Nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải khu vực ĐBSCL

22/07/2014 1:40 PM

Sáng 21-7, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị "Nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải khu vực ĐBSCL" tại Cần Thơ. Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL đã tham dự.

Theo báo cáo tại hội nghị, ĐBSCL hiện có hơn 13.000km đường thủy sử dụng được cho vận tải, trong đó khoảng 7.000km được đưa vào cấp quản lý. Các tuyến chính gồm 4 trục dọc nối Đông - Tây - Nam bộ, 3 trục ngang và các tuyến tránh. Toàn vùng có gần 230.000 phương tiện thủy nội địa được đăng ký, chủng loại phong phú, tổng công suất máy hơn 8,7 triệu CV, tổng trọng tải tàu hàng 7,2 triệu tấn; sức chở hành khách hơn 700.000 người. Hàng năm, lượng hàng hóa vận chuyển phương tiện thủy nội địa qua khu vực ĐBSCL đạt 51,5 triệu tấn, chiếm 30% cả nước; chủ yếu là lúa gạo, phân bón, vật liệu xây dựng, mía đường, clinke...

Dù đã được đầu tư nhiều dự án lớn như: cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, mở rộng quốc lộ 1A (đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ), nâng cấp quốc lộ 91 đoạn qua địa phận tỉnh An Giang, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Nam sông Hậu, nâng cấp các tuyến quốc lộ 50, 60, 53, 54, 57, 63; sân bay Cần Thơ, sân bay Phú Quốc... với tổng mức đầu tư khoảng 37.000 tỉ đồng. Nhưng đến nay, hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vẫn thiếu tính đồng bộ, là điểm nghẽn nan giải trong vận tải xuất khẩu hàng hóa, đi lại giữa ĐBSCL với các vùng miền khác.

Trong khi đó, vùng ĐBSCL với hệ thống sông rạch chằng chịt nên vận tải thủy nội địa có nhiều tiềm năng phát triển. Vận tải thủy nội địa được xem là giải pháp giảm chi phí vận chuyển so với các phương thức vận tải khác, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa, nhất là đối với hàng nông sản, thủy sản của vùng ĐBSCL...

Các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới cần rà soát lại quy hoạch phát triển vận tải thủy nội địa, tăng cường đầu tư cho vận tải thủy nội địa, nạo vét các luồng tuyến, nhất là sớm hoàn thành dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (kênh Quan Chánh Bố). Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vận tải thủy nội địa, đẩy mạnh tuyên truyền vai trò và hiệu quả của giao thông thủy...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng: Để khắc phục những tồn tại, phát huy tiềm năng lợi thế đường thủy nội địa, hướng tới cần phải thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp về đường thủy nội địa. Đồng thời, phải hoàn thiện chiến lược, kế hoạch, thể chế chính sách để thúc đẩy phát triển đường thủy nội địa theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, tăng năng suất vận tải, giảm phí vận tải, thúc đẩy thị trường vận tải đường thủy nội địa phát triển.

NS. (Theo cổng thông tin điện tử Cần Thơ)

 

Top