Ký ức nóng bỏng về trận chiến đấu lịch sử ở cầu Rạch Chiếc

30/04/2015 11:47 AM

(Chinhphu.vn) - Vào mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng 30/4, những chiến sĩ đặc công Lữ đoàn 316 còn sống cùng người thân của 52 chiến sĩ Lữ đoàn 316 đã hy sinh lại tới chân cầu Rạch Chiếc để thắp hương tưởng niệm 52 chiến sĩ đã ngã xuống trước cánh cửa của hòa bình và nhớ về những kỷ niệm khó phai.

 

Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công 81 Trần Xuân Kiện và
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Hồng Oanh bên Bia tưởng niệm
các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến đấu lịch sử ở cầu Rạch Chiếc,
tháng 4/2015. Ảnh: VGP/Ngọc Quang

Giữa tháng 4/1975, sau khi thất bại tại Xuân Lộc, địch co cụm về Sài Gòn tử thủ. Lúc này, cầu Rạch Chiếc - cửa ngõ phía Đông vào Sài Gòn được chính quyền Sài Gòn tăng cường khoảng 2.000 quân cùng nhiều vũ khí hiện đại để giữ cầu và sẵn sàng đánh sập để ngăn quân ta tiến vào Sài Gòn.

Trận chiến tại cầu Rạch Chiếc được xem là một trong những trận đánh ác liệt cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, tạo bàn đạp cho cánh Đông quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trận chiến đấu lịch sử đó bắt đầu từ 3 giờ sáng 28/4/1975. Ba tiểu đoàn của Lữ đoàn đặc công 316, gồm tiểu đoàn 81, Z22, Z23 cùng tác chiến. Phía quân ngụy có lực lượng bảo an, thủy quân lục chiến, với sự hỗ trợ của giang thuyền, xe tăng và trực thăng. Lực lượng đặc công quen đánh mật tập đã nhanh chóng chiếm giữ cầu. Sau đó, hàng chục khẩu pháo của đối phương từ Nhơn Trạch, Sóng Thần, Liên trường Thủ Đức bắn cấp tập vào trận địa. Trực thăng quần đảo và bắn phá. Ngày 28 và 29/4, đối phương phản kích dữ dội. Cuộc chiến đấu hết sức ác liệt, có thời điểm lực lượng đặc công phải tạm thời lui về tuyến sau.

Nhưng quyết tâm chiếm và giữ được chiếc cầu Rạch Chiếc cho đại quân tiến vào, các chiến sĩ đặc công lại tiếp tục tiếp cận trận địa và chiến đấu trước một áp lực địch quân đông hơn rất nhiều. 52 chiến sĩ đặc công đã hy sinh. Đêm 29 và rạng sáng 30/4, quân địch tan rã, bỏ chạy. Sáng 30/4, các chiến sĩ đặc công nghe tiếng xe tăng tiến tới khu vực cầu, lại tiếp tục sẵn sàng chiến đấu. Nhưng khi thấy lá cờ xanh đỏ sao vàng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trên nóc xe tăng, những ngón tay đang để trên cò súng khựng lại.

Dâng hương bên Bia tưởng niệm các chiến sĩ ở
cầu Rạch Chiếc (tháng 4/2015). Ảnh: VGP/Ngọc Quang

Niềm vui chiến thắng vỡ òa. Xe tăng của Quân đoàn 2 lần lượt tiến qua cầu Rạch Chiếc, hướng về Dinh Độc Lập, đầu não của chính quyền Sài Gòn. Xe tăng 390 húc đổ cánh cổng sắt chính Dinh Độc Lập, lá cờ xanh đỏ sao vàng được cắm lên và tung bay trên nóc dinh. Tổng thống Dương Văn Minh và toàn thể Nội các Việt Nam cộng hòa đầu hàng vô điều kiện. Cuộc chiến tranh 21 năm kết thúc, được tính từ khoảnh khắc 11h 30 ngày 30/4/1975!

