Kiến nghị WB tăng số lượng, quy mô các dự án ODA

24/08/2015 9:15 PM

(Chinhphu.vn) - UBND TPHCM vừa kiến nghị Ngân hàng Thế giới (WB) tăng số lượng, quy mô các dự án ODA, đồng thời đề nghị tài trợ theo hình thức hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách thành phố.

Người cao tuổi tập thể dục trên đoạn kênh Tân Hóa – Lò Gốm vừa được cải tạo từ vốn tài trợ của WB. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai các dự án được WB tài trợ vốn ODA, UBND TPHCM cho biết, từ năm 1993 đến nay, thành phố triển khai thực hiện 10 dự án do WB tài trợ với giá trị ODA gần 11.042 tỷ đồng (tương đương 668,91 triệu USD).

Đánh giá về những đóng góp của những dự án này đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, UBND thành phố cho rằng, các đã và đang góp phần nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Tiêu biểu như dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (tổng vốn đầu tư  gần 5.551 tỷ đồng), đã góp phần đảm bảo thoát nước, giải quyết tình trạng ngập úng, cải thiện môi trường và chính trang đô thị. Hay Dự án giảm thất thoát nước TPHCM (tổng vốn đầu tư khoảng 703 tỷ đồng) đã nâng cao hiệu quả trong việc quản lý mạng lưới cấp nước và giảm tỷ lệ thất thoát nước. Trong khi đó, dự án nâng cấp đô thị thành phố (tổng vốn đầu tư 5.608 tỷ đồng) cũng góp phần cải thiện môi trường và điều kiện sống của hàng triệu người dân tại khu vực dự án.

Hiện tại, TPHCM đang triển khai thực hiện 6 dự án do WB tài trợ với tổng vốn ODA là 12.975 tỷ đồng (tương đương 611,72 triệu USD) trong đó có các dự án như: Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm; dự án Vệ sinh môi trường thành phố - giai đoạn 2 và dự án Phát triển giao thông xanh.

Theo UBND TPHCM, các dự án ODA trong giai đoạn vừa qua chủ yếu tập trung vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông và cải thiện môi trường có quy mô đầu tư lớn. Tuy nhiên, lượng vốn ODA do WB tài trợ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển của thành phố; một số lĩnh vực ưu tiên đầu tư vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ WB như đường sắt đô thị, hạ tầng đường bộ...

Cùng với đó, việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA vẫn còn một số hạn chế như thời gian chuẩn bị dự án ODA kéo dài, khi dự án đi vào giai đoạn triển khai thường phải điều chỉnh thiết kế hoặc điều chỉnh lại dự án cho phù hợp với tình hình thực tế cũng làm kéo dài thời gian thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc các lợi ích từ dự án không đến với người dân hưởng lợi kịp thời, chi phí đầu tư dự án tăng.

Ngoài ra, công tác đền bù giải phóng mặt bằng và di dời các công trình tiện ích ngầm vẫn gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, gia tăng chi phí đầu tư, giảm hiệu quả và khả năng đạt được các mục tiêu mong đợi.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do quy trình và thủ tục quản lý và sử dụng ODA của Việt Nam và nhà tài trợ chưa hài hòa; năng lực tổ chức, quản lý và sử dụng vốn ODA tại các sở ban ngành, các đơn vị thực hiện dự án (bao gồm cả nhà thầu, tư vấn) còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác theo dõi, đánh giá chương trình, dự án ODA và hoạt động của các Ban quản lý dự án chưa thực sự hiệu quả.

UBND TPHCM kiến nghị WB ưu tiên tài trợ vào các dự án: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ; Vận chuyển hành khách công cộng có sức chở lớn như đường sắt đô thị hoặc xe buýt nhanh (BRT); Cải thiện ô nhiễm môi trường, thu gom và xử lý nước thải; Các dự án chống ngập kết hợp với chỉnh trang đô thị, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị WB tăng số lượng, quy mô các dự án ODA. Đồng thời đề nghị tài trợ theo hình thức hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách thành phố; đẩy mạnh và đa dạng hóa các phương thức cung cấp hỗ trợ.

Nam Đàn

Top