Kiến nghị Bộ Xây dựng về quản lý chất lượng công trình

18/01/2012 3:25 PM

 

(HCM CityWeb) – Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong năm 2011 có 9 sự cố xây dựng xảy ra trên địa bàn TP, gồm 1 sự cố cấp 1, 7 sự cố cấp 2 và 1 sự cố cấp 3. Tất cả các sự cố đều xẩy ra trong thời gian công trình đang thi công.
Sự cố xây dựng xảy ra do những nguyên nhân khách quan (tính chất thay đổi phức tạp của địa chất, thủy văn công trình thực tế; công trình xây dựng xây chen trong đô thị trong khi công trình lân cận không đảm bảo chất lượng sử dụng hoặc quá niên hạn sử dụng;...) và nguyên nhân chủ quan của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, quản lý dự án, thi công, giám sát, bảo trì công trình,...
Kết quả kiểm tra cho thấy phần lớn các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng đều tuân thủ và thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng; hồ sơ hoàn thành công trình được lập đầy đủ. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số bất cập như các nhà thầu phải dàn trải trên nhiều công trình, các cá nhân làm công tác tư vấn hoặc chỉ đạo thi công không đảm bảo năng lực và kinh nghiệm phù hợp với tính chất và quy mô công trình, xuất hiện nhiều trường hợp đứng tên trên danh sách nhưng không có mặt ở công trường; nhà thầu thi công chưa cung cấp đủ số lượng lao động được đào tạo nghề theo quy định, đặc biệt đối với công trình cao tầng, công trình có nhiều tầng hầm, các công trình có yêu cầu đặc thù khác theo quy định; chưa thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về chất lượng công trình theo quy định; các nội dung cụ thể liên quan đến hệ thống quản lý chất lượng công trình của nhà thầu thi công, biện pháp thi công tầng hầm, biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ,... chưa được chủ đầu tư phê duyệt kịp thời; công tác thí nghiệm, kiểm định, chứng nhận chất lượng công trình xây dựng còn chưa được chủ đầu tư quan tâm đúng mức; kết quả thí nghiệm, kiểm định và chứng nhận chất lượng chưa có tính khách quan cao.
Để việc quản lý chất lượng công trình được chặt chẽ hơn, làm giảm thiểu các sự cố xây dựng, UBND TP kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu cơ chế để các cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát việc tuân thủ quy định pháp luật về chất lượng công trình hiệu quả hơn; tổ chức nghiên cứu ứng dụng vào thực tế các kỹ thuật công nghệ mới, vật liệu mới cho các công trình đặc thù (Công trình cao tầng, siêu cao tầng, công trình ngầm, hạ tầng kỹ thuật đô thị,...) đã thực hiện thành công tại các nước phát triển..., kèm theo đó là việc nghiên cứu sử dụng phù hợp các tiêu chuẩn nước ngoài để đảm bảo cơ sở khoa học vững chắc và áp dụng đồng bộ thống nhất. UBND TP cũng kiến nghị Bộ xem xét, nghiên cứu ban hành các quy định cụ thể, chi tiết liên quan đến trách nhiệm về chất lượng công trình xây dựng và xử lý vi phạm trong xây dựng công trình đối với các đơn vị tham gia thực hiện dự án (nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, quản lý dự án, thẩm tra, kiểm định chất lượng, chứng nhận đảm bảo an toàn chịu lực và sự phù hợp chất lượng công trình, ...), đặc biệt đối với các đơn vị tư vấn quản lý dự án, chứng nhận an toàn chịu lực và sự phù hợp chất lượng công trình, thẩm tra thiết kế, thẩm tra biện pháp thi công, kiểm định chất lượng, cần được quy định cụ thể, phù hợp với thực tế, tránh ách tắc kéo dài trong giải quyết tranh chấp chất lượng công trình gây lãng phí.
Lã Nguyên
Top