chưa được định hướng đưa vào chương trình hoạt động thường niên mà chỉ phối hợp đột xuất theo từng hoạt động. Do đó, kết quả kết nối thực hiện hỗ trợ việc làm cho các đối tượng tại cơ sở chưa cao, còn mang tính phong trào, chưa đi vào chiều sâu, chưa nắm bắt nhu cầu thanh niên đang muốn tìm việc.
Việc huy động lực lượng học sinh tham gia các hoạt động hướng nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù thị trường việc làm đa dạng và nhu cầu tuyển dụng cao, nhưng còn nhiều người lao động chưa tìm được việc làm do chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM đề xuất, trong chương trình liên tịch giữa Thành đoàn với các sở, ngành thành phố cần chia sẻ nguồn dữ liệu doanh nghiệp đang có nhu cầu về lao động và lao động có nhu cầu việc làm trên địa bàn, đặc biệt là chia sẻ dữ liệu danh sách sinh viên năm cuối của các trường để trung tâm kịp thời tư vấn, hỗ trợ kết nối lao động với việc làm phù hợp, hạn chế tình trạng không tìm được việc sau khi ra trường.
Liên quan đến công tác hướng nghiệp, cần có cơ chế tạo điều kiện và chỉ đạo các trường cho học sinh tham gia các hoạt động về hướng nghiệp do Thành đoàn và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tổ chức.
Lãnh đạo thành phố cần có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trước khi tốt nghiệp được tiếp cận tại doanh nghiệp để trải nghiệp công việc thực tế, tham quan môi trường làm việc và có cơ hội có được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Lệ Vũ