Lối đi nào khi startup tham vọng ‘nâng cấp’?

12/09/2017 3:44 PM

(Chinhphu.vn) - Trong khi nhiều người vẫn cho rằng, khó khăn lớn nhất của các nhà khởi nghiệp (startup) trên con đường trở thành một doanh nghiệp (DN) bền vững chính là khả năng tiếp cận vốn và thấu hiểu hành lang pháp lý, thì góc nhìn của hội nghị bên lề APEC về khởi nghiệp lại cho thấy một thách thức khác ít được nhắc đến. “Lên đời” vườn ươm - mong mỏi không chỉ riêng của startups

Ảnh minh họa

Theo thông tin từ các nghiên cứu của Nhóm công tác DN nhỏ và vừa (SME) của APEC, những khảo sát về giới doanh nhân Việt Nam cho thấy “dư địa” phát triển còn rất tiềm năng cho các nhà khởi nghiệp trẻ.

Theo đó, 40% người sáng lập DN đang ở độ tuổi dưới 40; 88% chưa có kinh nghiệm nghề nghiệp hoặc từng học tập, làm việc ở nước ngoài trước đó; 21% DN chưa tiếp cận bất cứ dịch vụ hỗ trợ nào; 75% startup tham gia khảo sát cho biết họ học những tiến bộ của ngành qua tương tác với đồng nghiệp hoặc những người đầu ngành; chỉ 5% nói có sử dụng công nghệ tài chính.

Rõ ràng, những con số nêu trên nếu được cải thiện theo hướng tích cực sẽ mở ra cánh cửa phát triển vô cùng to lớn cho startup nói chung.

Tất nhiên, khả năng tiếp cận vốn và nắm vững hành lang pháp lý thường bị cho là những vướng mắc lớn nhất của startup. Trong đó, lo ngại phổ biến của startup là “một rừng” chính sách và thủ tục hành chính. Nếu không thể hòa vào dòng chảy pháp lý điều chỉnh hoạt động của DN ngay từ khi mới khởi sự thì nhóm các DN startup, thậm chí khi đã trở thành SME hoặc DN siêu nhỏ (MSME), vẫn có thể bị đẩy vào nền kinh tế ngầm, phi chính thống.

Đáng chú ý, những thảo luận tại hội thảo chuyên đề về khởi nghiệp trong khu vực APEC còn cho thấy một cảnh báo khác. Theo đó, một số chuyên gia tin rằng các startup trong khu vực APEC khá giống nhau khi đều gặp khó khăn để có thể huy động được cái gọi là “vốn xã hội”. Đó chính là nhà cung cấp uy tín, đối tác kinh nghiệm, nguồn nhân lực tốt và khách hàng trung thành để đồng hành cùng DN trong những buổi ban đầu.

Quyết định sinh tử

Vượt qua giai đoạn khó khăn buổi đầu khởi nghiệp, con đường của các startup không hẳn đã bằng phẳng, mà có khi phải đối mặt với những quyết định “sinh tử” trước những lời chào mua hấp dẫn - thực ra chính là đấu tranh với nguy cơ bị thâu tóm bởi các “đại gia”.

Tuy nhiên, cũng có những nhà khởi nghiệp cả đời chỉ chọn con đường sáng lập DN rồi bán đi kiếm lãi, hết lần này đến lần khác. Nhưng với nhiều startup khác, thành công của một DN không chỉ được cân đo đong đếm bởi lợi nhuận, mà còn là tham vọng dựng nên một tên tuổi “thọ” được hàng trăm năm như nhiều DN gạo cội khác trên thế giới.

Thi Anh Đào, nhà sáng lập còn rất trẻ của Công ty Tiếp thị số Emerald, người đã từng được xướng tên trong top 30 doanh nhân trẻ thành công khi chưa đến 30 tuổi của Forbes Việt Nam, tin rằng “nếu cứ xây dựng một công ty rồi bán đi kiếm lời thì sẽ không bao giờ thực sự có công ty nào đủ lớn mạnh và tên tuổi”. Ba lần đối diện với quyết định sinh tử về việc nên bán đi hay giữ lại một công ty được cho là xán lạn ngay từ buổi bình minh khởi nghiệp, cuối cùng Emerald cũng đã chọn được đối tác muốn cùng đi đường dài để phát triển công ty lên những nấc thang mới.

Từ kinh nghiệm của một startup khác, ông Nguyễn Trường, Tổng Giám đốc của siêu thị online có tên là Chopp.vn, cho biết, hầu hết nhà đầu tư đã từng tiếp cận với startup này đều không muốn “xuống tiền” khi nghe người sáng lập nói muốn duy trì khoản đầu tư ấy ít nhất 10 năm rồi mới tính tới chuyện thoái vốn. “Nông sản thực phẩm tại Việt Nam là ngành còn rất nhiều tiềm năng và chúng tôi không hề có ý định bán công ty, ít nhất là trong thời điểm này”, nhà sáng lập trẻ khẳng định.

Bệ phóng

Như vậy, sau giai đoạn bắt đầu - “start”, các nhà khởi nghiệp trẻ Việt Nam cũng không giấu giếm tham vọng đưa DN lên nấc thang mới - “up”. Và một trong những bệ phóng startup thành công là mô hình “vườn ươm” Vietnam Sillicon Valley trực thuộc Bộ KH&CN Việt Nam.

Trong khi các vườn ươm DN do Nhà nước quản lý, điển hình như những vườn ươm tại TPHCM, hiện chưa thể đáp ứng vai trò là cầu nối giúp startup tìm tới nhà đầu tư (chỉ 1/10 startup tại đây gọi vốn thành công), thì Vietnam Sillicon Valley đã chứng tỏ tính hiệu quả khi cởi mở trong tổ chức xét tuyển “đầu vào” cho nhiều chương trình “đào tạo” startup khác nhau.

Theo đó, những startup khắp châu Á đều có cơ hội tìm kiếm bệ phóng ở đây. Trong bối cảnh nguồn vốn lẫn số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế thì Vietnam Sillicon Valley đã trở thành cầu nối dẫn dắt các nhà đầu tư nước ngoài đến với những DN được “ươm tạo” tại đây.

Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm đề án Vietnam Sillicon Valley tự tin thông báo: “Chúng tôi đã có 26/40 công ty huy động vốn thành công” - một con số đáng mơ ước của vườn ươm được quản trị bởi một cơ quan Nhà nước. Thay vì chỉ “huấn luyện” cho các startup, Vietnam Sillicon Valley còn đào tạo cho cả các doanh nhân đóng vai trò dẫn dắt startup (mentors) hay các nhà đầu tư, với mục đích đưa những “nguồn vốn xã hội” này đến gần startup hơn nữa.

Phương Hiền

 

Top