Lựa chọn công nghệ LED trong chiếu sáng đô thị

11/08/2015 7:00 PM

(Chinhphu.vn) – Nhằm tham mưu cho Thành phố trong lựa chọn công nghệ LED phù hợp với hệ thống chiếu sáng công cộng. Ngày 11/8, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức hội thảo “ Nghiên cứu lựa chọn công nghệ LED trong chiếu sáng đô thị”.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Lê Anh

Các sở, ban ngành của Thành phố liên quan tới lĩnh vực chiếu sáng công cộng, các công ty môi trường đô thị các tỉnh phía nam và các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh LED trên địa bàn TPHCM đã tham dự.

Theo các chuyên gia, do thiết kế, lắp đặt và sử dụng chiếu sáng chưa hiệu quả, cộng thêm việc chủ yếu dùng đèn thủy ngân cao áp hoặc sodium cao áp cho hệ thống chiếu sáng công cộng... đang làm cho hệ thống chiếu sáng công cộng của Việt Nam tiêu tốn nhiều năng lượng.

Cùng với đó là những loại đèn này hiệu suất chiếu sáng chưa cao và tuổi thọ còn thấp; hệ thống các trạm điều khiển đèn được điều khiển bằng tủ cục bộ và hầu như chưa có thiết bị điều khiển chiếu sáng cho hệ thống.

Tại TPHCM, theo báo cáo của Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng (Sở KH&CN TPHCM), hệ thống chiếu sáng của Thành phố tiêu thụ hơn 162 triệu KWh điện/năm, trong đó, chiếu sáng công cộng chiếm khoảng 90 triệu KWh điện/năm, ước tính ngân sách Thành phố phải chi trả hơn 130 tỷ đồng mỗi năm.

Trong số 102.500 bóng đèn chiếu sáng công cộng hiện đang sử dụng, đèn cao áp HPS 400W chiếm 2,4%, đèn HPS 250W chiếm 39% và đèn HPS từ 100-150W chiếm 58,5%.

Để tiết kiệm điện, giải pháp được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo đó là cần phải ứng dụng công nghệ đèn LED tại các đô thị.

Theo tính toán của Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng, nếu thay thế toàn bộ hệ thống đèn hiện nay bằng đèn LED công suất 65-200W, TPHCM sẽ tiết kiệm được khoảng 55.315.699 kWh/năm, tương ứng khoảng 88 tỷ đồng, đồng thời giảm 31 tấn phát thải CO2 vào môi trường mỗi năm.

Ông Huỳnh Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội chiếu sáng Việt Nam cho biết, thời gian qua, cũng đã có nhiều địa phương, nhất là các đô thị quan tâm tới việc sử dụng đèn LED trong chiếu sáng, tuy nhiên, việc ứng dụng đèn LED trong chiếu sáng đô thị mới chỉ dừng lại ở việc ứng dụng hoặc thí điểm.

Tại Đà Nẵng năm 2008 thực hiện chiếu sáng đèn LED cầu Sông Hàn và Thuận Phước, tiếp đó, năm 2009 có tất cả 55 bộ đèn được nghiên cứu chế tạo và lắp đặt cho 12 ngõ xóm ở 3 quận. Hay tại TPHCM, mới có 1.200 bộ đèn LED được triển khai  tại khu công nghệ cao và một số địa điểm, điển hình là tại đường Nguyễn Huệ, quận 1.

Ông Dũng cho rằng, việc ứng dụng đèn LED trong chiếu sáng đô thị tại các địa phương triển khai còn chậm là do chi phí để triển khai sử dụng loại đèn này khá lớn.

Tại hội thảo, các DN như Điện Quang và các công ty đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã giới thiệu những công nghệ LED tiên tiến nhất trong chiếu sáng đô thị nhằm giúp tiết kiệm năng lượng đạt hiệu quả cao nhất, thân thiện với môi trường và giá cả phù hợp với thị trường Việt Nam.

Nhiều DN cũng đưa ra các phương án tài chính khi thực hiện dự án lắp đèn LED tại các đô thị, thông qua  sự hỗ trợ từ các ngân hàng Việt Nam.

Ông Takehiro Ogawa, Giám đốc Ủy nhiệm bộ phận quốc tế, công ty OGAWA DENKICO., LTD (Nhật Bản) cho biết, phía Nhật Bản đang hỗ trợ vốn thông qua các ngân hàng Việt Nam như EximBank, VietcomBank, ngân hàng phát triển Việt Nam để phát triển các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam, trong đó có vấn đề chiếu sáng đô thị.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng, hiệu quả ứng dụng công nghệ LED trong chiếu sáng đã được khẳng định từ lâu. Tuy nhiên, trên thị trường hiện có đa dạng chủng loại đèn LED, nên việc lựa chọn sản phẩm, công nghệ phù hợp cho các đô thị Việt Nam cũng cần có sự tham vấn đúng đắn.

Lê Anh

Top