Không chấp nhận doanh nghiệp lợi dụng đất Nhà nước để hưởng lợi

11/08/2018 9:55 PM

(Chinhphu.vn) - Đó là quan điểm của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại hội nghị côn g bố Nghị quyết 80 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Ngày 11/8, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết 80/NQ-CP (Nghị quyết 80) ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của TPHCM, đồng thời ký kết bàn giao chỉ tiêu, danh mục dự án kế hoạch sử dụng đất giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với một số sở ngành và UBND 24 quận, huyện.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, nhấn mạnh, với thành phố, đất đai không chỉ là tài nguyên mà còn là nguồn lực, nguồn thu ngân sách quan trọng. Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất lần này đáp ứng sự phát triển của ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng như nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội và hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, điều chỉnh cũng làm giảm diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp, vậy nên thành phố sẽ phải có kế hoạch nâng cao năng suất, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp.

Để đảm bảo triển khai hiệu quả Nghị quyết 80, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị chức năng công khai rộng rãi Nghị quyết cũng như kế hoạch sử dụng đất hằng năm và các dự án cụ thể để nhân dân giám sát việc thực hiện. Bên cạnh đó, phải công khai minh bạch các dự án có sử dụng đất trong giai đoạn 2016 – 2020, cũng như phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án có bồi thường đất tại trụ sở UBND cấp phường, xã, điểm sinh hoạt cộng đồng.

Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ giúp giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án, đảm bảo quyền lợi người sử dụng đất cũng như giúp cơ quan quản lý theo theo dõi, ngăn chặn các sai phạm như chuyển quyền sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, thực tế  thời gian qua, tại thành phố có rất nhiều trường hợp vi phạm, trong đó có một số trường khi giao đất cho dự án lại được chuyển nhượng qua nhiều người để ăn tiền chênh lệch. Thành phố sẽ kiên quyết xử lý, hiện đã chuyển qua cơ quan điều tra một số trường hợp vi phạm.

Thành phố không chấp nhận kiểu doanh nghiệp làm ăn trái pháp luật, lợi dụng đất Nhà nước để ăn chênh lệch giá. Đơn vị nào được giao đất nhưng không triển khai dự án thì phải trả lại. Hiện thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá hiệu quả 3.444 dự án đã giao với hơn 26.000 ha đất trong giai đoạn 2016 - 2020, dự án nào không triển khai thì kiên quyết thu hồi.

Dẫn chứng quyết tâm của thành phố, người đứng đầu UBND thành phố cho biết đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lập tổ công tác rà soát tại huyện Nhà Bè, phát hiện 87 dự án đã được giao đất nhưng không triển khai và khẳng định sẽ mở rộng ra các quận, huyện khác trên địa bàn.

Và tới đây, nếu dự án sau 3 năm kể từ lúc công bố, ghi vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm mà không thực hiện thì thành phố sẽ công bố huỷ bỏ dự án, sau đó giải quyết quyền lợi cho người dân trong khu vực dự án. Còn với các dự án được giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất mà chậm đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư phải có văn bản gia hạn thời gian thực hiện trong 24 tháng, nếu sau 24 tháng gia hạn không thực hiện hoặc không có văn bản xin gia hạn thì thành phố sẽ thu hồi.

Về đấu giá quyền sử dụng đất, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, dự án được giao đất mà sử dụng không đúng mục đích thì sẽ thực hiện thu hồi và đấu giá công khai minh bạch. Ngoài ra, căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hằng năm, thành phố giao Công ty Đầu tư Tài chính thành phố và Trung tâm phát triển quỹ đất lập kế hoạch vốn để tổ chức bồi thường, tạo quỹ đất sạch, trên cơ sở đó tổ chức bán đấu giá nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Nếu thực hiện đấu giá tốt thì sẽ thu về cho ngân sách thành phố nguồn tiền rất lớn và sẽ không làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Nam Đàn

Top