Lý do khiến TPHCM hơn 60 ngày không có ca nhiễm mới

17/06/2020 3:18 PM

(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân từng khẳng định, người dân đồng lòng, sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp chính là những nguyên nhân thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở TPHCM.

Trong thời gian cao điểm chống dịch, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp chủ trì nhiều buổi giao ban trực tuyến để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Quyết sách tiên phong

Ngày 22/1, TPHCM ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với virus corona và đến ngày 3/4/2020 ghi nhận ca nhiễm gần nhất trong cộng đồng. Tính đến đầu tháng 6/2020, Thành phố đã qua trên 60 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đó là minh chứng cho thấy Thành phố đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và hiện đang tăng tốc khôi phục kinh tế xã hội, là kết quả thành công bước đầu của cả hệ thống chính trị và người dân Thành phố trong nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19.

Tối 23/1, Bệnh viện Chợ Rẫy phát đi thông báo về việc tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân người Trung Quốc dương tính với virus Corona mới (nCoV). Hôm đó là ngày 29 tết Canh Tý, bắt đầu cho giai đoạn 4 tháng chưa từng có trong lịch sử, cả hệ thống chính trị bước vào “cuộc chiến” phòng và chống dịch COVID-19.

Thành phố tổ chức họp phiên đầu tiên vào ngày 30 tết để triển khai những công việc liên quan.

Lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố chủ trì các buổi họp cuối ngày giao ban phòng, chống dịch COVID-19 cùng các sở, ngành, quận, huyện và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, đồng thời nhanh chóng chuyển trạng thái hội nghị trực tuyến cấp Thành phố để chỉ đạo xuyên suốt khi tình hình diễn biến phức tạp vào đầu tháng 3/2020.  Ít nhất vào thứ hai hàng tuần, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng các đồng chí lãnh đạo Thành ủy đều tham gia giao ban để có những định hướng, chỉ đạo quan trọng.

Lãnh đạo Thành phố triển khai rất kịp thời chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng, các bộ ngành. Đến nay, Thành phố ban hành 12 văn bản liên quan để chỉ đạo các sở ngành, quận huyện về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có những quyết định mang tính quyết sách tiên phong.

Ở thời điểm ngày 10/2, dù mới ghi nhận 3 ca nhiễm virus nCoV, Thành phố đã đưa vào vận hành Bệnh viện dã chiến tại Củ Chi và Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ.

Đồng thời, lãnh đạo Thành phố đã sớm có chỉ đạo các sở Y tế, Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chuẩn bị 20.000 bích chương hướng dẫn cách đeo khẩu trang đúng cách; In đủ 5 triệu tờ rơi về các biện pháp phòng chống bệnh nCoV và cấp phát về cho các quận, huyện, các Khu chế xuất, Khu công nghiệp, khối Sở ngành…; In 4,5 triệu bản cam kết và 5 triệu bản cẩm nang cấp phát cho quận huyện; xây dựng các clip hướng dẫn rửa tay…

Đến ngày 20/2, trong khi các địa phương cân nhắc kế hoạch cho học sinh trở lại trường vào đầu tháng 3 thì  Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong đã gửi kiến nghị lên Chính phủ và hai Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên đến hết tháng Ba và điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020.

Thành phố cũng kiến nghị từ ngày 23/2, áp dụng khai báo y tế và cách ly kiểm dịch đối với người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc khi quốc gia này bùng phát, trở thành ổ dịch mới nhằm chủ động kiểm soát bệnh xâm nhập vào Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác ứng phó phòng chống dịch tại một nhà máy trong KCX Tân Thuận, quận 7. Ảnh: ĐÌNH NGUYÊN

Ngày 27/3, Thủ tướng có Chỉ thị 15 về việc thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 và tiếp đến là Chỉ thị 16 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách... cả nước thực sự bước vào cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trước khi có Chỉ thị 15, TPHCM đã có những biện pháp quyết liệt cho cuộc chiến này.

