Khải Đơn kể về vết sẹo của người trẻ

05/06/2017 4:25 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 4/6, tại đường sách Nguyễn Văn Bình TPHCM, rất đông độc giả, đa phần là người trẻ đã đến tham dự buổi ra mắt cuốn sách thứ ba của nhà báo Khải Đơn. Cuốn sách Ta có bi quan không?

Tác giả Khải Đơn giao lưu với độc giả tại buổi ra mắt sách. Ảnh: VGP/Đỗ Trường

Vì sao người trẻ dành nhiều quan tâm, tình cảm cho cuốn sách của Khải Đơn trong một chiều mưa Sài Gòn?

Khải Đơn với đặc thù nghề báo đã đi vào ngóc ngách cuộc đời, xâm nhập vào sâu trái tim nhân vật để thấu hiểu và bằng trải nghiệm “lắm lem” mùi đời của mình, chị đã bày soạn cho độc giả những “tảng đá” bất trắc có thể đến trong cuộc sống. Qua đó, người trẻ sẽ thấy được áng ngữ trên đường mình đi mà hoặc né tránh hoặc vượt qua nó. Đó là sự lựa chọn của mỗi người, không có con đường nào hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu.

Cùng với hai cuốn tản văn trước là Đừng tháo xuống nụ cười và Sài Gòn thị thành hoang dại, Ta có bi quan không? cho thấy những trang viết của Khải Đơn sôi sục đời sống hiện thực. Với cuốn sách thứ ba này, Khải Đơn kể về những “vết sẹo” của người trẻ, người bị tạt a-xit, người sống dằn vặt của định kiến về giới tính thứ ba, cô gái ám ảnh sau phá thai, hay anh bạn cảm thấy bị ruồng bỏ phản bội bởi chính cha mẹ mình.

Người trẻ thường chới với trước cuộc đời, trước những bất hạnh xảy ra trong cuộc sống, họ hay nghĩ điều tiêu cực, nghĩ đến cái chết. Những lúc đó, hãy tự đặt câu hỏi ta có bi quan không?. Để trả lời người trẻ cần trang bị kiến thức, cần đọc nhiều, lắng nghe, và trải nghiệm, rồi cân bằng cuộc sống, ắt biết cách ứng phó trước giông tố cuộc đời.

Ta có bi quan không? dày hơn 230 trang, gồm bốn chương: Tuổi trẻ lem luốc, chấn thương, chúng ta có rất nhiều thời gian, rời khỏi ốc đảo.

Với chương tuổi trẻ lem luốc, Khải Đơn đề cập nỗi ám ảnh của thanh niên Việt Nam về cái nghèo khó đã kéo họ vụt xuống mà không dám tiến triển khám phá những điều mới mẻ. Chương chấn thương nói về những mất mát, lòng đố kị sẽ khiến người trẻ dễ lầm lạc.

Chúng ta có rất nhiều thời gian là chương ba cũng là một phản đề, bởi Khải Đơn lý giải giai đoạn vàng của con người tầm 20-30 tuổi, ấy vậy người trẻ thường đánh mất mình trong giai đoạn này. Chương cuối rời khỏi ốc đảo tác giả khuyến khích người trẻ hãy mạnh dạn bứt ra khỏi vỏ bọc an toàn mà khám phá thể giới để thấy năng lực bản thân tới đâu.

Khán giả trẻ xếp hàng chờ tác giả kí tặng sách. Ảnh: VGP/Đỗ Trường

Đọc sách để thấy ngòi bút tác giả Khải Đơn tuy rắn rỏi, con chữ cảm xúc, nhưng cũng lộ ra hình ảnh bất an trong con người chị. Khải Đơn cho biết khi nộp bản thảo nhà xuất bản đã trả về với phản hồi “sách tiêu cực quá, cần chỉnh sửa”. Thời gian chỉnh sửa bản thảo cũng cho chị nhìn nhận lại bản thân, để triệt tiêu bớt cảm xúc bi quan.

Ta có bi quan không? kể về vết sẹo của nhân vật trung tâm là người trẻ là hiện thực cuộc sống. Khải Đơn không giấu giếm những bất trắc trong đời, bằng lối viết tỉnh táo thông qua “người thật việc thật” chị chọn cách phơi bày vết sẹo ấy, tuy có chút phũ phàng nhưng thiết thực cho người trẻ đương loay hoay lối sống.

Giữa dòng chảy sách ngôn tình với hàng chục ngàn bản phát hành trên thị trường, phần biếu phần tặng phần cho phần còn để bán tạo nên cái gọi là “bestseller”, thì Khải Đơn với Ta có bi quan không? xuất hiện thật trần trụi, thật nổi bật. Điều đó lý giải câu hỏi vì sao khán giả đội mưa đến nghe Khải Đơn nói trong buổi chiều chủ nhật hôm ấy.

Đỗ Trường

Top