Muốn hiện đại, nghĩa tình phải xây dựng văn minh đô thị

28/04/2016 9:02 AM

(Chinhphu.vn) - Đó là ý kiến nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Kiến trúc vì một TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” vừa diễn ra ngày 27/4.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại Hội thảo. Ảnh VGP/Phan Hoàng

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, tương tự những đô thị lớn khác trên thế giới như New York, Paris, Tokyo…, hiện nay, sự gia tăng nhanh về dân số đang khiến “chiếc áo” đô thị của TPHCM trở nên chật chội. Tình trạng hạ tầng kỹ thuật lỗi thời tại một số khu vực trung tâm, cùng việc hình thành nhiều khu dân cư tự phát đã làm phát sinh các vấn đề ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường…

Để giải quyết những vấn đề đặt ra trong phát triển đô thị, TPHCM đang quyết tâm xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đây là định hướng phát triển phù hợp với xu hướng thời đại. Tuy nhiên một đô thị có chất lượng sống tốt, hiện đại không nhất thiết phải có nhiều tòa nhà chọc trời, hay những tuyến đường giao thông chằng chịt.

Theo KTS. Nguyễn Văn Tất – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, để xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt cần bắt đầu từ việc xây dựng văn minh đô thị bởi chính sự sạch sẽ, hài hòa, văn hóa mới là nguồn gốc để tạo ra một đô thị đẹp. Điều không quá khó nếu chúng ta thống nhất những quy ước được cộng đồng và từng cá nhân cam kết thực hiện.

Cụ thể, muốn xây dựng nếp sống văn minh đô thị, KTS. Nguyễn Văn Tất cho rằng trước hết cần chú trọng khắc phục, thay đổi những thói quen xấu của người dân, như xả rác bừa bãi, kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường… thông qua việc xây dựng những nội dung mang tính quy phạm trong thiết kế đô thị. Bên cạnh đó, việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị cũng phải bắt đầu bằng việc chú trọng giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Trong quy hoạch kiến trúc, Thành phố không thể cứ áp 100% các mô hình trên thế giới mà phải có chiến lược đầu tư thường xuyên và dài hạn cho những nghiên cứu về mặt xã hội học đô thị. Từ đó làm căn cứ khoa học để thực hiện việc thiết kế kiến trúc, cũng như quy hoạch, bảo tồn một cách hài hòa và phù hợp với nhu cầu cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân Thành phố, KTS Nguyễn Văn Tất nêu ý kiến.

Bên cạnh ý kiến nêu trên, các chuyên gia cũng tập trung thảo luận, đóng góp nhiều giải pháp kiến trúc, quy hoạch đô thị TPHCM, liên quan đến các vấn đề như: Nhà ở và môi trường cho người dân sinh sống ven kênh rạch; công tác quản lý nhà nước đối với nền kiến trúc Thành phố; duy trì và phát huy bản sắc kiến trúc đô thị…

Ảnh VGP/Phan Hoàng

Để giải quyết bài toán “đô thị hẻm”

Đề cập đến chủ đề “đô thị hẻm”, KTS. Nguyễn Thiểm cho rằng hiện nay diện mạo đô thị TPHCM đang bị ảnh hưởng vì có quá nhiều ngõ, nghách. Đây là hệ quả tất yếu từ việc cho phép tách thửa đất để phân lô bán nền tràn lan, làm hình thành những khu vực có mật độ dân cư cao nhưng thiếu các công trình công cộng, không bảo đảm các tiêu chuẩn về hạ tầng đô thị, dẫn đến nhiều vấn đề nhức nhối như ngập nước, ô nhiễm…

Theo KTS. Nguyễn Thiểm, để giải quyết bài toán “đô thị hẻm”, một số quốc gia trên thế giới như Đức, Nhật Bản và mới đây là Thái Lan đã ban hành Luật tự điều chỉnh đất kêu gọi người dân cùng tham gia phát triển, quy hoạch Thành phố. Cụ thể, những quốc gia này quy định: Tại những nơi có điều kiện đô thị hóa nhưng hạ tầng kém phát triển, người dân trong khu vực sẽ đóng góp một phần đất nhất định để xây dựng những mảng xanh, hay công trình công cộng. Bù lại người dân sẽ được đền bù bằng một số tiền tương ứng với giá trị, vị trí đất đã đóng góp.

Thực tế việc áp dụng giải pháp tự điều chỉnh đất tại các quốc gia trên đã góp phần cải thiện đáng kể các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đô thị, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. TPHCM có thể nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm này để áp dụng linh hoạt vào quy hoạch đô thị, nhất là tại các quận huyện ngoại thành Thành phố, KTS. Nguyễn Thiểm kiến nghị.

Trước đó, phát biểu tại Hội thảo, KTS. Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định diện mạo đô thị TPHCM đang tiếp tục có sự thay đổi rõ rệt, ngày càng văn minh hiện đại. Hàng loạt công trình, dự án lớn như Cải tạo môi trường Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hũ – Bến Nghé… được Thành phố triển khai đã giúp nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của Hiệp hội Kiến trúc sư TPHCM trong việc xây dựng các công trình trọng điểm, giúp môi trường sống tại Thành phố ngày càng tiện nghi, thông thoáng. Theo ông Lê Thanh Liêm, hiện nay Thành phố đang nỗ lực thực hiện các Chương trình đột phá đề ra tại Nghị quyết Đảng bộ Thành phố lần thứ X. Trong đó có “Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị” với trọng tâm là quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Lãnh đạo TPHCM mong muốn, thời gian tới đội ngũ Kiến trúc sư trên địa bàn Thành phố tiếp tục đóng góp nhiều hơn các sáng kiến trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị, qua đó giúp Thành phố xây dựng những công trình kiến trúc hài hòa, phát huy tối đa công năng để đáp ứng có hiệu quả nhu cầu cuộc sống của người dân Thành phố.

Phan Hoàng

Top