Cụ thể, ngày 14/3, UBND Thành phố ra văn bản chi đạo, tất cả các điểm game online, quán bar, rạp chiếu phim, điểm massage, karaoke, vũ trường... trên địa bàn Thành phố tạm dừng hoạt động từ 18 giờ ngày 15/3 để chống dịch COVID-19.

Và những ngày sau đó, mỗi lần họp giao ban công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi người dân “hai tuần sống khác”, hy sinh những thói quen thường ngày để tập trung chống dịch, hạn chế ra đường, hạn chế tiếp xúc xã hội vì mục đích cuối cùng là ngăn chặn virus nCoV lây lan trong cộng đồng.

Đến ngày 26/3, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND Thành phố ra văn bản yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cấm tụ tập trên 20 người. Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Tư pháp triển khai xử phạt hành chính đối với những hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND Thành phố luôn nhắc nhở trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Cũng trong ngày 26/3, ngay trước thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết 02 về gói hỗ trợ cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong đó, những đối tượng ảnh hưởng trực tiếp như người bán vé số dạo được hỗ trợ ngày 750 ngàn đồng. Như vậy, giữa lúc dịch bệnh căng thẳng nhất, những người đứng đầu Thành phố luôn có những chỉ đạo sớm, cần thiết để đảm bảo vừa phòng, chống dịch, an sinh xã hội và duy trì sản xuất, khôi phục kinh tế xã hội.

Nhìn lại 3 tháng cao điểm chiến đấu với dịch COVID-19, từ một kiến nghị cụ thể, đến việc sớm vận hành những khu bệnh viện dã chiến cũng như nhiều hoạt động “phòng dịch ngay trong nguy cơ” trên khắp các "mặt trận" tại TPHCM, đã thấy tinh thần trách nhiệm nghĩ trước, làm trước của những người đứng đầu Thành phố.

Buổi họp báo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin về các chính sách của Thành phố hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 sáng ngày 7/4 tại Trung tâm Báo chí TPHCM. Ảnh: ĐN

Mặt trận thông tin

Thế nhưng, trước sự chuẩn bị chủ động và rốt ráo trong công tác phòng, chống dịch của Thành phố, dư luận đã hoài nghi về tình hình dịch bệnh. Không ít người cho rằng, dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn cảnh báo của Nhà nước.

Lúc này, bên cạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng dịch, Thành phố mạnh tay xử lý những trường hợp thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Những nghệ sĩ nổi tiếng như Đ.V.H hay N.T.V đã sớm bị Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố mời lên làm rõ những phát ngôn “nghe đồn” trên mạng xã hội. Sau đó là những tài khoản tung tin sai sự thật về số người nhiễm, số ca tử vong do dịch COVID-19 bị xử phạt hành chính với số tiền không nhỏ đã góp phần đấu tranh với những thông tin sai lệch, những thông tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19.

Trên mặt trận này, Trung tâm báo chí  (TTBC) Thành phố thực sự phát huy vai trò kết nối thông tin báo chí trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Trước hết là sự nhanh nhạy, kịp thời đấu tranh phản bác những tin đồn trên mạng xã hội. Khi xuất hiện những thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận, TTBC trở thành đầu mối tiếp nhận phản hồi từ các sở, ngành, quận, huyện liên quan và kịp thời chuyển tải thông tin chính thống đến người dân, đấu tranh loại bỏ những thông tin giả. Đồng thời, TTBC đã trở thành đầu mối kết nối, điều phối thông tin chính thức từ lãnh đạo Thành phố, các sở, ngành, quận huyện đến các cơ quan truyền thông một cách nhịp nhàng và kịp thời.

Những chiến sĩ nơi tuyến đầu

Không khó để chúng ta bắt gặp những hình ảnh "ăn núi, ngủ rừng", vội vàng những bữa cơm chiều, rồi đến những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ... của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu “chống giặc” COVID-19 đã chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.

