Kỳ vọng vào sự phát triển bền vững của giáo dục TPHCM

20/11/2018 7:20 PM

(Chinhphu.vn) - Khi được hỏi mong muốn đối với ngành GD-ĐT TPHCM trong tương lai, nhiều nhà giáo trả lời rằng họ không ngồi ước mà sẽ chung tay vun đắp để sự nghiệp “trồng người” ngày càng tốt hơn.

Luôn mạnh dạn đề xuất nhiều chủ trương quan trọng, năm học 2017-2018, ngành GD-ĐT TPHCM gây chú ý khi tiếp tục những đề xuất, kiến nghị về cơ chế đặc thù. Một trong những kiến nghị đó là cho Thành phố được phép thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với thực tiễn của địa phương nhưng vẫn tuân thủ chương trình khung của Bộ GD-ĐT. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Người thầy cần thêm động lực

Là một trong số 21 nhà giáo ưu tú vừa được ngành GD-ĐT TPHCM trao tặng kỷ niệm chương, khi được trải lòng với nghề, thầy Phạm Văn Chiểu, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn cho biết chính bản thân thầy đã từng 3 lần muốn bỏ nghề do hoàn cảnh quá khó khăn. Nhưng với tình yêu nghề, thương trò, thầy quyết tâm vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ “trồng người”.

“Vậy nên khi TPHCM được thông qua cơ chế đặc thù, thu nhập của giáo viên tăng thêm 0,6 lần, tôi tin nhiều nhà giáo sẽ phấn khởi lắm. Theo tôi, thầy cô cần được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn, không chỉ là nâng cao về chuyên môn, mà còn cần cả giải pháp về kinh tế, để giúp cho họ yên tâm giảng dạy. Thực tế, nhiều giáo viên trẻ hiện nay thiếu đi “lửa” nghề, phần nhiều là do áp lực về kinh tế. Không phải là số đông nhưng nếu có được giải pháp giúp giáo viên có thu nhập ổn định, tôi tin không ai xao nhãng với nghề”, Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Chiểu bộc bạch.

Đó cũng là trăn trở của cô Nguyễn Thị Kim Chi, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 10. Là người công tác lâu năm trong ngành giáo dục, điều nhà giáo này ao ước là làm sao để mỗi giáo viên sống thanh bạch và đủ đầy với nghề “gõ đầu trẻ”. Không cần nhà cao cửa rộng, không cần quá nhiều nhu cầu vật chất nhưng nếu cứ mãi áp lực với “cơm áo gạo tiền”, rất khó để các giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ bám nghề, cống hiến trọn vẹn cho nghề dù họ rất yêu thương học trò.

Cô Nguyễn Thị Kim Chi mong rằng, bên cạnh những nỗ lực về đổi mới chương trình giáo dục theo xu hướng hội nhập, việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để hỗ trợ quá trình giảng dạy của đội ngũ giáo viên, ngành GD-ĐT TPHCM cần có thêm nhiều chính sách giúp nhà giáo… thoát nghèo. “Chỉ khi được quan tâm đúng mức, nhà giáo mới thực sự an tâm để sống hết mình với nghề. Lúc đó, người hưởng lợi là các em học sinh. Vì các em được học trong một môi trường hiện đại, thực sự thân thiện cùng với người thầy tâm huyết của mình”, cô Nguyễn Thị Kim Chi lý giải.

Không chỉ chăm lo đời sống và nâng chuẩn chuyên môn cho giáo viên, bà Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT quận 5 cho rằng đã đến lúc phải giảm tải cho các thầy cô, nhất là các hoạt động ngoại khóa: “Việc liên tục đổi mới, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành đã là áp lực. Nếu cứ liên tục yêu cầu các giáo viên nay tham gia phong trào này, mai đăng ký hoạt động kia thì lấy đâu ra thời gian họ tái tạo sức lao động. Tham gia quá nhiều hội thi, thực hiện quá nhiều chương trình, các giáo viên sẽ quá tải, ảnh hưởng đến tâm lý đứng lớp. Vậy nên theo tôi ngành cần chọn lọc lại các hoạt động, cuộc thi, phong trào để giáo viên an tâm đứng lớp, vì đó mới là nhiệm vụ chính của thầy cô”.

Nhiều giáo viên cho biết đang không sống được bằng lương nhưng với tình yêu nghề, thương trò họ phải dạy thêm để cải thiện thu nhập. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Tập trung cho nền giáo dục hội nhập

Sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, TPHCM đã tạo được nhiều bước đột phá, hướng tới nền giáo dục thông minh theo hướng hội nhập khu vực và thế giới. Hệ thống trường lớp ngày càng quy mô, trang thiết bị dạy học ngày càng hiện đại, mô hình thư viện thông minh, thẻ học đường thông minh hay các phòng thực hành STEM tại nhiều trường đã phát huy tốt hiệu quả. Hiện 100% học sinh thành phố được học tiếng Anh từ lớp 1, trên 80% các trường từ THCS đến THPT ứng dụng STEM vào tổ chức giảng dạy giúp chất lượng giáo dục ngày càng tiệm cận khu vực và thế giới.

Sự chuyển mình của giáo dục thành phố khiến nhiều người ấn tượng, đặc biệt là những nhà giáo công tác lâu năm trong ngành.

Bà Nguyễn Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM cho hay: “Tôi thực sự ấn tượng với sự phát triển nhanh chóng của ngành GD-ĐT TPHCM trong giai đoạn gần đây. Phổ cập mầm non, hướng tới sẽ miễn học phí bậc THCS hay chủ động trong việc triển khai nhiều chương trình tích hợp theo chuẩn quốc tế đủ cho thấy sự năng động, sáng tạo của ngành”.

Thế nhưng theo bà Thu, GD-ĐT đổi mới nhanh chóng cũng tốt nhưng phải đồng bộ và toàn diện hơn với cả 3 mặt là người thầy, học trò và chương trình. Làm sao trong thời gian tới, ngành GD-ĐT phối hợp được sức mạnh tổng hợp từ lãnh đạo thành phố đến người dân, đưa ra nhiều chính sách để nâng cao hơn nữa sức bật của đội ngũ giáo viên, sự chủ động, sáng tạo của học sinh. Bởi vì cải cách giáo dục là phải chuyển biến thực sự và lâu bền.

TPHCM xác định GD-ĐT là động lực quan trọng để thành phố phát triển bền vững và phấn đấu đến năm 2030, hệ thống GD-ĐT thành phố sẽ được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đưa TPHCM trở thành trung tâm GD-ĐT chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Muốn làm được điều này thì theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, ngành GD-ĐT thành phố cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Phải dạy làm sao để phát triển tư duy chủ động, tính tranh luận, phản biện và sáng tạo trong học sinh. Phải thấy được tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong giáo dục và chú ý bồi dưỡng nhân tài. Thành phố muốn phát triển hiệu quả rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Để có được nguồn nhân lực này, người thầy phải giỏi. Mỗi giáo viên cần là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo để tạo ra thế hệ công dân tốt trong thời kỳ hội nhập, biết chấp hành luật pháp, có kỹ năng ngoại ngữ, làm việc hiệu quả, có điều kiện cống hiện, đóng góp cho sự phát triển của đất nước./.

Gia Mỹ

Top