Khởi sắc đời sống nông thôn tại huyện đảo Cần Giờ

30/08/2015 5:30 PM

(Chinhphu.vn) – Sau 3 năm phấn đấu, tháng 6/2015, xã Long Hòa, cùng với xã Lý Nhơn của huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã chính thức được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Lao động đan lưới cho vựa hàu của ông Trương Văn Bánh, ngụ ấp Đồng Tranh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Qua phà Bình Khánh, sang địa phận huyện Cần Giờ, con đường Rừng Sác rải thảm rộng thênh thang, chạy xuyên qua những cánh rừng đước ngập mặn, chúng tôi đến thị trấn Cần Thạnh, rồi theo đường trục liên xã được thảm nhựa sạch sẽ đến với xã Long Hòa, xã thứ hai của huyện Cần Giờ vừa đạt chuẩn nông thôn mới.  

Nông dân làm chủ

Tiếp chúng tôi, ông Huỳnh Minh Quang, Chủ tịch UBND xã Long Hòa cho biết, xã cách trung tâm huyện Cần Giờ (thị trấn Cần Thạnh) 6,5km, có đường bờ biển dài 10km. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Long Hòa và Lý Nhơn là 2 xã của huyện Cần Giờ chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Năm 2012, Đề án xây dựng nông thôn mới của Long Hòa bắt đầu triển khai những nội dung đầu tiên.

Nhờ tổ chức tốt việc tuyên truyền mà nhân dân đã tự nguyện hiến đất cùng hàng ngàn ngày công giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, sạch sẽ, không còn cảnh lầy lội vào mùa mưa. Xây mới, nâng cấp các bến đò và nạo vét tuyến, luồng đường thủy như Bến chợ Đồng Tranh, luồng rạch Cầu Nò... Xã cũng đưa vào sử dụng 4 trường học; trên 95% nhà ở của người dân đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.

Đời sống người dân từng bước được cải thiện, tính đến hết năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12%, xã phấn đấu hết năm 2015 giảm xuống dưới mức 3%. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Long Hòa đạt trên 40 triệu đồng/người/năm, cao nhất huyện Cần Giờ.

Dẫn chúng tôi vào thăm các hộ nông dân làm ăn giỏi, một cán bộ Hội Nông dân xã Long Hòa cho biết, trước đây xã nghèo lắm, người dân đa phần chỉ làm thuê làm mướn, được bữa nào hay bữa đó. Thế nhưng vài năm trở lại đây, phong trào xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân không những tự chủ được bữa ăn và công việc hằng ngày mà còn giúp họ trở thành ông chủ của vườn tược, đầm đìa, thuê mướn cả hàng chục lao động khắp nơi.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap là một thế mạnh và là cây trồng chủ lực của xã Long Hòa. Hiện toàn xã có diện tích trồng xoài gần 190 ha, với 327 hộ canh tác, tập trung tại ấp Long Thạnh, Đồng Hòa và Đồng Tranh. Ông Trương Văn Hòa, người cao tuổi ngụ tại ấp Đồng Tranh cho hay: Trước gia đình ông bán tạp hóa ngoài chợ xã nhưng thu nhập không được bao nhiêu, sau đó chuyển vào ấp Đồng Tranh trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap trên diện tích 1,2 ha. Đến nay thu nhập hàng năm đạt khoảng 100 triệu đồng, không những xóa được nợ mà còn cất nhà khá khang trang, con cháu học hành đến nơi đến chốn.

Với thế mạnh nuôi trồng thủy hải sản, xã Long Hòa hiện có 181 ha nuôi nghêu, gần 85 ha nuôi hàu và 173 ha nuôi sò. Anh Trương Văn Bánh, một hộ nuôi hàu lớn trên địa bàn xã cho biết, năm 2012 gia đình anh chỉ có 1 ha nuôi hàu, sản lượng không cao. Nhờ tiếp cận nguồn vốn từ chương trình nông thôn mới, anh đã mạnh dạn mở rộng sản xuất; đến này gia đình có khoảng 12ha nuôi hàu với 4 ghe, thu nhập ròng hơn 500 triệu/năm. Chỉ tay về những người thợ đang đan lưới, anh Trương Văn Bánh vui vẻ nói: “Khi làm ăn khá, tôi thuê cả chục nhân công, mặc dù không nhiều nhưng cũng tạo công ăn việc làm cho người trong ấp”.