Chưa bao giờ khối y tế dự phòng đã hoạt động hết công suất như trong suốt thời gian qua, ở mọi góc độ từ khâu kiểm dịch y tế quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất cho đến các khu cách ly tập trung của quận, huyện đến các khu cách ly tập trung của thành phố, từ khâu điều tra người tiếp xúc với người mắc bệnh cho đến công tác làm xét nghiệm lên đến hàng nghìn trường hợp,…

Và chưa bao giờ nhân viên y tế thuộc khối khám, chữa bệnh đã và tiếp tục sẵn sàng luân phiên đến công tác tại các bệnh viện dã chiến của thành phố chuyên tiếp nhận và chăm sóc người bệnh nhiễm COVID-19 cho dù biết rằng luôn có nhiều nguy cơ rình rập đến chính sức khoẻ của mình.

Công tác phòng chống dịch COVID-19 là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, ngành y tế là một trong số những đơn vị thường trực, đi đầu “chiến đấu” với dịch bệnh mọi lúc, mọi nơi.

Ở nơi tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế luôn hàng ngày túc trực 24/24, lao vào ổ dịch bất kể ngày đêm hoặc cả tháng chưa về đến nhà. Như chia sẻ của bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy “Chỗ có dịch bệnh là nơi mọi người chạy đi, còn nhân viên y tế lại chạy vào”.

Hay như từ khi phát hiện ca bệnh trong 3 toà nhà chung cư ở Quận 2, TPHCM liên quan đến ổ dịch ở quán bar Buddha, bác sĩ Trương Thành Trung, Trưởng Phòng Y tế Quận 2 cho biết, quận đã huy động toàn bộ nhân viên y tế mỗi ngày lấy từ 400-500 mẫu xét nghiệm. “Chúng tôi mỗi lần mặc đồ xét nghiệm vào không muốn cởi ra để đi ăn, thường xuyên nhịn ăn để làm cho xong vì có quá nhiều xét nghiệm gửi về, người dân lại luôn hối thúc kết quả. Có những hôm phải lấy cả đêm, chỉ kịp nghỉ ngơi chốc lát rồi bắt tay ngay vào công việc”, bác sĩ Trung chia sẻ.

Ngoài việc thực hiện đúng yêu cầu của Bộ Y tế và lãnh đạo thành phố là đảm bảo cách ly theo dõi và cách ly điều trị hiệu quả đảm bảo đúng thời gian quy định, Sở Y tế còn đặt hàng với Ban Giám đốc Bệnh viện dã chiến Củ Chi thêm 2 “đầu ra” đó là: (1) Mỗi người cách ly phải trở thành một “tuyên truyền viên” về phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng khi hoàn tất thời gian cách ly; (2) Mỗi nhân viên y tế phải trở thành một “hướng dẫn viên” về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây lan dịch bệnh trong môi trường bệnh viện.

Lá chắn thép ở các khu vực cách ly

Ngay khi TPHCM triển khai xây dựng Bệnh viện dã chiến huyện Củ Chi, Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, cũng như các khu cách ly tập trung, Bộ tư lệnh Thành phố đã tổ chức lực lượng tham gia triển khai, bảo đảm công tác phục vụ điều trị, cách ly. Lực lượng vũ trang (LLVT) Thành phố đã huy động cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Gia Định, lực lượng dân quân của Ban CHQS các quận, huyện tham vào công tác này.

Doanh trại Trường Quân sự Thành phố, Trung đoàn 10 cũng được sử dụng làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung. Lực lượng kiểm soát quân sự được bổ sung vào các chốt, trạm kiểm soát phòng dịch của thành phố tại các cửa ngõ, vị trí trọng điểm.

Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM là khu cách ly tập trung người cách ly đông nhất của thành phố. Vì thế, công việc của cán bộ, chiến sĩ LLVT Thành phố càng thêm vất vả trong bảo đảm an ninh, an toàn, phục vụ cách ly.

Các chiến sĩ hỗ trợ vận chuyển đồ cá nhân cho người dân hoàn thành thời gian cách ly tại Khu cách ly tập trung Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Những hình ảnh do chính người dân trong các khu cách ly tập trung chia sẻ đã nói lên sự hy sinh thầm lặng của lực lượng vũ trang tại các khu vực này.

