May mắn là các thầy cô vẫn đồng hành, cống hiến

18/11/2018 11:08 AM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn của những năm đầu giải phóng, nhưng với nỗ lực, sáng tạo không ngừng, sự cống hiến hết mình của các thầy cô, ngành GD-ĐT TPHCM sau mỗi giai đoạn đều có những bước tiến vượt bậc, thể hiện tốt vai trò tiên phong trong sự nghiệp “trồng người” của đất nước.

Đứng đầu cả nước về quy mô, ngành GD-ĐT TPHCM trong hơn 40 năm qua đã có những bước tiến lớn, đạt nhiều thành tựu ấn tượng trong đổi mới - phát triển và hội nhập, để lại nhiều bài học rất có ý nghĩa cho thành phố cũng như cho cả nước. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Giáo dục TPHCM chuyển động từng ngày

Bước vào ngành GD-ĐT từ cuối năm 1975, ông Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM vẫn nhớ như in những thiếu thốn đến mức ám ảnh thời gian đó: “Có những chuyện mà bây giờ chúng tôi kể chắc chẳng ai tin. Giai đoạn đó, cuối tháng chúng tôi lại đau đầu vì không biết kiếm đâu ra tiền để đủ trả lương cho giáo viên. Rồi có những lúc thành phố thiếu giáo viên trầm trọng, có quận thiếu đến 50% nhưng ngành vẫn tìm mọi cách để làm sao khai giảng năm học đúng theo quy định. Kinh phí lúc đó rót về rất hạn hẹp nên ngành GD-ĐT tìm cách đa dạng các loại trường để giáo viên có thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống. Và rất nhiều khó khăn, thử thách khác. Điều may mắn là các thầy cô vẫn đồng hành, cống hiến hết mình cho ngành để mỗi giai đoạn giáo dục thành phố có những bước tiến vượt bậc.”

Từ thực trạng thiếu trường lớp trầm trọng những năm đầu giải phóng, đến nay, mặc dù áp lực dân số ngày càng lớn nhưng ngành GD-ĐT TPHCM vẫn đảm bảo 100% con em lao động sống tại 24 quận, huyện đều có chỗ học. Đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 2.262 trường học các cấp. Trong đó, nhiều trường được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại theo chuẩn quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu giáo dục thông minh.

Chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) vào năm 2020 sắp thành hiện thực vì đến nay thành phố đã đáp ứng được con số 268 phòng học/10.000 dân.

Không chỉ đẩy mạnh phát triển về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thành phố còn đầu tư mạnh mẽ cho đội ngũ giáo viên cùng việc thiết kế nhiều chương trình, đề án giáo dục mang tính đột phá.

Gần 80.000 giáo viên đã và đang được tạo điều kiện tốt để phát huy hết năng lực chuyên môn trong việc hiện đại hóa công tác giảng dạy theo xu hướng hội nhập. Các hoạt động dạy học tích hợp liên môn, hoạt động trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường không ngừng được mở rộng từ bậc trung học phổ thông đến tiểu học. Mô hình trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế hay trường học kết nối đang tạo môi trường để hàng chục ngàn học sinh phát huy tốt nhất năng lực bản thân.

“Tôi thực sự ấn tượng với sự hòa nhập giáo dục quốc tế của TPHCM. Việc thay đổi cách dạy và học của ngành GD-ĐT Thành phố đã giúp giáo viên năng động, sáng tạo hơn và học sinh thích thú, tư duy tốt hơn. Đặc biệt là việc trang bị các kỹ năng quan trọng cho người học như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống…”, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đức chia sẻ.

Nhiều chính sách nhân văn 

Không chỉ có nhiều quyết định, chương trình mang tính đột phá như siết chất lượng đội ngũ, giao quyền tự chủ lên kế hoạch truyền đạt kiến thức cho các trường, tạo động lực để học sinh tự do sáng tạo, ngành GD-ĐT TPHCM còn được nhớ đến bởi nhiều chính sách giàu tính nhân văn.

Cụ thể như chương trình nhà ở cho cán bộ, giáo viên ngành giáo dục thành phố đã được triển khai tốt giúp nhiều nhà giáo “an cư lạc nghiệp”. Nhiều chính sách mới liên quan đến giáo viên mầm non liên tục được triển khai trong thời gian gần đây đã mở ra cơ hội để những cô giáo không có hộ khẩu thành phố vẫn được nhận vào trường công và có thêm các khoản thu nhập phụ trợ. Hay quyết định chi tiền vượt giờ cho giáo viên mầm non cũng tạo được hiệu ứng tốt, giúp giảm tải áp lực cuộc sống, động viên tinh thần cho đội ngũ giáo viên tại các trường.

Việc được thông qua cơ chế đặc thù đã giúp TPHCM linh hoạt hơn trong việc chi trả lương người lao động trong khối hành chính - sự nghiệp. Theo đó, thu nhập của giáo viên cũng được cải thiện. Thầy Phạm Văn Chiểu, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu phấn khởi: “Mỗi tháng tăng thêm 0,6 lần thu nhập là giáo viên phấn khởi lắm. Khi nhận được nhiều sự quan tâm từ thành phố, từ ngành, chắc chắn giáo viên sẽ có thêm động lực để gắn bó dài lâu hơn với nghề”.

Bên cạnh việc liên tục đầu tư hệ thống trường lớp đáp ứng nhu cầu gửi trẻ tại 17 KCN, KCX trên địa bàn, ngành GD-ĐT Thành phố còn có nhiều chương trình thiết thực như giữ trẻ ngoài giờ, giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi. Sau khi ghi nhận hiệu ứng từ quá trình thí điểm, đến nay TPHCM đã áp dụng mô hình nhận giữ trẻ 6-18 tháng tuổi đại trà tại 24 quận, huyện.

Bước sang giai đoạn mới - giai đoạn hội nhập - ngành GD-ĐT TPHCM tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu nhằm thực hiện ngày càng hiệu quả các nội dung mà Nghị quyết 29 của Trung ương yêu cầu. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, bên cạnh việc tiếp tục nâng chuẩn, chăm lo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, ngành GD-ĐT thành phố sẽ triển khai nhiều kế hoạch, đề án mới để sớm tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến: “GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục các nội dung, phương thức và tất cả giải pháp để thực hiện nền giáo dục hiện đại. Chúng ta không chỉ đổi mới căn bản và toàn diện mà phải là một nền giáo dục hiện đại, thông minh và hội nhập với quốc tế để xứng tầm với sự thay đổi không ngừng của thành phố”.

Các mục tiêu, kế hoạch đã được đặt ra, đề án “Giáo dục thông minh” của TPHCM cũng đang thành hình với những bước đi cụ thể. Cùng với những nỗ lực tự thân, ngành GD-ĐT TPHCM tiếp tục nhận được sự đồng hành của bộ máy chính quyền. Theo đó, tại buổi làm việc gần đây với ngành GD-ĐT, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thành phố sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực GD-ĐT thông qua các chính sách cụ thể về quy hoạch đất đai, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục thông minh. “Thành phố cam kết tiếp tục bố trí đủ kinh phí cho lĩnh vực GD-ĐT. Hiện nay chúng ta dành đến 25% kinh phí của thành phố cho giáo dục, trong khi cả nước chỉ quy định 20%”, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định./.

Gia Mỹ

Top