Ký ức “ngày toàn quốc kháng chiến” ở Vạn Phúc

19/12/2016 8:01 AM

(Chinhphu.vn) - PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, ủy viên Ủy ban MTTQVN TPHCM, nguyên giảng viên ĐH Bách Khoa TPHCM là nhân chứng sống của cuộc xuống đường giành chính quyền ngay tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, Hà Nội), nơi cách đây 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nhân chứng sống của 70 năm về trước, trong cuộc nói chuyện với chúng tôi. Ảnh: VGP/Phương Dy

Thời khắc lịch sử

Ở TPHCM đã nhiều năm, nên khi gặp chúng tôi, ông Ninh không khỏi bồi hồi nhớ cố hương, về những năm tháng ở làng Vạn Phúc, nơi mà cả gia đình ông đã tham gia vào đoàn xuống đường giành chính quyền tại làng Vạn Phúc cách đây đã 70 năm.

“Lúc ấy, tức là ngay khi gia đình chúng tôi từ Hà Nội di tản về Vạn Phúc, đã đến ở nhờ nhà ông Hai Tý ở trong làng này. Nhà ông ấy chỉ cách nhà ông Nguyễn Văn Dương – Nơi Bác Hồ viết lời hiệu triệu kêu gọi toàn quốc kháng chiến chỉ hơn 100m nữa thôi. Ông Hai Tý có hai người con, một người tên Mão, một người con gái út thì kém ông Ninh một tuổi, tên ở nhà hay gọi là Tám.”, ông Ninh nhớ lại.

Điều khiến ông Ninh rất bất ngờ, đó là chủ nhà – ông Hai Tý bình thường là phu kéo xe tay ở làng, nhưng sau này ông Ninh mới phát hiện ra ông Hai Tý là người của Việt Minh, tham gia cách mạng từ trước đó rồi, nhưng không ai trong làng biết.

“Vào đêm trước ngày xuống đường giành chính quyền, mọi người trong nhà thấy ông ấy lấy ra ở sạp lúa một lá cờ đỏ sao vàng. Và hôm sau chính ông ấy là người cầm lá cờ và dẫn đầu đoàn xuống đường giành chính quyền ở làng Vạn Phúc, đoàn đi tới Thị xã Hà Đông, qua tận thị trấn “Ba -  La – Bông - Đỏ”, một cuộc mít tinh, tuần hành rất sục sôi yêu nước lúc đó”, ông Ninh kể.

Ông Ninh cũng cho hay, trong đêm 19/12/1946, loa phát thanh liên tục phát đi lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Nhưng trước đó, vào sáng 18/12 đã có một cuộc biểu tình lớn của người làng Vạn Phúc. Từ các ngả đường kéo về thị xã.

Trong đoàn người đầy khí thế ấy, ông Hai Tý là người cầm lá cờ đỏ sao vàng đi đầu. Đi ngay theo sau là 4 anh chị em trong gia đình ông Ninh, gồm chị gái (15 tuổi), anh trai (13 tuổi), chị gái (11 tuổi) và ông Ninh, lúc đó mới 8 tuổi.

Và vào ngày 19/12/1946, đúng 20 giờ, ánh đèn trên các đường phố Hà Nội vụt tắt. Tiếp đó, tiếng súng vang dậy khắp thành phố, cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu.

Loa phát thanh của Chính phủ Việt Nam DCCH kêu gọi nhân dân thủ đô bình tĩnh trước những khiêu khích của quân giặc trước thời điểm Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Ký ức khó quên

Nhớ lại 9 năm trường kỳ kháng chiến, ông Ninh cho biết, ông không quên kỷ niệm khi quân Tưởng vào đóng quân ở trường tiểu học Mỗ Lao, nơi ông đang học lớp 4, chúng đã đốt sạch sách vở, thế rồi ông phải nghỉ học bởi gia đình ông cũng như bao gia đình ở Hà Nội khi đó, nghe lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, tiếp tục di tản về Phủ Lý, Ninh Bình, rồi từ đó đi xe lửa vào Thanh Hóa.

Khi cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc kết thúc, cả 4 anh chị em trong gia đình ông Ninh đều lần lượt tham gia, phục vụ cách mạng.

Ông Ninh bảo, ký ức thì nhiều, quên làm sao được, đó là lịch sử dân tộc, là một phần cuộc đời, nhưng ông chỉ kể những ký ức đã ám ảnh ông suốt 70 năm qua.

Hồi đó, đầu năm 1947, lớp lớp thanh niên được hiệu triệu tham gia đào đường để xe cơ giới địch không chạy được. Ngoài ra, còn đi phá các nhà gạch, phá hết để địch không có chỗ nương náu khi chiếm thành phố.

Có lần, ông Ninh được chứng kiến cảnh máy bay của Pháp ném hai quả bom Na-pan làm cháy kho lúa, có một anh người Hà Tĩnh coi giữ kho lúa bị bom bọc lấy cháy đen. Hay một người bạn thân của ông cố gắng nhảy xuống bờ đê tránh máy bay địch ném bom, nhưng không thoát khỏi những mảnh bom sắc lẹm phạt ngang người. Những cảnh tượng ấy khiến sự căm thù giặc càng được hun đúc trong lòng, từ những đứa trẻ cho đến người lớn.

Những năm sau đó, giặc Pháp bắn phá, ném bom dọc tuyến đường sắt từ Hương Khê đến Quảng Bình khiến bộ đội chi viện cho chiến trường Bình Trị Thiên gặp vô vàn khó khăn.

Khi chiến dịch Trung – Lào giành chiến thắng, ông Ninh kể có một chi tiết khiến nhiều người lúc ấy rất ngạc nhiên, phấn khích. Đó là trong đoàn dẫn giải tù binh Pháp, đi qua làng, có một người lính da đen, mang quốc tịch Pháp trong vai trò dẫn giải các tù binh Pháp. “Thật hay, hóa ra trong cuộc chiến phi nghĩa của người Pháp, vẫn có những người lính chính nghĩa, đã hành động như những người lính Việt Minh”, ông Ninh xúc động kể lại.

Sau này khi đất nước hòa bình, ông Ninh có một vài lần trở lại Vạn Phúc. Lần gần nhất cách đây đã 8 năm, ông ra Hà Nội, rồi ghé vào làng Vạn Phúc thăm lại nhà ông Hai Tý. Nhà ông Hai Tý nay không còn như trước đây, nhưng đối diện ngôi nhà thì có nơi ở của cô con gái út của ông là cô Tám.

Ông Ninh cũng cho biết, ở nhà của ông Dương bây giờ, có hai dãy nhà ngang được xây từ những năm 1935, còn nhà chính hai tầng thì được xây vào năm 1941 và được hoàn thành vào năm 1942, đến nay kiến trúc ngôi nhà hầu như còn nguyên vẹn 3 gian, 2 tầng. “Các kỷ vật của Bác trước đây thì nay đều đã nhuốm màu thời gian, nhưng mọi người ở làng Vạn Phúc vẫn cảm nhận được hình dáng của Bác vẫn gần gũi đâu đây”, ông Ninh xúc động nói.

Phương Dy

Top