Lan tỏa yêu thương

Khi Thành phố bước sang ngày thứ 14 thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, chúng tôi có mặt tại một điểm phát cơm miễn phí ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. Một nhóm chị em phụ nữ đã vận động nhau góp tiền, góp sức nấu hàng trăm suất cơm mỗi ngày và phát miễn phí cho người bán vé số dạo, cho lao động tự do. Tại điểm phát này, bà Nguyễn Thị Ngát cho biết, suốt hai tuần không kiếm sống bằng công việc bán vé số dạo, bà nhận được sự hỗ trợ 750 ngàn của Thành phố, 300 ngàn từ phường Trường Thọ. Hàng ngày ngoài phần cơm tại điểm phát trên, bà Ngát được đoàn Thanh niên phường mang đến tận nhà thêm một suất cơm nữa, đủ phần ăn cho cả ngày.

Đây chỉ là một trong số hàng trăm điểm phát cơm miễn phí của người dân Thành phố, kịp thời dang tay bao bọc, chia sẻ khó khăn với những lao động nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cụ Lê Thị Văn ủng hộ toàn bộ số tiền 15 triệu đồng, mức tặng thưởng kèm theo khi nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng vào Quỹ chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP

Không khó tìm những câu chuyện tử tế của người dân Thành phố hướng về tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đó là Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt, 95 tuổi, ở quận Gò Vấp vẫn miệt mài may những chiếc khẩu trang vải để tặng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Là cụ bà Lê Thị Văn, một Đảng viên cao tuổi ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức đã dành toàn bộ số tiền thưởng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng đóng góp vào Quỹ chống dịch do Mặt trận Tổ quốc Thành phố phát động. Là hai em Nguyễn Ngọc Tuệ Minh (8 tuổi) và Nguyễn Bích Ngọc (5 tuổi) ở quận 9 đập heo đất và quyên góp 10 triệu đồng để chăm lo cho các y bác sĩ và LLVT đang làm việc nơi tuyến đầu… Hay tinh thần trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đã vận động các mạnh thường quân cùng chăm lo, hỗ trợ cho hơn 300 giáo viên, bảo mẫu các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn, mỗi phần hỗ trợ gồm 3 triệu đồng và 25kg gạo.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố cho biết, cho đến ngày 5/6, từ phát động của Trung ương MTTQ Việt Nam, Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố đã nhận được trên 208 tỉ đồng. “Số tiền không thể hiện nhiều hay ít, nhưng nó là tấm lòng của người dân Thành phố. Thông qua vai trò kêu gọi của Mặt trận thì người dân chung tay góp sức để chia sẻ với những nơi còn khó khăn, với lực lượng y bác sĩ, LLVT tham gia chống dịch, với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch”, bà Châu cho biết.

Trong những ngày giãn cách xã hội, hàng loạt máy "ATM gạo" đã được lắp đặt ở nhiều nơi trên địa bàn TPHCM để hỗ trợ người dân nghèo đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Ngày 19/5 vừa qua, phát biểu chỉ đạo Hội nghị Sơ kết phong trào thi đua 200 ngày Chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Thành phố có trách nhiệm chính trị rõ ràng, ngay từ đầu với thái độ quyết liệt, làm việc khoa học, có trách nhiệm, góp phần cùng cả nước không để xảy ra dịch. Thời điểm phát động thi đua chưa bước vào giai đoạn bùng phát dịch COVID-19. Mặc dù trong 10 nội dung thi đua không có nội dung chống dịch COVID-19, thực tế trong 5 tháng vừa qua, phòng, chống dịch lại trở thành nội dung rất quan trọng, các sở, ngành, quận, huyện cũng tham gia, xác định đây là nhiệm vụ số 1.

Từ kinh nghiệm phòng chống dịch trong thời gian qua cùng với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, chung sức chung lòng, những người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền Thành phố đã nhiều lần khẳng định TPHCM có đủ năng lực, nguồn lực, ý chí để kiểm soát dịch bệnh. Đảng bộ, chính quyền Thành phố luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu lãnh đạo, điều hành kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Băng Tâm

Top