Kết nối NH – DN: Cần chuyển sang một giai đoạn mới

20/10/2017 8:46 PM

(Chinhphu.vn) – Sau hơn 5 năm khởi động, Chương trình Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp được đánh giá thành công, đặc biệt là tại TPHCM. Tuy nhiên, nhiều tiếng nói từ phía chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý cho rằng, đã đến lúc Chương trình cần nâng cấp và chuyển sang một giai đoạn mới. Ngân hàng cam kết bơm 1,2 triệu tỷ cho cho doanh nghiệp

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được đánh giá đã đem lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế.

Được khởi động từ hơn 5 năm trước, chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được biết đến như là nơi DN có thể vay vốn thuận lợi hơn dưới sự “bảo trợ” của các chính quyền địa phương. Không chỉ góp phần vào tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, thống kê qua các năm còn cho thấy hầu như không có nợ xấu phát sinh từ hàng trăm nghìn tỷ đồng cho vay ra. Ghi nhận từ Hội thảo Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp mới diễn ra tại TPHCM.

Nuôi nợ để đòi nợ

Năm 2012, trước tình thế hàng chục nghìn doanh nghiệp (DN) đứng trên bờ vực phá sản, ngừng hoạt động và chồng chất nợ xấu nhưng các ngân hàng lại không dám cho vay thêm để duy trì sản xuất kinh doanh, các nhà quản trị ngành ngân hàng và giới chuyên gia kinh tế đã cùng nhận định nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì vô số DN “chết” đã đành mà ngân hàng vì không đòi được nợ cũng khó mà “sống” nổi. Vậy là một sáng kiến của Ngân hàng Nhà nước và TPHCM đã ra đời nhằm kết nối các ngân hàng với DN.

Lúc bấy giờ ngân hàng thương mại có sự tham gia thảo luận, đánh giá của chính quyền địa phương về từng DN một cách minh bạch nên cũng mạnh dạn rót vốn cho vay hơn trước. Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp ra đời trong tình thế ấy, cùng với những hoài nghi về cái gọi là “không giống ai” khi những quan hệ kinh tế được thiết lập với sự tham gia “sâu sắc” của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, tổng kết của ngành ngân hàng cho thấy không có DN nào vay vốn từ chương trình này gây ra nợ xấu. Tức có thể nói ngành ngân hàng đã thành công với quyết sách “nuôi nợ để đòi nợ”.

Không chỉ thế, với 550.000 tỷ đồng đã giải ngân từ Chương trình riêng trong 9 tháng đầu năm 2017, có thể nói Chương trình đang ngày càng có đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế, gián tiếp hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng GDP đến hết quý 3 năm nay (6,41%).

Vậy điều gì có thể lý giải cho sự thành công của một Chương trình cho vay từng được xem là “không giống ai”?

Qua rồi thời “một mình một chợ”

Cách đây khoảng 10 năm - thời điểm mà ngân hàng và DN dường như vẫn ở hai sân chơi khác nhau - chỉ có DN lớn mới có cơ hội “chơi chung” với các nhà cho vay. Việc xây dựng quan hệ “thân thiết” với ngân hàng lúc đó thậm chí được đặt thành một trong những mục tiêu kinh doanh hàng năm của nhiều DN. Ông Trần Việt Anh, Tông Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn nhớ lại: “những DN lớn vay được vốn ngân hàng thì được tạo điều kiện đủ thứ, dù sau đó họ đầu tư tràn lan. DN ngành nhựa thì đi làm bất động sản, DN thực phẩm thì đi trồng cao su…”.

Thế nhưng, với chủ kiến đặt cả 3 bên gồm chính quyền địa phương, ngân hàng và cả DN đi vay “ngồi cùng mâm”, Chương trình Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp đã rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa nhà cho vay và người đi vay. Có ngân hàng đồng hành, DN cũng đồng thời được “đả thông” rất nhiều về quản trị, về kiến thức tài chính, thẩm định dự án, hay kinh nghiệm thương mại quốc tế… “Từ chương trình này, ngân hàng và DN đã trở thành đối tác, không còn hiện tượng DN năn nỉ - xin cho với ngân hàng như trước đây”, ông Trần Ngọc Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm An Thiên nhận định.

Rõ ràng, cùng với sự cạnh tranh ngày càng lớn của thị trường ngân hàng, thời “một mình một chợ” của các nhà cho vay đang dần đi qua. Và cái phát kiến “không giống ai” ấy đã chứng minh được thành công trên thực tế.

Không thể “bổn cũ soạn lại”

Và sau hơn 5 năm 3 tháng kể từ ngày Chương trình Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp được khai sinh, bên cạnh những thành công, đặc biệt là tại TPHCM, tất nhiên đâu đó vẫn còn chuyện DN than thở khó tiếp cận vốn ngân hàng, còn ngân hàng thì kêu thừa tiền phải mua trái phiếu vì không dễ cho vay ra. Phải chăng đã đến lúc Chương trình cần nâng cấp và chuyển sang một giai đoạn mới?

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, không thể cứ “bổn cũ soạn lại” mãi. Chương trình phải có thêm mục tiêu khác với giai đoạn trước đây. Đó là hướng tới đối tượng dù có khó khăn trong tài sản thế chấp nhưng không vướng nợ nần gì, có phương án kinh doanh tốt; đặc biệt là những DN cần vay vốn để tái cơ cấu và đổi mới công nghệ. “Kinh nghiệm cho thấy những DN này thường chăm chỉ làm ăn, hiếm khi gây ra nợ xấu, khác với cho vay mấy “ông lớn” có khi lại nhiều rủi ro”, ông Lịch nhận xét.

Đề xuất này đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình của vị phó chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA). Bởi theo lý giải của vị doanh nhân này thì DN trong nước có thể nói đã kinh doanh ổn định trở lại nhưng vẫn cần đầu tư để đủ sức cạnh tranh trước làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất của các DN Thái Lan và Trung Quốc đến nơi có chi phí nhân công và chi phí năng lượng ở mức khá thấp như Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng tin rằng cần đưa Chương trình Kết nối ngân hàng  - Doanh nghiệp đi vào từng chuyên đề cho vay. Ví dụ như những chương trình cho DN chuyên làm rau sạch, DN ở khu vực công nghiệp phụ trợ của ngành điện - điện tử, dệt may…

Từ phía Ngân hàng nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng đây là kiến nghị xác đáng. Và rằng “ngành ngân hàng sẽ có nghiên cứu để nâng cấp Chương trình Kết nối đi sâu vào từng chuyên ngành”. Tất nhiên, ngoài 3 chủ thể có liên quan trực tiếp là bên đi vay – bên cho vay và chính quyền địa phương, ngành ngân hàng còn rất cần sự phối hợp của các sở ngành khác.

Cụ thể như đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thủ tục giao dịch bảo đảm để DN nhanh chóng hoàn tất hồ sơ vay vốn; tích cực triển khai chính sách hỗ trợ SMEs; đẩy nhanh tiến độ thi hành án và quá trình xử lý tài sản đảm bảo nhằm hỗ trợ các ngân hàng thu hồi vốn… Ngân hàng nhà nước cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện những văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hỗ trợ SMEs, bảo đảm các chính sách hỗ trợ này được triển khai đồng bộ ngay khi Luật có hiệu lực vào đầu năm 2018.

Phương Hiền

Top