Làm gì để thu hút nhân tài trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo?

30/09/2019 4:18 PM

(Chinhphu.vn) - Đại diện nhiều doanh nghiệp gia công phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam (VNITO) cho biết, cạnh tranh giữa các đơn vị trong ngành chủ yếu là cạnh tranh sở hữu nguồn nhân sự có trình độ và kinh nghiệm. Thương chiến Mỹ - Trung có ảnh hưởng đến ngành CNTT Việt Nam?

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 khiến nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin đang tăng cao trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó - Ảnh minh họa

Doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn khi mới đây, AT Kearney 2019 công bố Báo cáo chỉ số GSLI. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 5 trên 50 quốc gia có nền tảng tốt về dịch vụ công nghệ thông tin. Điều này chứng tỏ tiềm năng của Việt Nam, trong đó có TPHCM về phát triển công nghệ mới nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu ở Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo.

Nhân lực 4.0: Làm thế nào để thu hút nhân tài?

Theo ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng Giám đốc công ty KPMG, trong đổi mới và sáng tạo, các doanh nghiệp mới hiện đang có sự cạnh tranh rất lớn về số lượng kỹ sư. Tuy nhiên, chính cạnh tranh nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp lại tạo ra một môi trường tốt cho đổi mới sáng tạo của ngành. Điều này là bởi nhân lực trong đổi mới sáng tạo thường không có quy chuẩn nhất định về tiền lương. Đối với họ, môi trường để cọ xát, để làm những những dự án sáng tạo quan trọng hơn là tiền.

Vì vậy, theo ông Ái, đơn vị nào trong ngành tạo ra được những dự án giá trị, những dự án thú vị, tạo ra nhiều cơ hội học tập cho các bạn trẻ hơn thì nơi đó sẽ thu hút được nhân tài và có nhiều cơ hội chiến thắng.

Tương tự, quan điểm của bà Annie Nguyễn, Giám đốc phát triển của Công ty BeeSight Soft, cạnh tranh trên thị trường ITO ngày nay không chỉ là cạnh tranh về khách hàng. Trên thực tế, các công ty thuộc VNITO đã liên kết với nhau để cùng khai thác các thị trường khá hiệu quả. Cạnh tranh giữa các đơn vị hiện nay chính là sở hữu nguồn nhân sự có trình độ và kinh nghiệm.

“Chúng tôi không thể so sánh với các tập đoàn lớn hoặc các công ty nước ngoài có số vốn “khủng” đầu tư vào Việt Nam và hút nhân tài, tuy nhiên với quy mô của công ty, chúng tôi có thế mạnh ở sự linh hoạt, có thể tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi và nâng cao trình độ không ngừng. Ngoài ra chúng tôi còn có cả chương trình phát triển cá nhân cho những bạn chủ chốt, tạo dựng sự gắn kết dựa trên niềm tin, sự an tâm và môi trường làm việc vui vẻ”, bà Annie Nguyễn chia sẻ bí quyết của doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh nguồn nhân lực 4.0.

Giữ chân nhân tài 4.0 như thế nào?

Hiện thị trường lao động ngành công nghệ tại Việt Nam đang rất nóng bỏng. Ngày càng nhiều các công ty start-up hoặc các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đây là cơ hội cho các bạn trẻ trong việc lựa chọn, tuy nhiên, điều này lại đang gây áp lực lên các doanh nghiệp.

Với tốc độ tăng trưởng ngành công nghệ thông tin từ 20-30%/năm, vấn đề bổ xung nhân sự đang là một bài toán khó của các doanh nghiệp hiện nay.

Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp bận tâm hơn đó chính là tình hình nguồn nhân lực đang có sự chuyển dịch rất lớn, đặc biệt, đã có một số biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, gây xáo trộn về nhân lực trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các công ty công nghệ.

Và trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp phải thường xuyên khảo sát đánh giá thị trường, để có thể kịp thời điều chỉnh hoạt động. Cùng với đó đảm bảo chính sách lương bổng, phúc lợi ở mức cạnh tranh mới có thể giữ chân nhân tài.

Theo ông Vương Bảo Long - Phó Chủ tịch Công ty LogiGear, với lĩnh vực công nghệ, con người là nhân tố quan trọng nhất. Tại LogiGear, nhân sự được coi là tài sản vô giá, do đó, công ty của ông luôn tập trung vào hoạt động huấn luyện - đào tạo, nhất là đào tạo thêm về các công nghệ, kỹ thuật mới, cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên phát triển nghề nghiệp lâu dài.

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng luôn cam kết xây dựng và duy trì môi trường làm việc chuyên nghiệp, có văn hóa riêng, khuyến khích cải tiến, sâu sát, cởi mở, trao quyền tự chủ phù hợp để thu hút nhân tài và giúp các tài năng có “đất” dụng võ và tự do sáng tạo.

Cũng về câu chuyện nhân sự, ông Trần Phúc Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty phần mềm TMA Solutions, cho hay, với mục tiêu trở thành một Trung tâm về đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á, TMA đã chuẩn bị nguồn nhân lực nhiều năm nay bằng việc hợp tác với các đại học trong và ngoài nước, thậm chí thuê chuyên gia nước ngoài, hay thực hiện nhiều dự án cho khách hàng nước ngoài để học hỏi công nghệ và tích lũy kinh nghiệm cho các kỹ sư. Theo ông Hồng, công nghệ mới như khoa học dữ liệu hay trí tuệ nhân tạo không thể làm nhanh, muốn thành công phải làm thực và học thực.

Có thể nói, nguồn nhân lực chất lượng là một trong những vấn đề quan trọng sống còn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhân lực công nghệ 4.0 là vấn đề mới, các trường đại học, cao đẳng hiện chưa đào tạo nhiều nên thiếu là đương nhiên. Tuy nhiên, nếu có mục tiêu, chiến lược và giải pháp rõ ràng thì nguồn nhân lực sẽ là nguồn lực quyết định để Việt Nam trở thành “Điểm đến đổi mới sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á, và điều này rất cần có sự chung tay của các doanh nghiệp trong VNITO.

Ngọc Tấn

Top