Khởi nghiệp trong nông nghiệp – thời trang hay xu hướng?

17/09/2017 4:09 PM

(Chinhphu.vn) - Từ chủ trương “quốc gia khởi nghiệp”, hàng loạt cuộc thi đã được mở ra nhưng những cuộc thi và sự quan tâm dành cho startups trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn dường như vẫn còn khá hạn chế. Tuy nhiên, đã có nhiều startups đoạt giải hoặc được đánh giá cao ở những mùa thi trước đang chứng minh sự thành công của mình trong lĩnh vực nông nghiệp. Lối đi nào khi startup tham vọng ‘nâng cấp’?

Ảnh minh họa

Vì sao phong trào làm nông nghiệp nở rộ ồ ạt?

Giữa bầu không khí sôi động của rất nhiều hoạt động cổ vũ phong trào startup hiện nay, rất ít dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng các nhà đầu tư hay xã hội nói chung. Có lẽ một phần cũng bởi khá nhiều người làm dự án nông nghiệp đều là “dân amateur”, tức chưa hề được đào tạo bài bản về nông nghiệp, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp hay thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp đúng cách. Và phần nữa có lẽ cũng vì làm nông nghiệp tại Việt Nam hiện vẫn còn “may rủi” nhiều quá, trong khi nhiều nhà đầu tư khó mà chấp nhận tham gia một “cuộc chơi” với quá nhiều ẩn số về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng hay thị trường như vậy.

Tuy nhiên, điều này cũng không thể ngăn cản xu thế khởi nghiệp trong nông nghiệp ngày càng nở rộ, nhất là khi tầng lớp thanh niên trẻ đi ra từ nông thôn được học hành bài bản và tiếp cận với thế giới nhiều hơn; người nông dân địa phương cũng nhanh nhạy, hiểu biết hơn về sản phẩm và thị trường.

Theo dõi các cuộc thi khởi nghiệp, không khó để nhận ra nhiều người từng thất bại ở các lĩnh vực khác rồi mới tìm đến với nông nghiệp – nông thôn. Phải chăng đó là lựa chọn tất yếu của “chuột chạy cùng sào”? Hay đây là xu hướng mới đang được chứng minh bằng sự gia nhập của không ít các đại gia “lão làng” như Vingroup, Thành Thành Công, Hòa Phát, Trường Hải, FPT?

Theo ông chủ của thương hiệu nông sản Vinamit Nguyễn Lâm Viên, cùng với hiểu biết ngày càng sâu hơn của con người về tự nhiên, về xu thế tiêu dùng xanh và trồng trọt hữu cơ, khu vực kinh tế nông nghiệp, nhất là nông nghiệp có ứng dụng công nghệ và thân thiện môi trường ngày càng được ủng hộ ở các nền kinh tế lớn. “Thế giới phẳng càng giúp cho hiệu ứng này lan rộng sang những nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt nam”. 

Có lo lắng với những startups trái ngành, trái nghề?

Không phải ngẫu nhiên mà ở hầu khắp các triển lãm, hội nghị về khởi nghiệp gần đây người ta đều nhận thấy sự tham gia tích cực của các startups trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp. Và cuộc thi khởi nghiệp với chủ đề nông nghiệp – nông thôn năm nay của Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cũng nằm trong xu thế ấy khi có hơn 100 đơn vị gửi dự án nông nghiệp từ 27 tỉnh, thành tham gia tranh tài.

Quan điểm của nhà tổ chức cuộc thi, với một đất nước đi lên từ nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp vẫn còn in đậm màu sắc bản địa thì sự kết hợp với công nghệ và trình độ thương mại hoàn toàn có thể mang đến cho nền nông nghiệp Việt Nam sự cạnh tranh nhất định trước những nền nông nghiệp tiên tiến có sản phẩm gần như đồng nhất về chất lượng cũng như hình thức.

Tất nhiên, khởi nghiệp trong nông nghiệp cũng như khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác, đến hơn 90% là thất bại nhưng theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành của The Pathfinder (nhà tư vấn giải pháp phát triển sản phẩm vô hình cho doanh nghiệp), “đừng đặt nặng vấn đề đã khởi nghiệp là phải thành công, bạn chưa thành công là vì chưa thất bại đủ mà thôi”. Nói như thế không phải để làm nản lòng những startups trong nông nghiệp, mà chỉ là để khẳng định rằng mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp ở một nền nông nghiệp dựa trên bản sắc địa phương là một điển hình riêng, không ai giống ai; thành công của mỗi người vì vậy cũng sẽ theo những con đường rất khác nhau.

Điển hình như câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai trẻ Đồng Tháp với ước vọng ban đầu chỉ là mang hoa sen sấy khô đi khắp thế giới, đến nay startup này thậm chí còn sản xuất được hàng loạt sản phẩm khác từ cây sen. Hay như startup Hoàng Quý Dương từ lúc chỉ có 2 công đất trồng nho, sau nhiều phen “lên bờ xuống ruộng” đến nay cũng đã có hơn 1 hecta nho chất lượng cao ở Ninh Thuận. Hoặc câu chuyện anh chàng 9x Đoàn Phan Dinh khởi nghiệp với mô hình nuôi heo rừng nay đã tạo lập được đàn heo với hàng nghìn con. Mỗi startup là một xuất phát điểm khác nhau, có người được đào tạo bài bản nhưng cũng có người đi lên từ con số 0 tròn trĩnh.

Bởi thế khi bình luận về các điển hình này, ông chủ của thương hiệu Vinamit tin  rằng “những giới hạn về sở hữu đất đai và những bất thuận về địa hình, thời tiết hiện nay của nông nghiệp Việt Nam thực chất cũng góp phần tạo nên động lực để phát huy bản sắc riêng của nông nghiệp Việt Nam. Một nền nông nghiệp đa dạng và khó trùng lắp ý tưởng sẽ khiến cho rào cản gia nhập ngành với các startups nông nghiệp đi sau không còn là vấn đề quá lớn”

Ngoài ra, nói như bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Kinh doanh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) TPHCM, “phải xác định những cuộc thi khởi nghiệp không chỉ để trao giải thưởng mà là thi để startups có cơ hội kết nối kinh doanh, cải thiện ý tưởng sản xuất, tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư và cả khách hàng”.

Dự kiến, vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp năm nay sẽ diễn ra tại Dinh Thống Nhất, TPHCM vào ngày 27 và 28 tháng 10 năm 2017.

Phương Hiền

Top