Suốt nhiều năm sau đó cho đến năm 2015 này, nhiều chiến sĩ, người thân và người dân vẫn đến thăm cầu Rạch Chiếc để thắp hương tưởng niệm 52 chiến sĩ đã ngã xuống trước cánh cửa của hòa bình và bồi hồi nhớ về những kỷ niệm khó phai.

Ông Nguyễn Văn Thuật, sinh năm 1945 ở Phú Xuyên, Hà Tây, nguyên là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 81, tâm sự với chúng tôi bên cạnh bia tưởng niệm các chiến sĩ, vào thời điểm đúng 40 năm sau cuộc chiến đấu ác liệt ngày nào:

“Hồi đó có đồng đội tôi tưởng tôi đã chết, về báo tin cho gia đình tôi. Bố tôi không tin, nhưng không có tin tức gì để chứng minh cho hy vọng mơ hồ của phụ tử tình thâm. Sau 30/4/1975, tôi vẫn tiếp tục nhiệm vụ cùng đơn vị, chưa được về quê, chỉ biên thư về. Bố tôi yêu cầu tôi gửi cho bố tấm ảnh chụp con đang đứng giơ tay giơ chân để gửi về. Người chụp ảnh ngạc nhiên trước yêu cầu kỳ lạ đó và đã giúp bố tôi toại nguyện. Nhưng không phải ai cũng có niềm tin cháy bỏng và chịu đựng như bố tôi. Chiến tranh là thế, tôi không hề trách ai…”.

Ông bỗng nghẹn lời vì những giọt nước mắt đang dâng trào…

Nghệ nhân dân gian và là nhà thơ Nguyễn Hồng Oanh, người trong nhiều năm qua đã lặng lẽ cùng nhiều người khác tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở cầu Rạch Chiếc mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng 30/4, đã có những câu thơ vô cùng xúc động trong bài thơ mang tên "Rạch Chiếc":

Rạch Chiếc chiều xuân bạn ghé về 
Cỏ hoa đồng nội ngát hương quê 
Ai ơi ngày ấy xuân toàn thắng 
Nối nhịp quân về quên tái tê.

Ta kể bạn nghe chuyện chiếc cầu 
Xây bằng máu lửa ướp thương đau. 
Hôm qua ngã giữa dòng Rạch Chiếc 
Sử tích muôn đòi mãi khắc sâu

Rạch Chiếc hôm nay bờ nối bờ. 
Một thời lửa đạn hoá thành thơ 
Còn bao chiến sĩ tên không rõ 
Nương sóng vỗ tràn xuân ước mơ

Lịch sử khắc tên vào bia đá, 
Lòng sông thay nấm mộ anh nằm 
Mẹ giấu tên anh vào ngực nhỏ  
Ru hời tình mẹ suốt ngàn năm!...

Từ năm 2006, một tấm bia tưởng niệm các chiến sĩ đã được dựng lên bên chân cầu Rạch Chiếc bởi những người tri ân và tưởng nhớ các anh linh.

Và ngày 26/4 năm nay, TP Hồ Chí Minh bắt đầu khởi công dự án Công viên - Bia tưởng niệm các liệt sỹ chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Chiếc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khu tưởng niệm có trên diện tích 8.403m2, tổng mức đầu tư 21,5 tỷ đồng, giáp sông Rạch Chiếc. Khu A của dự án là công viên và bia tưởng niệm cao gần 10m được ốp đá granit đỏ. Khu B có chức năng công viên và bến thả hoa.

Cây cầu Rạch Chiếc ngày nay đã được xây dựng lại hiện đại. Trong dòng người xe tấp nập cuộn chảy của thời kinh tế thị trường, vẫn có những người dừng lại, với nén tâm nhang, với hoa, với những ngọn hoa đăng, cầu nguyện cho những anh linh. Cho 52 chiến sĩ đã hy sinh…

Ký ức về trận đánh lịch sử ở cầu Rạch Chiếc, bốn mươi năm rồi vẫn còn bỏng cháy khôn nguôi…

Ngọc Quang

Top