Tại xã Long Hòa, trường hợp như anh Trương Văn Bánh không hiếm. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều bà con trước đây nằm trong diện hộ nghèo, chỉ làm thuê đánh bắt thủy hải sản với thu nhập từ 1 -  2 triệu đồng cho mỗi lần ra khơi, nay nhờ mạnh dạn vay vốn chính sách mua sắm phương tiện, thiết bị mở cơ sở sản xuất nên dần làm chủ và đã thoát nghèo.

Chiến lược kinh tế biển

Trong nhiều năm qua, lãnh đạo TPHCM xác định, du lịch sinh thái biển thích ứng với biến đổi khí hậu là định hướng phát triển của huyện đảo Cần Giờ. Thông qua việc khai thác tiềm năng của rừng ngập mặn, biển, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa… để phát triển khu du lịch sinh thái.

Ý tưởng biến Cần Giờ trở thành đô thị du lịch sinh thái rừng - biển là ý tưởng có bước đột phá của Chính phủ, được cụ thể hóa bằng Dự án “Hệ thống công trình lấn biển kết hợp với khu đô thị – du lịch biển Cần Giờ”. Dự án này đã được nghiên cứu khả thi, chi tiết, đã được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đang trong giai đoạn xúc tiến đầu tư.

Cụ thể, dự án sẽ thiết lập các tuyến du lịch nhằm kết nối các điểm du lịch của TPHCM với các điểm du lịch của Cần Giờ và từ Cần Giờ đi Vũng Tàu, Cần Đước, Mỹ Tho... Tôn tạo và nâng cấp các điểm du lịch ở Cần Giờ như bãi biển 30/4, khu du lịch hoang dã Lâm viên với khu căn cứ kháng chiến rừng Sác, khu du lịch đặc công thủy rừng Sác, khu núi đá Giồng Chùa (xã Thạnh An)…

Chủ trương nói trên phù hợp với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của huyện Cần Giờ. Bởi lẽ, Cần Giờ là huyện biển duy nhất của TPHCM có diện tích hơn 700 km2; giống như một bán đảo bị cắt rời khỏi đất liền bởi các con sông lớn như sông Nhà Bè, Lòng Tàu (phía Bắc), sông Đồng Tranh, sông Thị Vải (phía Đông), sông Soài Rạp (phía Tây) và Biển Đông (phía Nam).

Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, xác định thủy sản là ngành kinh tế chủ lực, Cần Giờ sẽ tiếp tục duy trì nghề nuôi thủy sản theo hình thức quảng cảnh (đầm, đập) dưới tán rừng để khai thác giá trị từ nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Hàng năm trên địa bàn huyện có 6.000ha đất được đưa vào thả nuôi, thu hoạch bình quân đạt trên 13.000 tấn. Nghề nuôi nghêu có diện tích nuôi ổn định, khoảng 550ha, sản lượng thu hoạch bình quân đạt 7.570 tấn/năm. Dự kiến cả năm 2015 sản xuất thủy sản ước đạt 2.300 tỷ đồng. Ngoài ra, qua thí điểm mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap (13,8 ha), năng xuất xoài của huyện đã tăng năng suất lên 7 – 8 tấn/ha.

Đặc biệt, đến nay 6/6 xã của huyện cơ bản đạt 19/19 chỉ tiêu nông thôn mới, trong đó có 2 xã được công nhận đạt chuẩn là xã Lý Nhơn và Long Hòa. Đời sống vật chất tinh thần của người dân đang được nâng lên, thu nhập bình quân tăng từ 1,5  - 1,9 lần so với trước khi thực hiện xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo 12 triệu đồng/người/năm sẽ được xóa và giảm hộ nghèo theo chuẩn nghèo 16 triệu đồng/người/năm xuống còn 16,8%.

Nam Đàn

Top